Tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 23.7, một thí sinh ở Quảng Nam gửi câu hỏi băn khoăn về việc xét tuyển ngành y khoa khi mức điểm khối B của mình chỉ cao hơn điểm sàn 0,5 điểm.
Thí sinh cho hay: "Em đã đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ vào ngành y khoa, tuy nhiên sau khi biết điểm thi tốt nghiệp thì điểm xét tốt nghiệp của em không đạt 8,0, vậy em có đủ điều kiện trúng tuyển hay không? Hiện em được 23 điểm khối B, em có cơ hội trúng tuyển ngành này bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT?"
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết để đủ điều kiện trúng tuyển ngành y khoa ở phương thức xét học bạ, thí sinh cần phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, hoặc có điểm xét tốt nghiệp đạt từ 8,0 trở lên.
"Nếu em không đạt một trong 2 yêu cầu trên thì dù điểm tổ hợp môn khối B theo học bạ cao bao nhiêu em cũng không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và không thể trúng tuyển. Tuy nhiên, em lại có điểm thi là 23 thì em hoàn toàn đủ điều kiện xét tuyển vào ngành y khoa bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT", tiến sĩ Hải cho hay.
Theo tiến sĩ Hải, năm 2023, điểm trúng tuyển ngành y khoa của Trường ĐH Duy Tân là 23.
Điểm thi tốt nghiệp bằng điểm sàn, thí sinh nên đặt nguyện vọng 1 vào nhóm ngành sức khỏe và sư phạm thế nào?
Cũng đạt 23 điểm khối B, một thí sinh thắc mắc liệu điểm chuẩn ngành y khoa của các trường có lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT hay cao hơn, và nếu xét tuyển y khoa thì có cần xét dự phòng thêm ngành nào tại trường không?
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý: "Điểm sàn ngành y khoa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2024 là 23 điểm, cao hơn điểm sàn Bộ đưa ra là 0,5 điểm. Năm 2023 điểm chuẩn ngành này tại trường là 23. Nếu muốn xét tuyển vào trường, em cứ mạnh dạn đăng ký nhưng nên dự phòng thêm ngành răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học hoặc y học dự phòng do điểm sàn thấp hơn, cơ hội trúng tuyển cao hơn".
Trong khi đó, Phương Mai (Q.Tân Bình, TP.HCM) đạt 22 điểm khối B. Mai chia sẻ: "Lúc đầu em định xét ngành răng hàm mặt do thấy ngành này ra trường kiếm được rất nhiều tiền, nhưng em không đủ điểm sàn xét tuyển. Vì vậy em định chuyển sang khối A (22,5 điểm) để xét vào một ngành khối kinh tế. Xin thầy cô tư vấn em nên chọn ngành nào để ra trường có thu nhập tốt".
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng khi chọn ngành, thí sinh quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp và thu nhập sau khi ra trường là hoàn toàn chính đáng.
Theo thạc sĩ Nguyên, nếu học các ngành liên quan kinh tế, dịch vụ thì tốt nghiệp có thể làm nhiều công việc khác nhau. Có rất nhiều ngành đang cần nhân lực như kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại, marketing, logistics, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, kinh tế số...
"Quan trọng em xem tố chất của mình phù hợp ngành nào. Nếu có tính sáng tạo, năng động, nhạy bén thì có thể chọn marketing; thích con số, có tính tỉ mỉ chính xác thì chọn kế toán, tài chính ngân hàng... Tuy nhiên dù chọn ngành nào thì em cũng phải nỗ lực học tốt, tạo được giá trị hành nghề, lúc đó tất yếu có công việc tốt và mức lương tương xứng", thạc sĩ Nguyên đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)