|
Liệu cơm gắp mắm
Lâu nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chậm chân hơn không ít bảo tàng nước ngoài trong việc chăm sóc các họa sĩ Việt Nam, để rồi nguồn tranh quý bị hút ra nước ngoài.
Theo ông Vi Kiến Thành, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Bảo tàng cũng có những cái khó, cái khổ”. Thời kinh tế thị trường, họa sĩ nào cũng muốn bán được nhiều tranh và bán giá cao để vừa có thu nhập vừa khẳng định đẳng cấp. Thế nhưng, nguồn kinh phí hạn hẹp của bảo tàng do ngân sách nhà nước rót xuống hằng năm chỉ đủ để mua được một ít tác phẩm theo cách thương lượng. Nếu họa sĩ không “thông cảm” thì đành phải chấp nhận việc các bảo tàng, gallery nước ngoài nẫng mất các tác phẩm. “Nhu cầu kinh tế là có thật vì họa sĩ cũng cần phải sống hằng ngày. Nhưng nếu các họa sĩ hy sinh vì lợi ích chung nhiều hơn thì bảo tàng mới có tranh. Trách bảo tàng để lọt tranh quý nhưng cũng phải trách các nghệ sĩ quá sính ngoại”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, trong cái khung kinh phí ít ỏi, bảo tàng đã cố gắng đẩy giá mua tranh của các họa sĩ trong nước “lên mức rất cao” để mong có được những tác phẩm quý giá. Song, trên thực tế, cái mức giá “rất cao” ấy của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại chẳng thấm tháp vào đâu so với lời đề nghị từ nước ngoài. Bởi thế, bảo tàng đã “liệu cơm gắp mắm” bằng dự kiến... thuê tranh thay vì phải mua.
Cụ thể, bảo tàng có thể sẽ lên danh sách mời một số họa sĩ đến trưng bày tranh miễn phí. Sau thời gian trưng bày, Hội đồng nghệ thuật của bảo tàng sẽ chọn mua tranh của những họa sĩ đó. Nếu không thương lượng được giá cả thì bảo tàng sẽ đề nghị hợp tác bằng cách ký với họa sĩ một hợp đồng thuê tranh. Theo đó, họa sĩ sẽ ký gửi tranh tại bảo tàng trong một khoảng thời gian nhất định (vài năm hoặc vài tháng...) và bảo tàng sẽ trả phí thuê tranh, phí bảo dưỡng... Như vậy, quyền sở hữu tranh vẫn thuộc về họa sĩ, mà công chúng và bảo tàng vẫn có tranh để treo, để xem. Ngoài ra, bảo tàng cũng đang tính đến phương án xin tài trợ theo hình thức doanh nhân bỏ tiền ra mua tranh, được quyền sở hữu tranh đó, còn bảo tàng thuê lại.
Trước mắt, để làm phong phú cho các sưu tập, bảo tàng đã gửi thư ngỏ kêu gọi hiến tặng hiện vật. Thế nhưng, sau một thời gian phát động, những hiện vật thu được phần lớn là những tác phẩm ít giá trị từ những chủ nhân chưa khẳng định được thương hiệu. Trong khi đó, những họa sĩ đã thành danh thì lại không tự nguyện. “Tôi không thể tặng tranh cho bảo tàng theo kiểu cho không, biếu không. Không phải tôi toan tính, nhưng đã qua rồi cái thời ban phát...”, họa sĩ Thành Chương nói.
Không phải vì tiền...
Tuy nhiên, không ít họa sĩ tên tuổi khi được hỏi đều trả lời “rất sẵn sàng bán tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với giá thấp hơn mức giá bán cho nước ngoài” và bình luận “lo lắng của bảo tàng về việc khó mua tranh là chuyện không thực tế”.
“Tôi rất hiểu cái khó của bảo tàng trong nước, cũng hiểu cái ba-rem trong nước là thế nào. Ở Việt Nam, không họa sĩ nào không hiểu cái ba-rem đó. Do vậy, sẽ không có chuyện chúng tôi đòi giá cao hơn hoặc ngang bằng nước ngoài. Có bán vài ba bức giá thấp hơn thì cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm đến kinh tế. Khi họa sĩ đã thành danh, đã bán được nhiều tranh rồi thì việc bán cho bảo tàng trong nước một vài bức với giá rẻ hơn mức thông thường cũng là chuyện không khó khăn gì”, họa sĩ Thành Chương nói. Song, khúc mắc ở chỗ: khi họa sĩ đã sẵn sàng bán tranh cho bảo tàng với giá thấp thì không có nghĩa là “thấp” thế nào cũng bán. Vấn đề nằm ở chuyện thỏa thuận và cách ứng xử có “vừa lòng nhau” hay không.
Họa sĩ Lê Quảng Hà cho rằng cách đặt vấn đề, cách thương lượng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa chuyên nghiệp, chưa thể hiện thái độ trân trọng họa sĩ, chứ không phải là việc trả bao nhiêu tiền: “Cách đây lâu lắm, người của bảo tàng đến đặt vấn đề mua tranh, nhưng giá cả bao nhiêu lại do Hội đồng bảo tàng quyết định trước, tôi chỉ việc ký vào, cứ như thể họ ban ơn cho mình, vì vậy tôi từ chối. Lần thứ hai, họ đến, nhưng thái độ khác, tôi đồng ý”.
Mặt khác, cách định giá tranh của họa sĩ này cao/thấp hơn so với họa sĩ kia cũng có thể khiến nhiều họa sĩ cho rằng mình chưa được tôn trọng đúng mức, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến mỹ thuật Việt Nam bị chảy máu chất xám. Họa sĩ Lê Quảng Hà cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần có quy chế cụ thể, chuyên nghiệp về việc mua tranh, và cũng phải có hợp đồng bản quyền rõ ràng, bởi việc bày tranh thật lẫn với tranh giả như hiện nay chưa thể hiện sự tôn trọng hoạt động nghệ thuật đích thực của họa sĩ.
* “Có tranh trưng bày ở các bảo tàng nước ngoài cũng chưa phải là quá ghê gớm. Nước ngoài có thể mua 200-300 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam để trưng bày nhưng có khi chỉ vài ba bức là thật sự giá trị. Hơn nữa, ngay cả các bảo tàng, gallery nước ngoài đôi khi cũng không phân biệt được tranh thật, tranh giả, tức trình độ thẩm định nghệ thuật của họ không phải lúc nào cũng đúng”, ông Vi Kiến Thành - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
* “Chúng tôi không ngộ nhận về mình, chúng tôi biết mình đang ở đâu. Không phải có vài bức tranh được bảo tàng nước ngoài mua là đã ghê gớm lắm. Chúng tôi cũng rất muốn được đóng góp cho đất nước, cũng cảm thấy rất vinh dự khi có tranh trong bảo tàng quốc gia. Nhưng gu thẩm mỹ của người đứng đầu một bảo tàng đại diện cho bộ mặt mỹ thuật quốc gia là rất quan trọng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lâu nay vẫn chưa có tầm, chưa có đủ bộ sưu tập đủ bề dày, đủ sự bao quát”, họa sĩ Thành Chương. |
Y Nguyên
Bình luận (0)