Trở lại từ kho bảo quản sau nửa thế kỷ
Bảo vật quốc gia Bảo kiếm An Dân khi Bảo tàng Lịch sử VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiếp nhận hồi năm 2007 không mấy đẹp đẽ. Khi đó, sau thời gian lưu giữ trong kho Ngân hàng Nhà nước vốn không có điều kiện bảo quản, bảo kiếm đã xuống cấp. Phần gỗ và đồi mồi của một đoạn bao kiếm bị hư hại, mủn nát, không thể phục hồi. Lưỡi kiếm bị gỉ và sứt nhỏ. Tuy nhiên, toàn bộ chuôi kiếm và vàng nạm ngoài bao kiếm còn khá nguyên vẹn. Năm 2008 - 2009, bảo tàng đã xử lý ăn mòn và han gỉ ở lưỡi kiếm; bổ sung một số viên đá vào các vị trí còn khuyết trên chuôi kiếm, phục dựng lại phần gỗ và đồi mồi bị hư hại ở bao kiếm.
Nội dung đúc trên chuôi kiếm xác nhận Bảo kiếm An Dân được tạo tác vào niên hiệu Khải Định (1916 - 1925). Tư liệu ảnh chụp năm 1916 (do Hội những người bạn Cố đô Huế - Association des Amis du Vieux Hué - A.A.V.H cung cấp), cũng có hình hoàng đế Khải Định trong bộ quân phục mùa đông theo phong cách sĩ quan Pháp, hai tay chống Bảo kiếm An Dân. Từ đó, có thể xác định niên đại tạo tác Bảo kiếm An Dân diễn ra vào khoảng cuối năm Khải Định thứ nhất - 1916.
Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận. Toàn bộ tài sản của vương triều, trong đó có Bảo kiếm An Dân cũng trao cho chính quyền cách mạng. Việc kiểm đếm tài sản, trong đó có bảo kiếm này do ông Phạm Khắc Hòe tiến hành. Người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến.
Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, bộ sưu tập bảo vật trong đó có Bảo kiếm An Dân được đưa đi cất giữ. Năm 1954, Bộ Tài chính quản lý bộ sưu tập này. Năm 1959, kiếm được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử VN lưu giữ. Năm 1962, bảo tàng lại gửi bộ sưu tập sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt. Trong suốt gần nửa thế kỷ, bộ sưu tập hoàn toàn bị đóng kín, rất ít người biết đến sự tồn tại của chúng. Mỗi năm một lần, bảo tàng cử người có trách nhiệm đến kho ngân hàng kiểm tra niêm phong. Tới năm 2007, bảo tàng nhận lại bảo vật sau khi nâng cấp kho bảo quản đặc biệt.
Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong bộ sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn của bảo tàng có nhiều bảo kiếm, song Bảo kiếm An Dân là bảo kiếm duy nhất có tên gọi cụ thể. Bảo kiếm này cùng với bộ quân phục được hoàng đế Khải Định yêu cầu thiết kế riêng cho mình, thường xuất hiện song hành cùng với nhà vua trong các sự kiện chính trị, những chuyến tuần du, kinh lý ở các địa phương cũng như công du sang Pháp tham dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille (Pháp) năm 1922. Điều đó chứng minh rõ ràng Bảo kiếm An Dân là thanh kiếm được hoàng đế Khải Định sử dụng trong suốt thời gian trị vì của mình.
Giao lưu văn hóa Pháp - Việt
So sánh các bảo kiếm tại các bảo tàng cũng cho thấy Bảo kiếm An Dân có hình thức độc đáo. Chẳng hạn, kiếm Thái A của vua Gia Long (Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris) cũng được đúc hình đầu rồng như kiếm An Dân nhưng hai đầu rồng có nhiều nét khác biệt. Quai kiếm Thái A chỉ trang trí nổi lá cúc dây và được cẩn bằng các hạt san hô và mã não nhỏ, còn ở Bảo kiếm An Dân được chạm trang trí hai mặt, chính giữa chạm bông hoa 5 cánh mãn khai, nhụy hoa đính 1 viên đá hình cầu. Lưỡi kiếm An Dân lại để trơn, nhưng phần chuôi lại trang trí cầu kỳ và có cả yếm của tay chắn, còn phần tay cầm của kiếm Thái A được cẩn khối bạch ngọc và bo bằng các sợi vàng…
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo kiếm An Dân là biểu tượng quyền lực, quyền uy của hoàng đế Khải Định, có hình thức, kiểu dáng giống với các thanh kiếm của Pháp và phương Tây trong giai đoạn thế kỷ 18 - 19, nhưng đã được cách tân và trang trí theo phong cách mỹ thuật cung đình triều Nguyễn. Các đề tài trang trí trên bảo kiếm đều là những đề tài truyền thống, gắn liền với địa vị, thân thế của vua triều Nguyễn, như hình rồng 5 móng, hoa cúc dây, hình tượng mặt trời, tản vân hay hồi văn chữ S đầu vuông gấp khúc... Các đề tài trang trí đó cũng còn nhiều tại Đại nội Huế hoặc lăng tẩm của các vua triều Nguyễn tại Thừa Thiên-Huế.
Hồ sơ bảo vật quốc gia đánh giá: "Có thể nói, từ cảm hứng nghệ thuật dựa trên các mẫu kiếm của Pháp, hoàng đế Khải Định đã cho thiết kế thanh kiếm của mình với những đặc điểm khác biệt, vừa tiếp nhận dấu ấn thời đại mới, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp, vừa bảo lưu những giá trị truyền thống, cổ điển của cung đình triều Nguyễn, khéo léo lồng ghép, tạo nên một thanh bảo kiếm độc đáo, phản ánh nghệ thuật thủ công truyền thống mang phong cách cung đình triều Nguyễn". (còn tiếp)
Bình luận (0)