Bão “ma” đổ bộ vào Việt Nam

14/10/2009 00:35 GMT+7

* Hoạt động từ 29.9 đến 14.10, bão số 10 (Parma) đã tồn tại 360 giờ, di chuyển khoảng 5.500 km với hành trình kỳ dị * Bão bất ngờ mạnh lên cấp 11 và hôm nay đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa Sau khi nhấn chìm miền bắc Philippines trong biển nước, gây lụt kéo dài và lở đất làm chết hàng trăm người, bão Parma bất ngờ mạnh lên tới cấp 11 và hôm nay 14.10, đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa.

Bão Parma khi vào Philippines có tên Pepeng, vào biển Đông Việt Nam có tên bão số 10. Parma - tên do Macau đề cử - là một loại thức ăn gồm đùi lợn muối sấy khô trộn với gan gà và nấm. Có lẽ do nó "hấp dẫn" như vậy nên bão Melor - tức hoa nhài do Malaysia đặt tên - đã cố giằng kéo để “ngoạm” bớt một phần năng lượng của Parma khi xảy ra hiệu ứng Fujiwhara hôm 7.10. Có người còn đọc chệch Parma là bão “ma” do đường đi dị thường và do nó từng “ngắc ngoải” nhưng không chịu chết, với 2 lần đổ bộ Philippines, 2 lần ra vào biển Đông, nay đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Bắc Bộ Việt Nam.

Bản tin phát lúc 23 giờ 30 phút tối qua 13.10 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: hồi 22 giờ cùng ngày, tâm bão số 10 chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Thanh Hóa khoảng 110 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14. Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đến 10 giờ sáng nay 14.10, tâm bão nằm trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa. Tiếp đó, bão đi theo hướng tây, và đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa với sức gió mạnh nhất cấp 9 - 10.

Quang Duẩn

Đường đi của Parma rắc rối, loằng ngoằng. Nhất là khi nó chà đi xát lại phía bắc đảo Luzon (Philippines), hình thù kỳ quái, trông giống một con ma! Cái sự "ma" này đã dẫn đến những phán đoán khác nhau về nó. Hôm 6.10, một tiến sĩ khí tượng ở Hà Nội nhận định: "Parma sẽ lịm đi hoặc với xác suất nhỏ hơn, sẽ chuyển sang quỹ đạo hyperbol và quay ra Thái Bình Dương". Mạng T2K (Philippines) có lần dự báo: "Parma mất rất nhiều năng lượng khi đổ độ lần 2 lên đảo Luzon, mang mưa lớn lên hầu hết phía bắc Luzon, từ 75 mm - 200 mm (mưa vừa đến mưa to). Nếu tiếp tục loay hoay trên đất liền, Parma sẽ xuống cấp áp thấp nhiệt đới hoặc tệ hơn: suy yếu rồi tan biến trên dãy núi vùng Abra với những trận mưa lên đến 300 mm (mưa rất to) ở gần tâm hoặc dọc theo sườn núi". Cùng lúc, các mô hình tính toán của Mỹ đưa ra 5 đường đi của bão từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ. Người viết từng thử đưa ra 2 kịch bản đối với Parma: "1/ Bão lùi ra biển tây bắc Philippines, mạnh lên trở lại do gặp vùng biển ấm. Từ đó nó thẳng tiến Hải Nam, trong trường hợp khối áp cao ở nam Trung Quốc không gây nhiều áp lực. 2/ Trong trường hợp bị khối áp cao đè xuống, gió tây nam yếu thì bão với sức mạnh mới, sẽ vào Bắc Bộ hoặc miền Trung Việt Nam". Nhận định đó đến giờ này, có phần đúng.

Sáng 13.10, khi đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 9 - giật cấp 11, Trung tâm khí tượng Việt Nam NCHMF dự báo: Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo (tức từ 7 giờ sáng 14.10), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 15.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,6 độ vĩ bắc, 103,0 độ kinh đông, trên khu vực Thượng Lào. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét. 

Hoạt động từ sáng 29.9 đến sáng 14.10, bão Parma đã tồn tại 360 giờ, di chuyển xấp xỉ 5.500 km từ đông sang tây. Rõ là, bão “ma” đang giữ kỷ lục xưa nay hiếm, trong khi kình địch “hoa nhài” đã sớm tan hương rã cánh. Hồi 12 giờ trưa 13.10, T2K ghi nhận bão Parma có đường kính 445 km, cột sóng biển gần tâm cao 4,5m, gió mạnh từ 120 - 150 km/giờ. Căn cứ vào đó sẽ biết sức công phá của nó không phải nhỏ.

Đến hôm nay, bão “ma” đang tiếp tục làm mưa làm gió vùng ven biển, trên đất liền. Mới đây thôi, nó nhấn chìm miền bắc Philippines trong biển nước, gây lụt kéo dài và lở đất làm chết hàng trăm người. Tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Bắc Bộ Việt Nam, dù chưa có báo cáo thiệt hại, nhưng với tổng lượng mưa do T2K dự báo là vừa, to đến rất to (75 mm - 200 mm - 300 mm) từ vòng ngoài tới gần tâm bão, chắc chắn hậu quả sẽ không nhỏ chút nào.

Nhưng vì sao thời điểm này bão liên tục xuất hiện và bão Parma sống dai như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là, El Nino xuất hiện, biển ấm toàn vùng, đến nơi nào bão cũng được nạp thêm năng lượng. Cứ thế, chúng xuất hiện, tồn tại, hoành hành... chỉ đến khi đối mặt dãy Trường Sơn hoặc vùng núi cao tây bắc của Việt Nam, bão mới chịu xếp giáo quy hàng!

* Hải Phòng: Theo tin từ Ủy ban Phòng chống bão lụt TP Hải Phòng, khoảng 18 giờ hôm qua, bão số 10 đã tràn về đảo Bạch Long Vĩ với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12, 13. Mưa rất to cộng với gió lớn đã làm một số tàu thuyền nhỏ đang trú ẩn trong âu cảng bị chìm, nhiều nhà dân bị tốc mái, trụ sở của một số cơ quan bị hư hỏng, cây xanh trên đảo cũng bị đổ hàng loạt. Bão cũng làm một người dân bị thương. Cột điện chạy bằng sức gió - nguồn cung cấp điện duy nhất cho đảo Bạch Long Vĩ - đã bị đổ gãy. (Phạm Hải Sâm)

* Nam Định: Ông Đỗ Văn Khánh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết: “2.562 tàu thuyền với trên 10.000 ngư dân đã vào nơi trú tránh an toàn. Việc di dời 2 vạn dân tại các vùng nguy cơ cao đang được tiến hành khẩn trương, trong đó sẽ di dời toàn bộ dân sống ở vùng bãi ngoài đê chính. Do đã có kinh nghiệm đối phó với nhiều cơn bão, nên việc di dời dân sẽ hoàn thành trước 22 giờ đêm 13.10”. (Q.D)

* Thanh Hóa: Bắt đầu từ 15 giờ 13.10, tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh sơ tán triệt để người dân khỏi vùng nguy hiểm thuộc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn... Người già và trẻ nhỏ ưu tiên đi trước, những người khỏe mạnh tạm ở lại để chằng chống nhà cửa và phải rút khỏi các địa điểm này vào nơi an toàn trước 21 giờ 13.10.

 
Mẹ con đi tránh bão - Ảnh: Ngọc Minh 

* Ninh Bình: Sáng 13.10, chính quyền tỉnh đã di dời hơn 1.000 hộ dân (4.000 nhân khẩu) sinh sống trên các lều nuôi trồng thủy sản bên ngoài đê Bình Minh 2 của huyện Kim Sơn vào sâu trong đất liền. Do hơn 1.500 ha đồng tôm đang đến kỳ thu hoạch, nhiều hộ dân đã tìm cách ở lại trông nom, bảo vệ. Nhưng trước diễn biến phức tạp của cơn bão, tỉnh Ninh Bình đã phải cưỡng chế di dời các hộ vào sâu trong đất liền tránh bão. Đến 19 giờ tối 13.10, công tác di dân cơ bản đã hoàn thành. (Ngọc Minh)

* Thái Bình: Lúc 5 giờ 13.10, tàu thu mua hải sản TB 1178 với 6 lao động do ông Nguyễn Minh Châu (H.Thái Thụy) trên đường vào bờ tránh bão bị hỏng máy, nước tràn vào khoang, phải phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Một tàu của ngư dân đã tìm kiếm, phát hiện và đưa được 6 người lên tàu. Sau đó tàu của hải quân đã tiếp cận và đến 20 giờ tối qua đã đưa các ngư dân vào bờ an toàn.

* Quảng Ninh: Tại khu vực biển cách Dầu Tán 6 hải lý có 1 tàu chở 30 tấn dầu bị chìm. Biên phòng Quảng Ninh đã cử 12 cán bộ chiến sĩ và 3 xuồng ra cứu được 2 người, 1 người còn lại vẫn chưa tìm thấy. (Quang Duẩn)

Khẩn cấp đối phó

Chiều 13.10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp bàn và triển khai khẩn cấp các biện pháp đối phó với bão số 10.

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sau khi càn quét đảo Hải Nam (Trung Quốc), tiến vào vịnh Bắc Bộ, hôm qua bão số 10 đã mạnh lên 3 cấp, từ cấp 8 lên cấp 11. Hồi 17 giờ chiều cùng ngày, tâm bão còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hà Tĩnh khoảng 170 km về phía đông và đã gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14 trên vịnh Bắc Bộ; vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Trong 12 giờ tiếp theo, bão chủ yếu di chuyển theo hướng tây với vận tốc 10 - 15 km/giờ và sáng nay 14.10 đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. “Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, gió bão sẽ mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua gió giật cấp 12 - 13. Mưa bão đã bắt đầu xuất hiện từ chiều 13.10, sẽ tăng dần và chủ yếu tập trung từ đêm cùng ngày đến hết ngày 15.10 với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm”, ông Tăng nói. Ngoài ra, theo ông Tăng, trên vùng biển ngoài khơi Philippines hiện đang có một áp thấp nhiệt đới hoạt động, dự báo sẽ mạnh lên thành bão trong 48 - 72 giờ tới.

 

Người dân Thanh Hóa chằng chống nhà cửa trước khi bão vào - Ảnh: Ng.Minh

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho rằng, nguyên nhân làm bão số 10 bất ngờ mạnh lên nhanh chóng là do nước biển trên vịnh Bắc Bộ ấm và các trường hội tụ trên cao mạnh đã tiếp thêm năng lượng cho nó.

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng, diễn biến bão như vừa qua đã ít nhiều làm nảy sinh tư tưởng chủ quan trong việc triển khai các biện pháp đối phó. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, bày tỏ sự quan ngại khi chỉ còn rất ít thời gian cho việc sơ tán dân, sắp xếp tàu thuyền vào bờ trú tránh an toàn, bão có thể làm nước biển tràn lên đảo Cát Hải (Hải Phòng), gió bão có thể “quật ngã” đê biển ở cụm cống Phan Long (H.Hải Hậu, Nam Định), đe dọa sự an toàn của khách du lịch tại Quảng Ninh...

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn, yêu cầu các tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của bão và bộ ngành liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách để đối phó với bão số 10. Trong chiều qua, 3 đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Trung tướng Nguyễn Sơn Hà - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn dẫn đầu đã tức tốc lên đường về Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng phối hợp với địa phương, trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với bão số 10.

Quang Duẩn - Mai Vọng

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.