Làm vậy là... tự bóp cổ mình
Nhiều công ty lữ hành sau khi đọc loạt bài Du lịch “bực mình" trên Thanh Niên đã tiếp tục phản ánh: ở đâu có du lịch là ở đó có "chặt chém" du khách. Anh Cao Lập, Trưởng phòng Du lịch trong nước của Công ty Du lịch Bến Thành bức xúc: "Không chỉ các điểm dịch vụ tự phát mà ngay nhiều doanh nghiệp khách sạn tư nhân cũng như Nhà nước còn có kiểu tăng giá vô tội vạ vào những dịp lễ, tết. Chính mắt tôi đã thấy tại một khách sạn tư nhân ở Nha Trang nâng giá phòng lên 500.000 đồng trong dịp 30.4 vừa qua, dù giá ngày thường chỉ 150.000 đồng. Một nhóm du khách nghe mức giá này rất bất bình nên bỏ ra ngoài bàn bạc. Chừng 15 phút sau họ quay vào để chấp nhận thuê phòng với giá cắt cổ trên thì bất ngờ cô tiếp tân lại thông báo giá đã tăng lên... 600.000 đồng. Vậy là cả nhóm bức xúc hủy chuyến du lịch và quay về Sài Gòn". Tình trạng hướng dẫn viên (HDV) du lịch nhận hoa hồng cao của một số các điểm kinh doanh để đưa khách vào mà Thanh Niên đã từng phản ánh theo nhiều công ty lữ hành vẫn tiếp diễn... Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt kể: "Tôi biết một số lò mứt tại Đà Lạt cho hoa hồng HDV và tài xế từ 300 - 600.000 đồng để đưa khách vào. Để thu lại số tiền này thì họ phải nâng giá lên 100 - 200%, chỉ có du khách là đưa đầu ra chịu trận. Việc cho hoa hồng là bình thường tại những nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Trung Quốc... nhưng chỉ khoảng 10% trên số tiền bán được hoặc là tặng chai rượu cho HDV chứ không phải là kiểu cho tiền trước rồi ra sức tận thu của khách như ở ta, cách làm đó là tự bóp cổ mình".
Cảnh chèo kéo làm phiền lòng du khách |
Bảo vệ du khách bằng cách nào? Trả lời câu hỏi này, một nhà quản lý du lịch thẳng thắn: "Tình trạng chặt chém, bắt chẹt, đối xử thô bạo, thiếu văn hóa... với du khách chỉ có thể giảm thiểu một khi tất cả các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa, quản lý thị trường, trật tự an toàn xã hội... và chính quyền các địa phương cùng nhiệt tình phối hợp với ngành du lịch. Không xem chuyện bảo vệ, tạo sự thoải mái cho du khách chỉ là chuyện của... ngành du lịch nữa mà phải ý thức đó là việc khai thác - phát triển du lịch là lợi ích của từng địa phương, của quốc gia". Trước mắt, các công ty lữ hành chỉ có thể cố gắng bảo vệ du khách trong khả năng hạn chế của mình chẳng hạn để giải quyết nạn HDV ăn hoa hồng rồi đưa khách "lên... thớt", các công ty lữ hành buộc HDV phải đưa khách đi đúng với lộ trình tour đã lập ra. Những HDV cố tình đưa khách đi chệch khỏi chương trình sẽ bị phạt thật nghiêm khắc hoặc đuổi việc. Với tình trạng đeo bám, cướp giật, "chặt chém" du khách trên địa bàn TP.HCM trong khi chuyện Nhà nước thành lập lực lượng cảnh sát du lịch vẫn còn chưa thấy đâu, bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: "Đề án thành lập lực lượng bảo vệ du khách của Sở đang trong thời gian bàn bạc kỹ lưỡng và dự tính sẽ ra đời vào quý 4 năm nay". Nỗ lực thành lập lực lượng bảo vệ du khách từ nguồn nhân sự thanh niên xung phong của Sở Du lịch TP.HCM là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ băn khoăn: "Việc đem lực lượng thanh niên xung phong ra để thành lập lực lượng bảo vệ du khách theo tôi là không khả thi, bởi không thể xác định được quyền hạn cho họ. Chỉ mới đứng ở ngã tư thổi còi, phất cờ thôi mà người ta còn không thèm nghe, vượt đèn đỏ ào ào rồi huống gì là bảo vệ cho du khách". Việc có thể làm ngay - theo nhiều công ty lữ hành - là Sở Du lịch thành lập những trạm thông tin du lịch để cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận những phản ánh của du khách để kịp thời đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời trong việc bảo vệ quyền lợi của du khách...
Ý kiến của đại diện các công ty du lịch: Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng Ông Nguyễn Đức Hy, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển của Công ty Du lịch Fiditourist: "Một mình ngành du lịch thì không thể nào dẹp nổi nạn "chặt chém" du khách... Chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát các điểm kinh doanh du lịch. Cơ quan chức năng phát hành sổ tay trong đó có đầy đủ thông tin những điểm phục vụ du lịch đạt chuẩn, các điểm vui chơi giải trí, bản đồ, các điểm bán hàng có uy tín...". Các cơ quan chức năng lập đường dây nóng để du khách kịp thời phản ảnh. Đại diện Công ty Du lịch Saigon tourist: "Các công ty du lịch không thể can thiệp vào việc làm ăn của các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ. Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rằng cách làm ăn như vậy sẽ ảnh hưởng đến địa phương; buộc các điểm bán hàng cho du khách phải có niêm yết giá theo cam kết với chính quyền; những điểm vi phạm thì cần phải có biện pháp chế tài". Một cán bộ Phòng Nghiên cứu phát triển Công ty Du lịch Vietravel: "Chính quyền địa phương cần có biện pháp tổ chức môi trường kinh doanh du lịch quy củ, quản lý chặt chẽ về chất lượng và giá cả của những dịch vụ này. Chẳng hạn như bãi biển ở Vũng Tàu hiện nay rất dơ bẩn, cần có xe ủi cát và nhặt rác chuyên dụng hằng đêm. Hay Lái Thiêu là một điểm du lịch nổi tiếng một thời đối với khách du lịch nước ngoài lẫn trong nước nhưng do cách làm ăn chụp giật, chặt chém của các nhà vườn nơi đây đã khiến cho du khách một đi không trở lại". Ông Cao Lập, Trưởng phòng Du lịch trong nước Công ty Du lịch Bến Thành: "Lập ra một đường dây nóng tại các điểm du lịch để giải quyết các rắc rối mà du khách gặp phải là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo đường dây nóng này hoạt động thật hiệu quả, nhanh chóng. Bởi nếu gọi đường dây nóng mà không nhận được sự trợ giúp kịp thời thì người báo sẽ còn gặp rắc rối hơn nữa thậm chí là nguy hiểm. Vai trò của địa phương là rất quan trọng trong việc giải quyết tận gốc nạn "chặt chém" này". Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt: "Chúng ta tập trung vào công tác quảng bá mà quên rằng nếu không tái đầu tư lại cho du lịch và không giải quyết những vấn đề còn tồn tại thì công tác quảng bá trở nên vô nghĩa". Đại diện Trung tâm Du lịch Thanh Niên Xung Phong: "Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng việc thành lập cảnh sát du lịch như một số nước đã làm nhưng đợi hoài vẫn không thấy. Chúng tôi hy vọng rằng có lực lượng này tình trạng cướp, giật, chặt chém, chèo kéo du khách sẽ được hạn chế đáng kể". |
Ý kiến bạn đọc Báo Thanh Niên: Chúng tôi thấy thật xấu hổ ! - Đọc câu chuyện đi vệ sinh với giá 3 USD, tôi cảm thấy xấu hổ quá chừng. Thử hỏi, chúng ta có cảm thấy vui hay không khi chính mình là người Việt bị lừa? Vậy mà du khách nước ngoài phải chịu đối xử như thế thì họ sẽ nghĩ con người và đất nước chúng ta như thế nào? Thật buồn và đáng xấu hổ! (ducusd@yahoo.com) - Tôi rất buồn khi đọc bài báo này. Không biết đến bao giờ Việt Nam mình mới thay đổi được cung cách phục vụ khách du lịch? Vào dịp đến Ý vừa qua, chúng tôi gặp nhiều khách du lịch từ các nước khác. Họ cũng rất thích du lịch đến Việt Nam. Nhưng với cách tiếp đón như hiện nay, không biết họ có đi hay không? Tôi mong các nhà làm du lịch hãy thay đổi cách làm của mình để thu hút được khách du lịch và khi ra về họ giữ mãi hình ảnh đẹp về phong cảnh cũng như con người Việt Nam. (chinhtrieu@yahoo.com) - Xin chia sẻ với kinh nghiệm buồn của vợ chồng chị Bacbara! Nhưng chuyện đó xảy ra ở Lào Cai. Riêng tôi, tôi đã gặp một nhà đầu tư người Mỹ và ông kể lại rằng ông bị một nữ nhân viên coi nhà vệ sinh ở Ga Hà Nội đối xử thô bạo do "đi" xong mà quên trả tiền. Nguyễn Khánh Nhật (sanitec@sanitecvn) - Các bạn còn chưa đề cập đến những khâu thủ tục tại phi trường và những cơ quan liên hệ với người nước ngoài nữa thì bạn mới thấy tại sao hầu hết khách du lịch đến VN quyết một đi không trở lại, ngoại trừ Việt kiều nặng tình với đất nước và gia tộc. Thanh Đông |
Trung Bảo - Cẩm Nhi
Bình luận (0)