Trong số hàng ngàn hiện vật do người Chăm để lại, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (ở Bảo tàng tổng hợp Bình Định) được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa, được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015.
Sắc đẹp và quyền uy
Nữ thần mình trần, ngực tròn đầy, bên dưới cổ có 3 nếp nhăn; trán cao, 2 lông mày cong mềm mại; hai mắt hình hạnh nhân, đuôi dài, đang khép lại mang dáng vẻ trầm tư sâu lắng, như đang thả hồn vào điệu múa; khuôn mặt thanh tú, mũi thấp, miệng mỉm cười nhẹ, cặp môi hơi dày, cằm chẻ… Đó là những miêu tả về phù điêu nữ thần Mahishasuramardini trong bản thuyết minh hiện vật đề nghị công nhân bảo vật quốc gia mà Bảo tàng tổng hợp Bình Định trình lên các cơ quan chức năng.
Khi du khách đến tham quan phòng trưng bày điêu khắc Champa của Bảo tàng tổng hợp Bình Định cũng dễ dàng nhận ra phù điêu nữ thần Mahishasuramardini bởi vẻ đẹp vượt trội của nó.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini được phát hiện tại khu phế tích Rừng Cấm (xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) vào năm 1989. Đây là bức phù điêu được tạo từ đá sa thạch, cao 127 cm, nặng khoảng 200 kg, có niên đại từ thế kỷ 12. Trên phù điêu nữ thần Mahishasuramardini đứng trên hình 2 con thủy quái Makara quay đầu ngược ra hai bên, miệng há to để lộ ra hàm răng sắc nhọn.
Nữ thần đứng trong tư thế mua, hai chân khuynh ra. Mười cánh tay nữ thần cầm các biểu trưng: tay phải chính cầm quạt, tay trái chính chống vào hông. Tay phải phụ thứ nhất cầm cầm cái đĩa tròn không đáy, tay thứ 2 cầm mũi tên, tay thứ 3 cấm cái móc. Tay trái phụ chính trong tư thế buông thẳng xuống, bàn tay cầm quả bầu, tay thứ 2 cầm cung, tay phụ thứ 3 cầm dây quai. Hai tay phụ trên cùng nắm vào nhau đưa thẳng lên cao quá đầu, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ấn vào nhau như hình mũi nhọn, chìa thẳng lên trên trong tư thế bắt quyết. Trên tất cả cách tay của nữ thần đều trang sức dạng vòng đơn hoặc kép.
Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, tác phẩm này là một lá nhĩ chóp nhọn, dùng để trang trí bên ngoài cửa ra vào của ngôi tháp.
Theo thần thoại Ấn Độ, Mahishasuramardini là chị của Krishna (vị thần hóa thân của thần Vishnu, còn gọi là thần bảo hộ và gìn giữ), vợ của thần Shiva (Brahma, Vishnu, Shiva là 3 vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo) và là 1 trong 3 vị thần sinh ra để trừ tất cả ma quỷ đe dọa thế gian.
Một tư liệu khác cho rằng Mahishasura – Mardini là tên gọi khác của Durga (hình dạng chủ yếu của nữ thần Mẹ trong Ấn Độ giáo) vì đã giết quỷ đầu trâu Mardini.
Bà được sinh ra từ sự kết hợp sức mạnh và năng lượng của các vị thần. Shiva (thần hủy diệt, sinh sôi và phát triển) cho bà cây đinh ba của mình, Varuna (thần nước, vua của đại dương) cho chiếc tu và ốc, thần Pavana cho cây cung và bao đựng mũi tên, thần Indra (thần sấm sét) cho lưỡi tấm sét, Yama (thần cai quản địa ngục) cho cây gậy, thần Brahma (thần tạo hóa) cho bình nước… Các vũ khí được giấu vào tay, nữ thần cưỡi con sư tử để diệt Mardini.
Tượng thần rất sống động
Theo nhận định của TS Đinh Bá Hòa, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini đã được tìm thấy nhiều nơi như Mỹ Sơn, Chiên Đàn (ở Quảng Nam) nhưng về độ tinh tế, sắc sảo thì phù điêu ở phế tích Rừng Cấm là một trong những bức đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất và lớn nhất được tìm thấy. Về tư thế, trong khi phù điêu ở Chiên Đàn, nữ thần Mahishasuramardini đứng trên bò Nandin thì nữ thần Mahishasuramardini ở Bình Định đứng trên thủy quái Makara với từng động tác múa của thần gần như hòa quyện vào nhau như một. Về hình thức, các phù điêu nữ thần Mahishasuramardini được tìm thấy ở Quảng Nam có quy cách nhỏ, trong tình trạng chưa hoàn chỉnh, nét chạm khắc thô cứng, không sắc sảo.
“Bức phù điêu nữ thần Mahishasuramardini ở Rừng Cấm được tạc hoàn chỉnh nhất. Bố cục, hình thể khá hoàn chỉnh, nhất là các cánh tay, từ tay chính đến tay phụ thấy có sự kết nối trong các động tác múa của nữ thần, kết hợp đôi chân nhún nhảy uyển chuyển theo điệu nhạc. Từ xa, nhìn thấy bức tượng thần rất sống động vào lôi cuốn”, ông Hòa nói.
Năm 2014, Bảo tàng tổng hợp Bình Định tổ khai quật khu phế tích Rừng Cấm, kết quả đã thu thập được 679 hiện vật, bao gồm các loại đất nung, đá trang trí, tai trang trí đất nung và đá, ngói âm dương, gốm men Việt Nam, gốm Chăm, gốm Trung Quốc và một chiếc đĩa đồng Chăm.
Cuộc khai quật còn làm phát lộ nền móng kiến trúc khu phế tích tháp Rừng Cấm, gồm 1 tháp chính, tháp cửa và tháp cổng. Trong 3 tháp, tháp chính thờ thần Shiva, chồng của nữ thần Mahishasuramardini.
Báu vật suýt bị mất
TS Đinh Bá Hòa cho biết, năm 1989, nạn đào trộm để lấy cổ vật tại các di tích người do người Chăm để lại ở Bình Định nổi lên rất rầm rộ, khu phế tích có tục danh là Rừng Cấm (thuộc xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) cũng nằm trong số đó.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini bị đào trộm tại phế tích Rừng Cấm rồi đem về nhà 1 người dân ven QL 19. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định và H.Tây Sơn phát hiện, thu hồi bức phù điêu này về.
“Lúc đó, tôi đang là Trưởng phòng bảo tồn của Bảo tàng tổng hợp Bình Định nên có đề xuất trao thưởng tiền cho người phát hiện phù điêu này. Tuy nhiên, khi ông ta đến Bảo tàng tổng hợp Bình Định, thấy phù điêu nữ thần Mahishasuramardini từng cất giấu ở nhà mình được trưng bày, phục vụ công chúng đến tham quan thì từ chối nhận tiền. Cũng may là phát hiện kịp thời, chứ không thì bức phù điêu tuyệt đẹp này bị đem đi bán ở nơi khác mất”, TS Đinh Bá Hòa nói.
|
Bình luận (0)