Bao giờ đấu thầu phim lịch sử ?

05/06/2014 08:55 GMT+7

Ngân sách làm phim lịch sử hầu hết “rơi” vào một vài hãng phim nhà nước, trong khi phim làm ra thường chỉ để phục vụ những dịp kỷ niệm rồi… cất kho.


Sống cùng lịch sử - bộ phim lịch sử kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa ra mắt khán giả - Ảnh: đoàn phim cung cấp 

Theo Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975, gần như năm nào ngành điện ảnh cũng đặt hàng phim truyện về đề tài lịch sử.

Chia đều dự án

Những dự án này được chia đều cho các hãng phim nhà nước và một vài hãng phim tư nhân nhưng “chẳng xa lạ gì” với các hãng phim nhà nước. Chẳng hạn trong năm nay, có tới bốn phim lịch sử đặt hàng được giao cho Công ty TNHH MTV hãng phim truyện Việt Nam (Nhà tiên tri), Công ty TNHH MTV hãng phim Giải phóng (Mỹ nhân), hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam (Thầu Chín ở Xiêm), Công ty TNHH MTV Nam Phương (Những đứa con của làng).

Hàng tỉ đồng, cũng có khi là hàng chục tỉ đồng, được đầu tư cho mỗi phim nhưng nhiều người hoài nghi trong số bốn bộ phim này phim nào sẽ thu hồi được vốn, hay chí ít là có thể ra rạp (theo đúng nghĩa). Sống cùng lịch sử (do Công ty TNHH MTV hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) vừa ra mắt, đang tìm cách phát hành rộng rãi. Tuy nhiên, không có nhiều bộ phim lịch sử đặt hàng được hãng phim tự vận động đưa đến khán giả như thế. Trong một hội thảo về phim lịch sử, nhà biên kịch Lê Phương (tác giả của Đêm hội Long Trì, Tráng sĩ Bồ Đề) thẳng thắn cho rằng nhà nước không nên chỉ lựa chọn kịch bản, rồi cấp kinh phí theo kiểu đặt hàng.

 

Điện ảnh Việt Nam là điện ảnh Việt Nam chứ không nên phân biệt là điện ảnh “Việt kiều”, nhà nước hay tư nhân. Đấu thầu phim sẽ giúp cho điện ảnh phát triển

Diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Dustin Nguyễn

Bao giờ đấu thầu theo luật ?

Phim lịch sử cho đến giờ vẫn gần như là “sản phẩm độc quyền” của các hãng phim nhà nước. Chẳng mấy hãng phim tư nhân thích chạm đến địa hạt khắc nghiệt này vì phải đầu tư kinh phí lớn, trong khi không dễ nắm chắc phần thu lợi nhuận như phim giải trí. Thế nên, không ít nhà làm phim tư nhân đang chờ đợi được “đấu thầu” để có cơ hội làm phim lịch sử. “Tư nhân như tôi cũng cần tới sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam là điện ảnh Việt Nam chứ không nên phân biệt là điện ảnh “Việt kiều”, nhà nước hay tư nhân. Đấu thầu phim sẽ giúp cho điện ảnh phát triển”, diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Dustin Nguyễn chia sẻ.

Tương tự, đạo diễn Trần Lực, Giám đốc hãng phim Đông A, cho rằng: “Nếu việc đấu thầu đi vào thực hiện thì đó là điều rất tốt, không chỉ tốt cho hãng phim tư nhân chúng tôi, mà còn cho cả ngành điện ảnh. Đây là một cuộc chơi sòng phẳng để có được những bộ phim hay”.

Đứng ở phía hãng phim nhà nước, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cẩn trọng hơn: “Hiện nay, có những nơi mang tiếng là hãng phim tư nhân nhưng chỉ là một bộ sậu giám đốc, nhân viên, họ có thể thuê cũng có khi là chỉ lấy tên của một đạo diễn nổi tiếng nào đó để mời thầu. Người có tên trong hồ sơ chưa chắc sẽ thực hiện bộ phim đó. Tôi nghĩ hãng phim tư nhân thậm chí cả hãng phim nhà nước phải đủ điều kiện sản xuất, ngoài ra cũng cần xác định rõ ràng những điều kiện đó như thế nào, thì mới tổ chức đấu thầu”. Tuy vậy, vị đạo diễn này cũng nhìn nhận điểm tích cực của đấu thầu là làm tăng tính cạnh tranh, giúp hãng phim nhà nước phải thay đổi.

Khoảng chục năm trở lại đây, các hãng phim tư nhân và các nhà làm phim Việt kiều đã mang đến diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam, tuy mới chỉ ở mảng phim giải trí, nhưng khán giả có thể chờ đợi những đột phá tiếp theo. Đấu thầu điện ảnh có thể giúp mở cánh cửa rộng hơn cho phim lịch sử. 

Luật vẫn còn... trên giấy

Thực ra, luật Điện ảnh đã quy định về việc đấu thầu phim từ nhiều năm nay. Không những thế, Nghị định 158/2013 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014) cũng quy định nếu không đấu thầu đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Minh Ngọc

>> HTV hỗ trợ làm phim lịch sử, truyền thống cách mạng
>> Khát vọng Thăng Long" - phim lịch sử thuần Việt
>> Phim lịch sử Việt Nam: Bao giờ có phim hay?
>> Cảnh 'nóng' trong phim lịch sử
>> Một phiếu cho phim lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.