Bao giờ khách hàng đổ xăng được bảo vệ ?

02/11/2006 23:35 GMT+7

Trong tháng 10.2006, mới kiểm tra 105 mẫu xăng ở 5 tỉnh thành đã có 37% "ăn gian", nếu kiểm tra nhiều hơn, số mẫu rộng hơn, đa dạng địa phương hơn, có lẽ con số vi phạm không dừng lại ở đó.

Điều không minh bạch trong việc mua bán xăng phổ biến vẫn là việc đong xăng. Bằng kinh nghiệm của một người đi xe máy nhiều năm, tôi đoán biết cây xăng nào đổ thiếu: thông thường, tôi đổ đầy bình của xe Sanda  (97 cm3) thì đi được 160 - 165 km, xăng giá 11.000đ/l thì tốn khoảng 32.000 - 34.000đ. Nhưng có không ít cây xăng đổ lên đến 36.000 - 37.000đ. Dù biết chắc rằng đã có sự gian dối nhưng tôi không thể nào khiếu nại được, càng không thể đòi bồi thường vì không làm sao chứng minh được. Chỉ có cách lần sau không đến đổ ở cây xăng đó mà thôi! Mỗi cây xăng đong thiếu, chỉ cần ăn gian từ 3 - 5% mỗi lần bơm, với cả ngàn lượt người mua mỗi ngày thì con số gian lận quả không nhỏ. Bên cạnh đó, việc pha xăng cũng là một ẩn số: ai dám chắc xăng A92 không có pha xăng A90, A85 thậm chí hóa chất nào đó ở một tỷ lệ nhất định mà khách hàng không thể nhận biết được? Cứ như vậy, bằng nhiều cách, người đổ xăng bị móc túi thường xuyên, ngày này qua ngày khác, không loại trừ ai nhưng biện pháp xử lý thì gần như không có.

Vì vậy, con số mà Hội Tiêu chuẩn, đo lường và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam ước tính, là mỗi năm người tiêu dùng bị thiệt hại 540 tỉ đồng khi đổ xăng, dù chỉ là phỏng tính, cũng cần xem xét lại một cách cẩn thận. Bởi vì thực tế có lẽ người tiêu dùng bị thiệt hại nhiều hơn mức được tính, Nhà nước thất thu thuế đáng kể. Đặc biệt, điều này vô hình trung tạo nên một thứ thương mại phổ biến: hễ phải vào đổ xăng thì chấp nhận bị "móc túi" vô tội vạ mà không biết kêu vào đâu!

Nguyễn Minh Hải (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Hoàng Hải Vân, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: hoanghaivan@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.