Tôi dự khán trận Cúp quốc gia trên sân Thiên Trường, đội Nam Định có hai tiền đạo ngoại quá khỏe nên chỉ cần chơi bóng bổng, rót vào cho họ là thành công nên HAGL thua cũng không có gì ngạc nhiên. Các đội ít ưu tiên sử dụng nội binh trên hàng công, lại càng ít sử dụng tiền đạo trẻ. Vì thế, tôi muốn VFF thay đổi quy định, cần yêu cầu các CLB phải sử dụng nhiều hơn cầu thủ trẻ, có thế tuyển mới được nhờ”, ông Park nói với học trò.
Trên thực tế không phải những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam không nhìn thấy điều này nhưng họ “chung xuồng” lợi ích và thỏa hiệp với nhiều CLB nên không dám mạnh dạn tạo ra sự thay đổi. Các CLB Việt Nam vì máu thành tích, vì hiểu bóng đá bắt buộc phải cần bàn thắng mà con đường ngắn nhất để đem lại sự thỏa mãn cho khán giả là phải có ngoại binh chất lượng ở hàng công để ghi bàn nên ưu tiên bao giờ cũng là cặp tiền đạo ngoại có thể hình mạnh mẽ, vượt trội nhằm tranh chấp, tì đè, gây áp lực và dĩ nhiên khai thác nhanh cơ hội để ghi bàn.
|
Nhiều CLB thừa hiểu bỏ ngoại binh ở tuyến đầu ra thì họ không còn là chính họ vì khoảng cách quá lớn về trình độ và đẳng cấp giữa tiền đạo ngoại và nội. Trường hợp Sài Gòn FC mới đây thất bại trước Bà Rịa-Vũng Tàu hay Hải Phòng trước Đồng Tháp đều cho thấy khi không có cặp song sát ngoại ở tuyến đầu, họ chơi như gà mắc tóc. Sự phụ thuộc quá lớn vào tiền đạo ngoại đã phản ánh sự trái khoáy của các CLB Việt Nam nói riêng và V-League nói chung, ảnh hưởng lớn đến bóng đá Việt Nam.
Nếu VFF, VPF mạnh dạn yêu cầu các CLB thay vì sử dụng 2 ngoại binh ở tuyến trên thì chỉ cần 1 tiền đạo ngoại (kể cả nhập tịch) và khuyến khích các đội đưa cầu thủ nội vào chơi mũi nhọn nhiều hơn thì có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ không đỏ mắt để tìm ra chân sút giỏi. Sau khi Anh Đức giã từ đội tuyển, bóng đá Việt Nam giờ chỉ còn Đức Chinh và Tiến Linh là được ra sân thường xuyên ở Đà Nẵng và Becamex Bình Dương, ít hơn một chút là Quảng Nam với Hà Minh Tuấn.
|
Trong khi đó gần một chục đội V-League khác đều không chọn tiền đạo nội đá chính, thi thoảng mới đưa vào ở 15 - 20 phút cuối thì chỉ có vài người may mắn có cơ hội chứng tỏ như Việt Phong của Viettel hay Xuân Nam của TP.HCM, còn lại đa số chỉ chạy cho hết giờ chẳng đóng góp được gì. Thử hỏi làm sao mà chúng ta có được lực lượng mũi nhọn dày dạn, đồng đều, tâm lý thi đấu tốt và tích lũy được nhiều kinh nghiệm ở tuyến đầu?
Mong sao VFF sớm có những quy định mới không chỉ với V-League mà còn tập trung chú trọng phát triển tiền đạo với các lò đào tạo để mang lại lợi ích lâu dài cho bóng đá Việt Nam. Nếu không thì chẳng riêng gì thầy Park mà bất cứ ai cầm quân đội tuyển sau này sẽ còn mãi than phiền những bất cập như vậy cứ lại kéo lùi bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)