Bão số 10 hướng vào Nam Bộ

17/11/2008 00:26 GMT+7

* Có thể ảnh hưởng trực tiếp TP.HCM Bão số 10 có tên quốc tế là Noul (do CHDCND Triều Tiên đăng ký, có nghĩa đỏ rực hoặc bầu trời đỏ). Đến 13 giờ chiều 16.11, từ áp thấp nhiệt đới nó đã tăng cấp và được chính thức gọi tên bão nhiệt đới.

Bão có gốc áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines từ hôm 13.11, với tên địa phương Tonyo. Sau khi vượt qua vùng phía nam đảo quốc này, nó vào biển Đông. 10 ngày trước đó, cơ quan khí tượng toàn cầu của châu u cũng đã ghi nhận về hiện tượng thời tiết cực xấu này, với dự báo tầm trung: bão sẽ vào Nam Trung Bộ hoặc Nam Bộ của Việt Nam.

Dự báo của Việt Nam

Trưa qua, 16.11, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương (gọi tắt là trung tâm) phát thông báo số 3 khi áp thấp đã mạnh lên thành bão số 10 trên biển Đông.  Trung tâm dự báo lúc 21 giờ 30 tối qua cho biết: Hồi 19 giờ ngày 16.11, tâm bão số 10 nằm trên khu vực phía đông bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 500 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 - 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Để chủ động đối phó với bão số 10, ngày 16.11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn quốc gia đã có công điện gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, trong đó có yêu cầu:

- Thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm ở phía nam vĩ tuyến 13 độ vĩ bắc.

- Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố. Giao UBND tỉnh, thành phố căn cứ tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới ở địa phương để cấm tàu thuyền ra khơi và sắp xếp nơi neo đậu đảm bảo an toàn.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 19 giờ ngày 17.11, tâm bão sẽ ở ngay trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) và cách bờ biển Ninh Thuận – Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 100 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62 - 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 200 km.

Trong 24 - 48 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 19 giờ ngày 18.11, tâm bão ở trên khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 200 km. Trong 48 - 72 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa tây và tây -  tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 19 giờ ngày 19.11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10. 

Vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Cà Mau (bao gồm cả đảo Phú Quý) từ trưa 17.11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ tối 17.11, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

 

Dự báo hồi 13 giờ chiều 16.11 của JTWC (Mỹ)

Những dự báo của  nước ngoài

 

 Vùng gió bão đến sáng 18.11 do TSR thực hiện

Hồi 13 giờ ngày 16.11, mạng TSR (Anh) dự báo Noul sẽ không là bão mạnh. Mạng này dự báo đến 13 giờ ngày 18.11, bão tràn qua các tỉnh thành Nam Bộ, tâm bão ở phía tây nam TP.HCM, vùng ảnh hưởng sang tận Campuchia. Do địa hình Nam Bộ bằng phẳng, bão tăng cấp trước khi vượt qua Phú Quốc. Đến 13 giờ 19.11, tâm bão nằm gọn trên vịnh Thái Lan, trước khi có thể đi tiếp sang Ấn Độ dương. 

 Từ tối 17.11, ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ gió sẽ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9
Mạng dự báo JTWC của Mỹ thì dự báo có phần khác hơn. Theo đó, đường đi của bão được dự báo lệch xuống phía nam một ít. Đến 19 giờ tối nay 17.11, bão có thể đổ bộ vùng Bà Rịa - Vũng Tàu, gió mạnh khoảng 95 km/giờ. Đến 7 giờ sáng 18.11, tâm bão ở phía tây nam TP.HCM, gió còn khoảng 75 km/giờ. Đến chiều, bão vào vịnh Thái Lan. Cũng đã có 4 mô hình dự báo quốc tế dùng thuật toán vi phân thiết lập đường đi của bão, cùng thống nhất sẽ vào Nam Bộ, từ 10 độ vĩ bắc trở xuống, nhưng chưa rõ tâm bão sẽ đổ bộ tọa độ nào. 

Như vậy có thể nói, tuy yếu hơn nhiều nhưng bão số 10 (Noul) có lộ trình tương tự bão Durian xảy ra ngày 4.12.2006. Khi ấy bão này ghé đảo Phú Quý, đi dọc biển trước khi đổ bộ Bà Rịa-Vũng Tàu, tàn phá tại một số tỉnh thành Nam Bộ.  Tuy nhiên, diễn biến của bão được các chuyên gia cho là rất phức tạp. Ngay cả hiện nay, dự báo là bão không mạnh nhưng cũng có thể nó sẽ mạnh lên bất ngờ như bão Peipah hồi 7.11.2007. Bão sẽ đổ lên địa phương nào là điều không thể biết trước, song điều này chắc chắn, Nam Bộ có khả năng hứng bão và nó sẽ gây mưa to gió lớn, nạn lụt tràn lan từ Trung Trung Bộ đến Đông Nam Bộ là khó tránh. 

Có thể ảnh hưởng trực tiếp TP.HCM

 
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan ảnh: M.Vọng

Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm đối với Nam Bộ - thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định chiều qua 16.11. 

* Liệu bão số 10 có thẳng tiến vào Nam Bộ?

- Đây là cơn bão cuối mùa, hình thành trong lúc không khí lạnh ở phía bắc đang yếu, trong khi nhiệt độ không khí trên vùng biển phía nam biển Đông đang ấm (27-28 độ C), là điều kiện tích tụ năng lượng để bão mạnh lên. Do vậy, khả năng trong 2 ngày tới, bão số 10 sẽ còn mạnh thêm một ít. Cũng có thể khi vào bờ, bão sẽ hơi yếu đi, nhưng kinh nghiệm cho thấy, đối với những cơn bão có cấu trúc mây hoàn hảo như cơn bão này (tròn đều, đối xứng) thì sẽ giữ nguyên cường độ cũng như hướng di chuyển. Hiện không khí lạnh đang yếu, không đủ sức đẩy bão đi về phía nam, đồng thời nó án ngữ ở bên trên giống như một bức tường chắn, không cho bão di chuyển lên phía bắc, vì thế bão di chuyển theo hướng tây là chính.

Do vậy chắc chắn sẽ vào Nam Bộ. Các trung tâm dự báo bão nước ngoài cũng cho biết như vậy. Bão sẽ đi xuyên qua Nam Bộ. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng bị ảnh hưởng. Dự kiến từ đêm 17.11 đến rạng sáng 18.11, chậm nhất vào chiều 18.11 bão sẽ đi xuyên qua Nam Bộ.

* Với cường độ như dự báo (mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10), bão số 10 sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa thạc sĩ?

- Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm, bão vào sẽ gây mưa lớn. Thường thì vùng mưa nhiều nhất nằm ở phía tây bắc hoàn lưu cơn bão, nên các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh khả năng sẽ có mưa vừa đến mưa to. Lo nhất là hồ Dầu Tiếng ở đầu nguồn sông Sài Gòn, trong mấy ngày vừa qua đã phải ngưng xả để tránh trùng với kỳ triều cường lên rất cao ở hạ lưu, giờ đây có lẽ phải tính đến việc xả nước hồ trước khi bão vào.

Còn đối với nhà cửa ở Nam Bộ, chỉ cần cường độ cỡ áp thấp nhiệt đới (cấp 6, cấp 7) là đã có thể gây sập nhà, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long còn có rất nhiều căn nhà bán kiên cố. Các vườn cây ăn trái, cây cối, hoa màu chắc chắn sẽ bị gãy đổ. Những nơi tâm bão đi qua sẽ là nơi nguy hiểm nhất.

* TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu như tâm bão đi qua?

- Đã có mô hình dự báo cho là tâm bão sẽ đi ngang qua TP.HCM. Nếu như tâm bão đi ngang qua TP.HCM, thì sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với những căn nhà cao tầng cũ kỹ và nhà cấp 4. Từ trước tới nay, TP.HCM chưa có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào, chỉ có cơn bão Durian (bão số 9 - năm 2006) có quét ngang qua Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ.

Mai Vọng (thực hiện)

Có phương án phòng chống bão trước 18 giờ 17.11

Chiều qua 16.11, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, bàn và triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 10.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư thông báo: "Khoảng chiều và tối 17.11, tâm bão sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Nam Bộ nước ta. Vì thế, nhiều khả năng các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10”. Theo ông Tăng, từ khoảng trưa và chiều nay (17.11), các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau đã bắt đầu cảm nhận được gió bão. Và sẽ là rất nguy hiểm cho khu vực này nếu xảy ra ảnh hưởng kết hợp của bão và triều cường.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã thống nhất các biện pháp phòng chống cơn bão số 10. Theo đó, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải hoàn tất công tác phòng tránh bão trước 18 giờ chiều nay (17.11) và hoãn các cuộc họp không khẩn cấp để tập trung phòng chống bão. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của bão có phương án cho học sinh nghỉ học từ sáng mai (18.11), cấm các tàu, thuyền không được đi lại trên một số dòng sông; thông báo cho bà con nhân dân hạn chế đi lại, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân vào nơi an toàn…

Tối qua, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã thành lập và cử 4 đoàn công tác với sự tham gia của đại diện các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Quốc phòng và Xây dựng vào các tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 10 để kiểm tra, chỉ đạo và cùng với các địa phương phòng chống bão.

Quang Duẩn

TP.HCM ứng phó với xả lũ hồ Dầu Tiếng

Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng thông báo: Vào lúc 7 giờ ngày 16.11, mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình + 24,63m, vượt báo động cấp III là 23 cm nhưng do có triều cường cao ở khu vực hạ lưu sông Sài Gòn nên hồ Dầu Tiếng đã không xả tràn. Từ 7 giờ hôm nay 17.11 đến 7 giờ ngày 18.11, hồ Dầu Tiếng sẽ xả tràn với lưu lượng 150m3/giây, sau đó từ 7 giờ ngày 18.11 đến 22 giờ ngày 20.11 sẽ xả tràn với lưu lượng 250m3/giây.

Trong khi đó, triều cường trên sông Sài Gòn tại TP.HCM còn ở mức rất cao, đến 6 giờ ngày 17.11 đỉnh triều cường còn vượt báo động II. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP.HCM đề nghị UBND các quận huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai ứng phó với trường hợp kết hợp cả triều cường, xả lũ, bão, có thể có mưa lớn xảy ra trên địa bàn.

M.Vọng - H.Tuấn

Đặng Ngọc Khoa - Q.Duẩn - M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.