Bão số 5 gây gió giật cấp 15

28/09/2011 08:35 GMT+7

* Bão số 4 làm 4 người chết * Quảng Nam di dời khẩn cấp nhiều hộ dân * Đồng Tháp: Nhiều tuyến đê bị vỡ (TNO) Sáng sớm nay 28.9, tâm bão số 5 chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - cấp 13 (tức là từ 118-149 km/giờ), giật cấp 14 - cấp 15.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Đến 4 giờ ngày mai 29.9, bão vẫn giữ nguyên cường độ, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km.


Đường đi và vị trí cơn bão số 5 - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư ngày 28.9

Đến 4 giờ ngày 30.9, tâm bão nằm trên khu vực phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 10 - cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - cấp 13, giật cấp 14 - cấp 15. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 8 và có mưa giông mạnh, cần đề phòng lốc xoáy, biển động.

Theo báo cáo nhanh số 1 của Bộ Tham mưu - Bộ Đội biên phòng, đến 16 giờ ngày 27.9 đã thông báo kêu gọi được: 30.069 tàu, thuyền cùn 145.487 người, trong đó:

- Hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa: 3 tàu/41 người (Quảng Ngãi) vẫn giữ liên lạc, đang trên đường vào bờ.

- Hoạt động ven bờ, các khu vực khác và neo đậu tại bến: 30.066 tàu/145.446 người.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học bày tỏ mối quan ngại, bão số 5 vào Vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào nước ta, theo dự báo sẽ trùng vào thời điểm một đợt không khí lạnh cường độ mạnh, nhiều khả năng sẽ gây ra một đợt mưa cực lớn ở miền Bắc.

Theo ông Học, đây là hình thái gây mưa cực lớn điển hình tại khu vực này vào các tháng 9 và 10 hằng năm, cũng giống như những trận mưa kỷ lục đã từng xảy ra vào các năm 1984 và 2008.

Vì thế, các địa phương cần hết sức cảnh giác, đề phòng ngập úng, sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực vùng núi.

Trong khi đó, tại công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư hôm qua yêu cầu khẩn trương thông báo và hướng dẫn ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 15.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu triển khai các phương án sẵn sàng đối phó với tình huống bão đổ bộ vào đất liền nước ta.

Theo đó, các địa phương kiểm tra, rà soát những khu vực dân cư đang sống ở những vùng thấp, trũng và ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở để có phương án di dời, đề phòng nước dâng do bão và ngập lụt do mưa lớn.

“Kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình đang thi công, những hồ chứa đã đầy nước cần chủ động để hạ thấp mực nước đề phòng mưa lớn, thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ, đặc biệt một số công trình xảy ra sự cố phải khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bản an toàn cho công trình và hạ du”, trích công điện. (Quang Duẩn)

Đồng Tháp: Nhiều tuyến đê bị vỡ

Lũ sông Tiền lên nhanh kết hợp cùng triều cường dâng tại Đồng Tháp đang đe dọa các tuyến đê bao lúa vụ 3.

Ngày 27.9, đoạn đê bao ở ấp 3 xã An Hòa, huyện Tam Nông đã bị nước lũ đánh vỡ một đoạn dài hơn 10m, địa phương đã huy động hàng trăm người dân, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên khẩn trương vá đê cứu 350 ha lúa.

Ban Phòng chống lụt bão huyện Tân Hồng cho biết, khoảng 16 giờ chiều ngày 27.9 đã xảy ra sự cố tại tuyến đê bao ấp Đuôi Tôm, xã Tân hộ Cơ.

Nước lũ chảy xiết làm sạt lở lộ giao thông dài trên 10m tại xã Tân Thành gây ách tắc giao thông, còn tuyến đê bao ở cánh đồng ấp Gò Bối, xã Tân Hộ Cơ bị rạn nứt ở giữa mặt đê một đoạn dài 4m, nước lũ tràn vào đe dọa hàng trăm ha lúa. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cấp tốc cứu hộ đê.

 
Sà lan chở cát bán liên tục vẫn không đủ cung ứng cho cứu hộ đê - Ảnh: Thanh Dũng

 
Các huyện đầu nguồn vùng lũ mua tràm gia cố chân đê liên tục - Ảnh: Thanh Dũng

 
Một đoạn đê ở Kinh Tứ Thường, thị xã Hồng Ngự bị xì nước được cứu hộ kịp thời - Ảnh: Thanh Dũng

Tại các tuyến đê bao Kinh Tứ Thường, phường An Lạc, đê bao xã An Bình B (thị xã Hồng Ngự) nhiều nơi bị rò rỉ do áp lực cường suất dòng chảy mạnh, nước tràn vào bờ đê. Địa phương phải huy động máy bơm rút nước, phá bỏ nhiều tuyến đê nhỏ có diện tích lúa ít để giảm tải lũ.

Tại thị xã Hồng Ngự, do địa phương liên tục huy động cát, tràm khối lượng lớn gia cố chân đê nên nhiều điểm kinh doanh đã nâng giá cát, tràm lên cao. Do địa phương nào cũng mua tràm dự phòng chống lũ nên cây tràm khan hiếm, nhiều nơi phải mua bạch đàn hoặc các cây gỗ khác để gia cố chân đê. (Thanh Dũng)

Bão số 4 làm 4 người chết

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng 28.9 cho biết, bão số 4 đã cướp đi sinh mạng của 4 người và làm 4 người khác bị thương.
Trong đó, Quảng Trị và Phú Yên mỗi tỉnh có 1 người, Thừa Thiên - Huế có 2 người bị chết.

Mưa lũ do bão số 4 gây ra cũng làm ngập, tốc mái và hư hại 128 ngôi nhà của người dân. Ngoài ra, 5.167 ha lúa và hoa màu của nông dân Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ngập.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổ định đời sống người dân đồng thời chủ động triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 5.

Theo đó, các địa phương dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 triển khai ngay các biện pháp đối phó với bão và mưa lũ, có phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công ven sông, ven biển; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các vùng trũng, thấp ở cửa sông, ven biển, các khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.

“Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi, việc cho học sinh nghỉ học và quyết định việc sơ tán dân đến nơi an toàn”, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu.

Các địa phương cũng phải khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền.

Chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm.. sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất gây chia cắt đồng thời hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão.

Các tỉnh có biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu vực hầm, mỏ khai thác khoáng sản; cử người canh gác, hướng dẫn tại các khu vực đò ngang, ngầm, tràn có nước chảy xiết và duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. (Quang Duẩn)

Nghệ An: Di dời khẩn cấp 13 hộ dân ra khỏi khu vực núi lở

Chiều 27.9, UBND huyện Tương Dương, Nghệ An di dời khẩn cấp 13 hộ dân ở dưới chân núi Pu Căm, thuộc bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh ra khỏi khu vực nguy hiểm do núi lở.

Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết từ nhiều ngày nay, quả núi Pu Căm xuất hiện nhiều vết nứt lớn chạy ngang dọc, xẻ núi thành 3 mảnh và các mảng núi đang có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào, trong đó có 13 hộ dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Hiện tại, mố cầu treo bắc qua sông Nậm Nơn đã bị một phần quả núi đẩy ra khá xa vị trí ban đầu, khiến cầu treo bị uốn cong hình chữ S và mố cầu đang có nguy cơ bị đẩy xuống sông.

Cũng theo ông Hợi, về lâu dài, hàng chục hộ dân khác nằm gần quả núi này cũng sẽ phải di dời vì hiện tượng nứt núi đang có diễn biến ngày càng nguy hiểm. (Khánh Hoan)

Sóng biển cuốn trôi đất công trình nhiều khu resort

Ngày 27.9, UBND TP Hội An (Quảng Nam) đã họp khẩn và tiếp tục huy động lực lượng xung kích từ Bộ đội Biên phòng đồn Cửa Đại, Đoàn trường CĐ Điện lực miền Trung cùng các phương tiện cơ giới, vật liệu của Công ty xây dựng 501 đắp kè ngăn triều cường đang lan rộng tại biển Cửa Đại.

Bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở nặng khoảng 500m, đến hôm qua đã ăn sâu vào đất liền thêm 50m, gây nguy cơ cuốn trôi đất công trình hàng loạt khu resort dọc bờ biển đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng (ảnh). Chính quyền TP cũng lo ngại sóng biển mạnh sẽ “xé toạc” P.Cửa Đại. 

Ở khu vực phố cổ, thêm 75 di tích xuống cấp bị uy hiếp, trong đó cần phải di dời cục bộ 38 gia đình; riêng nhà cổ số 26 Bạch Đằng và 43 Tiểu La có nguy cơ sụp đổ. Sóng to, gió lớn do ảnh hưởng bão số 4 khiến tàu thuyền không thể ra đảo Cù Lao Chàm được, nên 8 công nhân của đội khai thác yến sào đang bị kẹt tại hang Khô, hang Cả, hang Tò Vò, buộc Lực lượng Biên phòng 276 (trên đảo Cù Lao Chàm) đưa phương tiện đến ứng cứu.

Di dời khẩn cấp các hộ dân dưới lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2

Cũng trong ngày 27.9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công điện yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẩn trương phối hợp với Ban quản lý dự án Thủy điện 3 và các lực lượng chức năng vận động, tổ chức di dời khẩn cấp 10 hộ dân (28 nhân khẩu) và tài sản ra khỏi lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.

Việc di dời phải hoàn tất trước hôm nay 28.9.

Đây là những hộ dân còn lại nằm trong diện phải di dời khỏi lòng hồ, vốn đang sinh sống ở cao trình 167m đến 175m (mực nước hồ hiện nay là 155m).

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Thủy điện 3, những hộ dân này sẽ bị nguy hiểm khi mực nước hồ dâng cao do ảnh hưởng mưa lũ bão số 4 và những đợt mưa bão tiếp theo.

Trước đó, đã có 4 hộ được di dời, số hộ còn lại có thể sẽ được địa phương sơ tán cưỡng chế khi mực nước dâng cao.

Sự chậm trễ di dời khỏi lòng hồ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của hàng chục người dân chủ yếu do địa phương, Ban quản lý Thủy điện 3 và người dân chưa đạt thỏa thuận về mức hỗ trợ. (H.X.Huỳnh)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.