Bảo vật quốc gia - Kỳ 21: Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý

22/01/2014 00:40 GMT+7

Bia Sùng Thiện Diên Linh là bức tranh chữ đồ sộ nhất tôn vinh Phật pháp thời Lý. Nó cũng phản ánh khá đầy đủ về đời sống xã hội no ấm của vương triều này.

>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 20: Tấm bia quý thời Lý
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 19: Bộ khóa đai lưng 2.500 năm
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 14: Xá lợi tháp minh - văn bia cổ nhất
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 13: Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay

 Bảo vật quốc gia - Kỳ 21: Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý
Bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, Hà Nam - Ảnh: Hoàng Long

Lý Nhân Tông lệnh tạo tác và ngự đề

Truyền thuyết của vùng Đọi Sơn cho biết đây là đất phát tích đế vương với câu phương ngôn Đầu gối núi Đọi. Chân dọi Tuần Vường. Phát tích Đế vương. Lưu truyền vạn đại. Vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý nhìn thế núi, thế đất đã cho xây dựng chùa và tháp Sùng Thiện Diên Linh cao 13 tầng trên đỉnh núi.

Đại đức Thích Thanh Vũ, trụ trì chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), cho biết tấm bia đá Sùng Thiện Diên Linh được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học kéo dài 6 năm tại chùa Long Đọi Sơn.

Bia Sùng Thiện Diên Linh được làm từ đá xanh nguyên khối, có tổng trọng lượng khoảng trên 1 tấn. Thân bia hình chữ nhật, cao  2,5 m, rộng 1,75 m, dày 0,3 m. Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán. Mặt sau bia khắc chữ của 5 niên đại khác nhau liên quan đến lịch sử văn bia. Cùng với văn tự, thân bia được chạm khắc hình rồng, mây, nước và các hoa văn trang trí ô, diềm, đường viền... đặc trưng của thời Lý.

Bệ bia cũng được làm bằng đá, hình bầu dục, cao 2,5 m, dài 2,4 m, rộng 1,8 m. Trên thân bệ chạm khắc 4 con rồng uốn lượn trong mây núi, sóng nước… rất sinh động.

Tài liệu của Viện Khảo cổ học cho biết tấm bia quý này được dựng ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 thời Lý (1121) để ghi nhận việc xây dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh. Đến đầu thế kỷ 15, quân Minh phá hủy tháp, lật đổ bia. Sau đó, bia được dựng lại vào thời nhà Mạc và được các đời sau tu bổ.

Đáng lưu ý là trong các văn bia tìm thấy của thời Lý, duy nhất có bia Sùng Thiện Diên Linh được đích thân vua Lý Nhân Tông lệnh tạo tác và ngự đề. Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), sau khi xây xong, vua Lý Nhân Tông đã đến khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, đặt tên và dựng văn bia về việc xây dựng tòa bảo tháp.

Trước đó, vị vua này đã ban sắc chỉ cho Hình bộ Thượng thư là Nguyễn Công Bật soạn nội dung văn bia, giao cho Hữu thị lang, Công bộ Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ. Đặc biệt, khi văn bia hoàn thành phần nội dung, đích thân vua Lý Nhân Tông đã ngự đề trên trán bia. Sau đó, khi về thăm chùa, vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ để khắc mặt sau văn bia.  

Bức tranh tôn giáo, đời sống

Nghiên cứu khảo cổ cho thấy giá trị lớn nhất của bia Sùng Thiện Diên Linh là kho tư liệu đồ sộ về sự phát triển của Phật giáo và sự thịnh trị của vương triều nhà Lý.

Theo GS Hà Văn Tấn, hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long được Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký chép. Tuy nhiên, ghi chép kỹ về hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long thì ta chỉ gặp trên văn bia Sùng Thiện Diên Linh này. Mô tả ở văn bia cho biết trong hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long có 7 ngôi tháp, xếp thành một hàng, trên mỗi tháp đặt một pho tượng Phật. Tháp chính giữa bằng vàng. Còn rất nhiều chi tiết khác trong đoạn văn bia khá dài này.

Nhờ phân tích văn bia, GS Tấn cho rằng các tháp ở hội đèn Quảng Chiếu, Thăng Long thời Lý là có liên quan đến lễ thí thực cho ma đói, hay nói chung cho các cô hồn. Nó cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của Mật giáo. “Tuy nhiên, cũng qua mô tả, biến thể đàn lễ thí thực của Hội đèn Quảng Chiếu, ta cũng có thể nhận ra được một đặc điểm của Phật giáo thời Lý. Phật giáo đó có ảnh hưởng của Mật giáo. Nhưng cũng có những đặc điểm khác, như tôn thờ Phật Đa Bảo và Phật A Di Đà. Nó làm cho đàn lễ thí thực không giống như đàn lễ Mật giáo Trung Quốc”, GS Tấn phân tích. Nó cũng cho thấy nhiều điều về nghệ thuật và tôn giáo ở Thăng Long thời Lý.

Phần hai của văn bia ca ngợi vị vua Lý đương triều là Lý Nhân Tông và sự thịnh trị, hưng quốc của các triều nhà Lý. Ngoài ra, nội dung phần này còn mô tả sự sầm uất của kinh thành Thăng Long và tôn vinh công trạng hiển hách của Thái úy Lý Thường Kiệt.

Những phần còn lại trên mặt trước văn bia mô tả về quá trình xây dựng, đặc điểm, hình dáng của tháp Sùng Thiện Diên Linh, ngày dựng bia. Cũng có tên 2 vị thượng thư soạn và viết chữ trên văn bia. Đây được xem là tư liệu căn bản, rất quan trọng để nghiên cứu, phục dựng lại tháp Sùng Thiện Diên Linh, một công trình tiêu biểu về Phật giáo, kiến trúc của thời Lý.

Mặt sau của bia đá Sùng Thiện Diên Linh cũng gồm 5 đoạn Hán tự bổ sung các thông tin về việc Phù Thánh Linh Nhân Thái hậu (Ỷ Lan) cúng tiến 72 mẫu ruộng, vua Lê Thánh Tông đề thơ khi về thăm chùa và việc cúng tiến, tu bổ, phục dựng lại chùa và bia sau khi bị giặc Minh phá hủy.

Ông Mai Khánh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam, cho biết sau khi được tìm thấy, bia Sùng Thiện Diên Linh nhận được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu vì bên cạnh khối tư liệu lớn về Phật giáo và vương triều nhà Lý, ở đây còn tìm thấy rất nhiều tư liệu quý về mỹ thuật, văn học, nghệ thuật của thời kỳ này.

Cụ thể, duy nhất văn bia này đề cập, mô tả nhiều sinh hoạt văn hóa cung đình và dân gian thời Lý. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất thấy tư liệu về múa rối nước là loại hình nghệ thuật mà chính sử không ghi chép.

Cũng theo ông Khánh, văn phong của văn bia trên cũng là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Khác với lối pha trộn biền văn với tản văn thường gặp trên văn bia thời Lý, trên bia đá chùa Long Đọi Sơn lại là văn phong theo thể biền ngẫu mẫu mực, hoành tráng, uyển lệ rất hiếm gặp. Và đến nay, chỉ duy nhất tìm thấy kiểu chữ Hán phi bạch trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.