Bảo tàng nên mở góc trưng bày về phở

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/03/2024 07:43 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Vũ Thế Long (ảnh), chuyên gia ẩm thực của Hiệp hội Ẩm thực VN, cho rằng các bảo tàng lớn nên có góc trưng bày về phở.

Nếu chọn một hiện vật để kể chuyện phở, ông sẽ kể về cái gì, thưa ông?

Năm 2001, trong một chuyến nghiên cứu tại Pháp, tôi được thăm kho hiện vật dân tộc học sưu tập từ VN lưu giữ tại Bảo tàng Con người (Musée de l'Homme) tại Paris. Có nhiều đồ chơi bằng sắt tây từ những cửa hàng trên phố Hàng Thiếc, Hàng Mã (Hà Nội). Chúng làm từ vỏ ống bơ và có bánh xe, có thể chuyển động như con rối khi kéo. Tôi giật mình thấy ở một góc trên kệ có thứ đồ chơi thú vị, là đồ chơi "anh bán phở". Hiện vật này thuộc bộ sưu tập của nhà nữ khảo cổ học M.Colani, người đã lăn lộn cả đời ở VN, cũng là người khám phá ra nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn ở VN và Đông Nam Á.

Bảo tàng nên mở góc trưng bày về phở- Ảnh 1.

TS Vũ Thế Long

NVCC

Hiện vật đó đặc biệt thế nào mà khiến ông giật mình và giờ chọn nó để kể về phở?

Đồ chơi "anh bán phở" này mô tả một người đàn ông bán phở, đội một chiếc mũ phớt. Chiếc mũ này dân ta thường gán cho cái tên "mũ phở" do các tay bán phở luôn đội khi bán hàng để tạo thương hiệu cho mình. Anh bán phở này đang đứng trước gánh hàng, tay phải cầm con dao to bản. Sau lưng là cái thùng nấu phở to làm bằng tôn. Cái thùng nước phở này mãi sau này vẫn thịnh hành. Khi trẻ con trêu người bụng phệ với câu hát "bụng anh to như cái thùng nấu phở" là do hình ảnh cái thùng này. Khi kéo xe, tay anh bán phở cầm dao chặt lia lịa xuống thớt.

Cụ Nguyễn Tuân khi tả cái mũ phở của ông bán phở có đoạn: "Họ thường là những người làm ăn chân thật, hay mặc một cái áo vành-tô vải vàng hoặc da màu cứt ngựa của ông binh khố đỏ thải ra, trên đầu là cái mũ cát mất cả núm chỏm, và nhất là hay đội những cái mũ dạ méo đã mất cả băng hoặc rách cả bo. Những cái mũ này đặt lên đầu người nào cũng không chỉnh, mà hình như chỉ đặt lên những bác phở gánh là có một ý nghĩa".

Có lẽ sẽ rất tuyệt nếu chúng ta phục dựng được hiện vật này, rồi đặt nó trong một bảo tàng phở. Ông có nghĩ nên tổ chức một bảo tàng như vậy không?

Một bảo tàng sâu như thế về phở thì khó, theo tôi là chưa nên. Tôi nghĩ sẽ có ít người muốn vào xem cả một bảo tàng phở khi mà phở luôn ở quanh ta, rất gần. Nhưng nếu có bảo tàng ẩm thực thì trong đó nên có một góc về phở. Trước tới nay, hệ thống bảo tàng chúng ta ít kể những câu chuyện lịch sử văn hóa như phở, nên điều này rất cần có.

Theo tôi, nếu có một trưng bày về phở, nó nên nằm ở trong Bảo tàng Dân tộc học hoặc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nó sẽ nằm trong trưng bày lớn hơn về văn hóa ẩm thực. Người xem cũng không chỉ đến xem, mà còn đến để được nghe giới thiệu, được trải nghiệm nấu phở và được ăn. Các bảo tàng địa phương cũng có thể làm được góc trưng bày phở, bên cạnh những món ăn của địa phương mình.

Bảo tàng nên mở góc trưng bày về phở- Ảnh 2.

Đồ chơi làm bằng sắt tây tả ông hàng phở

TL CỦA TS VŨ THẾ LONG

Những câu chuyện về phở trong bảo tàng sẽ có dấu ấn của những thời kỳ nhất định. Ví dụ như tôi, tôi có thể là nhân vật kể về lần đầu tiên được bước chân vào tiệm phở thế nào. Lúc đó, chúng tôi được ông nội cho đi ăn phở vào sáng chủ nhật. Ông gọi xe xích lô cho chị em chúng tôi cùng ngồi với ông rồi đến ăn tại hiệu phở Kim Anh cuối phố Huế, chỗ gần chợ trời bây giờ. Thời ấy, ông tôi treo giải thưởng "Hễ đứa nào học giỏi thì chủ nhật sẽ được ông cho đi ăn phở Kim Anh". Ấy cũng là lối "khuyến học" của ông tôi. Bây giờ, thưởng phở cũng không giá trị như xưa, hay những chiếc xích lô cũng không còn nhiều như trước. Lịch sử của phở cũng cho biết nhiều chuyện khác nữa.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.