Các hãng đồ ăn và thức uống, cả trong lẫn ngoài nước, có nhà máy tại Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng sức tiêu thụ ngày càng tăng của người dân bản địa, theo bài viết của hãng tin Nikkei (Nhật Bản).
Các sản phẩm nước chấm của tập đoàn Masan - Ảnh: Reuters |
Masan, tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam, hồi cuối năm 2015 đã mở một xưởng sản xuất nước mắm và mì gói tại Nghệ An. Cơ sở mới này được xây với kinh phí lên đến 56,4 triệu USD và là nhà xưởng đầu tiên của Masan ở miền Trung.
Khi xưởng sản xuất mới đi vào hoạt động, Masan có thể cắt giảm bớt 18 triệu USD chi phí vận chuyển trong vòng 10 năm tới, theo Nikkei.
Ve Wong, tập đoàn thực phẩm hàng đầu Đài Loan, và công ty sản xuất bánh kẹo Kinh Đô ký kết hợp tác làm ăn hồi tháng 5. Cả hai đang chuẩn bị khai trương 4 nhà máy ở Việt Nam.
Theo dự kiến ban đầu, Ve Wong và Kinh Đô sẽ chi 30 triệu USD để xây một xưởng sản xuất mì gói và nước chấm vào mùa thu năm nay ở tỉnh Bắc Ninh.
Tương tự, Anheuser-Busch InBev (Bỉ), hãng bia lớn nhất thế giới, cũng đã mở nhà máy đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 5. Budweiser, một trong những nhãn hiệu bia của tập đoàn Bỉ, đang ngày càng nổi tiếng tại Việt Nam.
Anheuser-Busch InBev hy vọng sẽ mở rộng thêm thị phần của Budweiser tại thị trường Việt Nam thông qua việc sản xuất bia ngay tại đây. Nhà máy tập đoàn mới xây ở Bình Dương có đủ khả năng cho ra 100 triệu lít bia mỗi năm.
Công ty rượu, bia và nước giải khát Sabeco đã chi 27,5 triệu USD để xây nhà máy ủ bia mới, tọa lạc trên diện tích rộng đến 60.000 m2 tại Khánh Hòa. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2017, với công suất đạt 50 triệu lít/năm.
Sẵn sàng và vững chắc
Tờ Nikkei cho biết Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu và có độ tuổi trung bình là 28, từng phải chịu đựng tình trạng lạm phát cao, nhưng nay giá cả đã ổn định. Điều này giúp làm tăng sức tiêu dùng trong nước, chủ yếu là của tầng lớp trung lưu.
Tờ báo Nhật dẫn lời ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia và nước giải khát Việt Nam, nhận định thị trường nước giải khát và thực phẩm Việt Nam “tính từ nay trở đi sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 7-8%”.
Nikkei bình luận với việc ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, hàng rào thuế quan trong khối sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2017.
“Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ triển vọng cho các doanh nghiệp đến từ các quốc gia phương Tây, Nhật Bản, Thái Lan và những nước có cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á”, theo tờ báo Nhật.
Bình luận (0)