Bão số 10 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới

15/10/2009 01:00 GMT+7

Hôm qua cường độ bão số 10 đã nhanh chóng suy yếu xuống còn cấp 8 và đến chiều cùng ngày, sau khi đi vào vùng bờ biển Hải Phòng – Ninh Bình, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ chiều qua, tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nằm ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nam Định với sức gió mạnh nhất giảm xuống chỉ còn cấp 6.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ sáng nay 15.10, trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển về phía tây, suy yếu và tan dần.

Cơn bão rất kỳ quặc

Ông Lê Văn Thảo, nguyên Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho rằng bão số 10 là cơn bão rất kỳ quặc, có 2 giai đoạn diễn biến phức tạp. Khi còn ở ngoài khơi Philippines, nó chịu sự tương tác của siêu bão Melor nên không tự chủ được về hướng di chuyển, nhiều lần thay đổi đường đi. Giai đoạn thứ 2 là trong khoảng thời gian từ chiều ngày 13 đến chiều 14.10 như đã nêu ở trên.

Nguyên nhân của hiện tượng bão đột ngột mạnh lên rồi đột ngột yếu đi rất nhanh, theo ông Thảo đều bắt nguồn từ sự tương tác của bão số 10 với khối không khí lạnh tràn xuống nước ta. Ông Thảo cũng cho biết trong mấy mươi năm làm nghề dự báo bão, ông đã từng gặp những cơn bão còn kỳ quặc hơn bão số 10. Tháng 9.1986, cùng một lúc cơn bão Wayne đã phải chịu sự “giằng xé” của 3 cơn bão khác khiến nó quay như “chong chóng”, có tới 4 lần đi ra - đi vào biển Đông. Tiếp đó, năm 1995, cơn bão Ted đã đi dọc ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Nam, tiếp tục men theo ven bờ biển nước ta, trước khi đổ bộ vào Trung Quốc...

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết trong khi bão số 10 đang suy yếu thì ở ngoài khơi Thái Bình Dương xuất hiện một ATNĐ. Chiều qua, ATNĐ có tâm ở vào khoảng 10 độ vĩ bắc, 150 độ kinh đông với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, đang di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc tiến về miền Trung Philippines với vận tốc 20 - 25 km/giờ và sẽ mạnh lên thành bão trong 1 - 2 ngày tới. Ngoài ra, ở ngay miền Trung Philipines cũng xuất hiện một vùng áp thấp có độ xoắn mây khá rõ, dự kiến sẽ di chuyển vào biển Đông trong 1-2 ngày tới và có khả năng mạnh lên thành ATNĐ.

Thiệt hại do bão số 10 gây ra

Hải Phòng: 80% nhà cửa trên đảo bạch Long Vĩ bị tốc mái

Sau hơn 10 tiếng đồng hồ đổ bộ vào Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), bão số 10 đã tàn phá nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại huyện đảo này. Tính đến 9 giờ hôm qua, bão đã làm 7 người bị thương; trên 60 tàu, thuyền các loại bị chìm và mắc cạn trong âu cảng; 80% nhà cửa trên đảo bị tốc mái, vỡ kính; phần lớn cây cối trên đảo bị đổ gãy, giao thông đình trệ; cột truyền hình, cột điện sức gió và 2 cần cẩu bị đổ gãy hư hỏng nặng. Hiện nay, hệ thống điện, nước sinh hoạt trên đảo bị thiệt hại nặng nề, chưa khôi phục được; hệ thống thông tin liên lạc giữa đảo với đất liền thường xuyên bị gián đoạn. (Hải Sâm)

Quảng Ninh: 1 người mất tích

Theo tin Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh, đến chiều qua, trên địa bàn huyện đảo Cô Tô bị thiệt hại hơn 10 ha lúa, một số nhà dân bị tốc mái, một tàu gỗ vào trú bão bị đắm. Tại huyện Vân Đồn, toàn bộ hệ thống đường điện dẫn lên đài truyền hình bị đổ gãy gây mất điện trên địa bàn huyện; gần 300 ha lúa bị mất trắng, 40 ha lúa bị đổ gãy... Ngày 12.10, tại khu vực biển Đầu Tán, Vĩnh Thực (TP Móng Cái) có 1 tàu sắt chở dầu cùng với 3 thuyền viên bị đắm, đã cứu được 2 người, còn 1 người vẫn mất tích. (Phạm Hải Sâm)

Nam Định – Thái Bình: Đã di dời hàng ngàn dân

Ông Đỗ Văn Khánh, Trưởng ban PCLB tỉnh Nam Định, cho biết từ 22 giờ ngày 13.10 đã hoàn thành việc sơ tán, di dời hơn 4.500 người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, huyện Giao Thủy đã sơ tán trên 3.200 người tại các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Phong, bãi tắm Quất Lâm và hơn 1.000 người tại các lều coi đầm. Huyện Hải Hậu di dời trên 300 người tại bãi tắm Thịnh Long, xã Hải Đồng. Huyện Nghĩa Hưng di dời hơn 200 người coi lều vạng. Hôm qua, Nam Định huy động nhiều lực lượng với khoảng 120 người xử lý xong sự cố sập hố diện tích khoảng 150m2 tại khu vực đê biển huyện Nghĩa Hưng và sạt lở khoảng 15m tại đê biển huyện Giao Thủy.

Trong ngày 13.10, tỉnh Thái Bình cũng di dời khoảng 600 hộ dân sống ngoài đê và 900 hộ có chòi nghêu, vạng trên biển. Ông Nguyễn Hữu Rong, Trưởng ban PCLB tỉnh, cho biết: “Mặc dù trong ngày hôm qua toàn tỉnh không có mưa to, nhưng chúng tôi quán triệt các địa phương không được chủ quan với bão, khi nào thật sự an toàn, người dân mới được về nhà hoặc đến các bãi nghêu. Tương tự các tàu bè cũng không được ra biển". (Thái Sơn - Lê Tùng)

Quang Duẩn - Đ.N.Khoa - M.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.