(Tin Nóng) Chạy êm và gần như tàng hình dưới nước, các tàu ngầm điện - diesel của Nga đang được thế giới ưa chuộng và đáp ứng các yêu cầu mà Úc đặt ra để thay thế lớp tàu ngầm Collins đã lỗi thời, theo trang tin RBTH ngày 13.10.
Tàu ngầm Kilo của hạm đội Thái Bình Dương - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
|
Đội tàu ngầm lớp Collins của Úc hoạt động từ năm 1996, nay đang ở những năm cuối cùng của hạn sử dụng, tuy nhiên kế hoạch tìm nguồn tàu ngầm thay thế vẫn chưa được Úc quyết định dứt khoát.
Lý do là Úc thiếu kinh nghiệm trong kỹ thuật công nghệ cao về tàu ngầm, và ngân sách dự kiến 36 tỉ USD cho việc thay thế các tàu ngầm này cũng không dễ dàng đạt được.
Và thêm nữa, Úc lại nhận được nhiều đề nghị mời chào mua tàu ngầm từ Đức, Pháp, Nhật và rất có thể là cả Mỹ, nên cũng khó lựa chọn.
Kế hoạch A là Úc chọn mua tàu ngầm chạy bằng động cơ không phụ thuộc không khí (AIP) lớp Soryu của Nhật Bản. Tuy nhiên với việc thủ tướng Tony Abbott, người hậu thuẫn mua tàu Nhật đã mất ghế thủ tướng, người ta đang chờ xem liệu tân thủ tướng Malcom Turnbull sẽ ngả sang chọn tàu ngầm bên nào, châu Á hay châu Âu.
Sách trắng quốc phòng năm 2013 của Úc ghi rằng yêu cầu của đội tàu ngầm mới của Úc là phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, tàng hình, tuần tra dài ngày và đi cả biển xa, và có tốc độ cao hơn hẳn lớp Collins hiện tại.
Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương” vì vừa chạy êm lẫn khó phát hiện - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
|
Trang tin RBTH cho rằng hiện nay thế giới chỉ có các tàu ngầm (loại phi hạt nhân) của Nga là đáp ứng các yêu cầu của Úc. Chiếc tàu ngầm vừa mới điều động về phục vụ Hạm đội Biển Đen là Novorossiysk thuộc lớp Kilo được mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương” vì vừa chạy êm lẫn khó phát hiện. Toàn bộ tàu đều điều khiển bằng điện, kể cả hệ thống dẫn động cũng bằng điện, nên rất êm; còn tổ máy diesel chỉ làm nhiệm vụ nạp điện cho hệ thống pin nhiên liệu tạo ra điện năng cung cấp cho cả tàu.
Ngay cả Hải quân Mỹ thường nói theo dõi tàu ngầm của Nga 24/7 cũng khó có thể dò ra các tàu ngầm Kilo của Nga, theo RBTH. Những tàu ngầm này có thể tiếp cận bờ biển nước Mỹ mà không sợ bị phát hiện.
Về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Nga có tàu lớp Akula, một chiếc loại này đang cho Ấn Độ thuê. Vào năm 2012, một chiếc tàu ngầm lớp Akula vũ trang tên lửa tấn công tầm xa đã đi vòng quanh vịnh Mexico hàng tuần mà không bị phát hiện.
Tàu ngầm Nga còn nổi tiếng về tầm hoạt động xa, di chuyển giữa các lục địa từ căn cứ ở Bắc Cực, khác xa tàu ngầm của Châu Âu chỉ thiết kế để hoạt động chủ yếu tuần tra ven bờ và trên Đại Tây Dương. Úc, một nước có bờ biển bao la, cần phải có lực lượng tàu ngầm có thể giám sát từ bờ đông sang bờ tây.
Tàu ngầm tấn công thì phải có vũ khí uy lực. Tàu ngầm Nga hiện có các vũ khí này gồm tên lửa hành trình tấn công mặt đất nhanh nhất và mạnh mẽ nhất thế giới, cùng các vũ khí diệt hạm hùng hậu. Chẳng hạn loại tên lửa Granit có tầm bắn xa 625 km, cho phép Hải quân Úc tấn công mục tiêu từ rất xa, khỏi tầm tấn công của đối phương. Lớp tàu ngầm Akula còn có tên lửa hành trình Klub diệt hạm và tấn công đất liền có tầm bắn tối đa đến 2.500 km.
Tàu ngầm lớp Akula của Nga - Ảnh: topwar.ru
|
Sách trắng của Úc gợi ý cần 12 tàu ngầm mới. Thực tế số tàu ngầm Úc có thể chia làm 2 loại, một nửa mua của Nhật và nửa kia mua của châu Âu hoặc Nga, theo RBTH.
Còn mua tàu ngầm Mỹ thì khó khả thi, bởi lẽ Mỹ chỉ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, và đang bận rộn thay thế các tàu cũ cũng như không sẵn lòng chia sẻ công nghệ hạt nhân cho đồng minh, ngoại trừ Anh. Và do vậy Mỹ khuyến khích Úc tiếp cận công nghệ tàu ngầm Soryu của Nhật để vừa gia tăng gắn kết Úc - Nhật vừa để đối phó Trung Quốc.
Môi trường hiện tại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ổn định nhưng cũng có khả năng gặp rắc rối. Điều này chủ yếu là từ sự ganh đua Mỹ - Trung Quốc trong khu vực. Ngoài ra các nước châu Á như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang đầu tư cho quân đội, đặc biệt là các hạm đội tàu ngầm, khiến Úc càng thêm quan tâm đến khí tài này. Trong bối cảnh này, Canberra nên xây dựng những quan hệ cầu nối với Nga hơn là đối kháng, theo RBTH.
Một tàu ngầm Collins của Úc - Ảnh: Hải quân Úc
|
Trang tin Nga nhấn mạnh rằng tàu ngầm Nga vừa chạy êm, tàng hình và có tầm tác chiến xa, đáp ứng nhu cầu của Úc. Thời thủ tướng Abbott, Úc có chính sách thù địch chống lại Nga. Úc cần bỏ tư duy chiến tranh lạnh và nên xem Nga là một người tạo khả năng an ninh của khu vực. Tàu ngầm của Nga sẽ là chất keo kết chặt hai nước, đảm bảo cho Úc có một đồng minh mạnh ở Thái Bình Dương, theo RBTH.
Anh Sơn
>> Kíp thủy thủ tàu ngầm Đà Nẵng hoàn tất khoá đào tạo tại Nga
>> Indonesia sẽ mua tàu ngầm Kilo của Nga
>> Bên trong một tàu ngầm lớp Kilo của Nga
>> Chuyến đi nửa vòng trái đất của tàu ngầm Kilo Nga 30 năm trước
>> Cuộc sống của lính tàu ngầm Mỹ
Bình luận (0)