Bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính

27/11/2024 10:00 GMT+7

Dưa lưới sau thu hoạch không để được lâu vì dễ bị hỏng, dùng hóa chất bảo quản thì gây nguy hại cho sức khỏe. Trước thực trạng đó, Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã nghiên cứu bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính.

An toàn, giá thành rẻ và tăng thời gian bảo quản dưa lưới là những đặc tính nổi trội mà nghiên cứu của Phúc đã làm được. Với những ưu điểm trên, công trình nghiên cứu này xuất sắc đạt giải nhất ở bảng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024, do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Công thương TP.HCM tổ chức.

Bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính- Ảnh 1.

Phúc (bìa trái) nhận giải nhất bảng công nghệ bảo quản sau thu hoạch cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024

ẢNH: T.T

Tăng thời hạn bảo quản dưa lưới sau thu hoạch

Phúc cho biết ý tưởng của đề tài xuất phát từ câu chuyện của người chị mà Phúc quen. "Chị này có trồng dưa lưới, vào thời điểm đó do dưa không được giá cao, chị cho mình dưa lưới để ăn với số lượng nhiều. Mình nhận thấy rằng, dưa lưới sau thu hoạch một thời gian sẽ dẫn đến hư hỏng, điều này làm mất giá trị của trái rất nhiều, cộng thêm việc mình rất thích nghiên cứu công trình gì đó mang tính ứng dụng cao. Đó cũng là lý do mình tìm hiểu về các phương pháp bảo quản sau thu hoạch, nhằm giúp kéo dài thời gian bảo quản, năng cao chất lượng nông sản", Phúc chia sẻ.

Để tạo ra than hoạt tính, Phúc tiến hành xử lý than sinh học với KMnO4 (hay còn gọi là thuốc tím), kết quả của quá trình này tạo ra được than hoạt tính. Cơ chế hoạt động của than hoạt tính sẽ "bắt" lại các phân tử ethylene (một loại khí tác động mạnh mẽ lên sự chín trái, được trái tạo ra trong quá trình chín). Lúc này, các phân tử ethylene sẽ được KMnO4 ô xy hóa thành CO2 và nước. Qua đó làm ethylene không thể quay ngược lại thúc đẩy quá trình chín trái, giúp kéo dài thời gian bảo quản.

"Sau đó mình sẽ cho hỗn hợp than hoạt tính đã được sấy khô vào túi (túi có khả năng trao đổi không khí, giống như túi trà lipton) và túi này sẽ được cho vào các thùng dưa lưới để hấp thu ethylene trong quá trình chín trái", Phúc cho biết.

Theo Phúc, hiện tại đa phần nghiên cứu hiện nay chỉ tập trung tạo ra than hoạt tính, chứ chưa thật sự tìm hiểu rõ về tác động của than hoạt tính lên quá trình bảo quản nông sản.

"Than hoạt tính từ lâu đã được sử dụng vào đời sống khá nhiều như lọc nước và hấp thụ khí độc nên rất an toàn. KMnO4 hay còn gọi là thuốc tím, chất này cũng được sử dụng rất nhiều vào đời sống, và ở nghiên cứu này mình chỉ sử dụng ở nồng độ cho phép của Cục An toàn thực phẩm nên rất an toàn", Phúc chia sẻ và cho biết đây là phương pháp bảo quản mang lại hiệu quả cao, ngoài ra còn đơn giản, dễ áp dụng cộng thêm chi phí bảo quản thấp. Bên cạnh bảo quản dưa lưới, chủ nhân của đề tài còn cho biết có thể áp dụng rộng rãi cho các loại trái cây khác. Tuy nhiên cũng cần phải nghiên cứu cụ thể để có thể đánh giá một cách chính xác.

Trong tương lai, Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương pháp bảo quản mang tính bền vững, mà vẫn theo tiêu chí đề ra là dễ áp dụng, chi phí rẻ và an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy, Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Mở TP.HCM, thành phần ban giám khảo cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024, cho biết tiêu chí của cuộc thi đặt ra là đề tài phải có tính khả thi và ứng dụng được trong thực tế, thì đề tài này của Phúc đã đạt được. Khi bạn sử dụng KMnO4 để hoạt hóa than hoạt tính thành chất bảo quản dưa lưới thì có hiệu quả, và bạn đã đo lường các chỉ tiêu một cách khoa học. Theo tiến sĩ Thủy, bản thân thuốc tím (KMnO4) ứng dụng nhiều trong đời sống, nên không có vấn đề lo ngại về độ an toàn. Đương nhiên phải có liều lượng sử dụng giới hạn cho phép trong thực phẩm và đề tài cũng đã đảm bảo được điều này.

Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024 do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Công thương TP.HCM tổ chức. Cuộc thi nhằm giới thiệu, triển lãm các công trình nghiên cứu, những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch, như: các sản phẩm ứng dụng về công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm, công nghệ kiểm tra, kỹ thuật bảo quản... Khai khác những sáng kiến nhằm hỗ trợ cho sự phát triển, gia tăng giá trị tài sản trí tuệ, thông tin thương hiệu cho ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm tại thành phố. Đồng thời tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá có khả năng áp dụng vào đời sống để giải quyết những vấn đề hiện hữu trong ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm. Cuộc thi được chia thành 2 bảng: Bảng A là các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến; Bảng B các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.