Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 tại H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh, bà về giảng dạy tại Trường cấp 3 Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Sau đó, bà chuyển về giảng dạy tại Trường cấp 3 Nguyễn Trãi và Trường cấp 3 Đoàn Kết (Hà Nội). Năm 1993 bà nghỉ hưu.
Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đã có 32 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Sau khi nghỉ hưu bà cống hiến trọn vẹn cho nghiệp "cầm bút". Cho đến nay, bà đã in riêng 10 tập thơ ở nhiều nhà xuất bản tên tuổi; có 7 tập ký xuất bản riêng (tập hợp những bài báo đã viết và phỏng vấn) với hàng trăm bài báo, hàng ngàn trang sách. Bà cũng là cộng tác viên của nhiều tờ báo như: Văn nghệ, Đại đoàn kết, Người Hà Nội, Thể thao & Văn hóa, Giáo dục & Thời đại,…)
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã trao tặng những kỷ vật vô giá của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để lan tỏa tinh thần, sự nhiệt huyết trong công việc, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống tới công chúng qua những hoạt động chuyên môn của bảo tàng trong tương lai. Đó là gần 300 tài liệu hiện vật bao gồm hình ảnh, hiện vật, một số ấn phẩm tiêu biểu và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình và tình thầy trò rất trân quý.
Với 32 năm trong nghề giáo, bằng tài năng và sự tận tâm của mình, biết bao thế hệ học trò của bà đã trưởng thành, có nhiều cống hiến cho đất nước, nhiều người giữ những vị trí cao trong xã hội. Tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò là điều thiêng liêng trong tâm thức của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ, mỗi kỷ vật đều đã gắn bó với bà nhiều năm và là câu chuyện về tình yêu nghề, tình cảm gia đình và tình nghĩa đồng nghiệp, cô trò sâu sắc. Thông qua Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà mong muốn những "đứa con tinh thần" này sẽ được lưu giữ để ở lại lâu hơn với đời.
Chia sẻ tại buổi tiếp nhận, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ sự xúc động khi được đón nhận những hiện vật đầy thân thương và ý nghĩa. Bà Tuyết cho biết, những hiện vật là minh chứng ghi dấu cho những nỗ lực của nhà giáo Mỹ Dung vượt qua khó khăn để cống hiến hết mình với "sự nghiệp trồng người" cũng như gặt hái thành công cả trên lĩnh vực báo chí, sáng tác thơ, sáng tác truyện.
Bà Tuyết nhấn mạnh, bên cạnh những chủ đề về lịch sử văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn mong muốn mỗi hiện vật khi dừng chân tại đây sẽ kể những câu chuyện thú vị và mang tới góc nhìn đa chiều về người phụ nữ. Đây cũng là hướng tiếp cận của bảo tàng trong tương lai - tập trung đến các bộ sưu tập gắn với cuộc sống gia đình, hoạt động của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực xã hội nhiều năm gần đây.
Bình luận (0)