Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là lương tâm, là truyền thống của dân tộc ta

02/06/2013 03:00 GMT+7

Bên lề Đối thoại Shangri-La 12, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh với tư cách là thành viên cấp cao đoàn Thủ tướng, Trưởng đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên .

Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là lương tâm, là truyền thống của dân tộc ta
Thứ  trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dự phiên toàn thể Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Yên Minh

Trong bài phát biểu trong buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 12, Diễn đàn an ninh cấp cao châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore từ 31.5 - 2.6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực, như diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến biển Đông. Trong đó, an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói thẳng.

 

Một mặt, chúng ta nỗ lực hết sức giải quyết với các nước có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình. Mặt khác là công khai minh bạch với thế giới về tranh chấp của chúng ta

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982”. Trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, “Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực”, ông nhắc lại.

Thưa Thứ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định rất rõ lập trường chủ quyền cũng như đường lối giải quyết tranh chấp của Việt Nam. Nhưng trước thực tế là gần đây những sự cố, va chạm xảy ra thường xuyên trên biển Hoa Đông và biển Đông. Điều đó đặt ra vấn đề gì cho Việt Nam trong cách ứng phó, xử lý các tình huống tương tự?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tình hình trên biển Đông thực sự có những vấn đề rất phức tạp, gây lo ngại cho các nước có liên quan trực tiếp, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước hết là sự phát triển lan rộng tranh chấp. Từ một số tranh chấp rất cụ thể, cục bộ đã phát triển ra thành các tranh chấp trên bình diện rộng lớn hơn; một vài nước tự tuyên bố mang tính chất đơn phương, tự cho vùng này vùng kia là của mình mà không tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ vấn đề biển Đông, nay xuất hiện thêm vấn đề biển Hoa Đông... Bản thân vấn đề biển Đông cũng đang “lớn” ra. Trước đây chỉ có Hoàng Sa, Trường Sa; bây giờ lại có thêm đường 9 khúc... Đó là một xu thế rất nguy hiểm.

Vì vậy, việc giải quyết những tranh chấp ấy nếu không triệt để tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là không sử dụng các biện pháp hòa bình, thì càng nguy hiểm hơn. Chúng ta trước sau như một kiên trì giải quyết theo luật pháp quốc tế. Một mặt, chúng ta nỗ lực hết sức giải quyết với các nước có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình. Mặt khác là công khai minh bạch với thế giới về tranh chấp của chúng ta. Vì tranh chấp là của hai nước hoặc một số nước có liên quan trực tiếp, nhưng cách hành xử là của cả thế giới. Không thể ở mỗi nơi ta lại hành xử một cách khác nhau. Chúng ta hành xử văn minh, trong một thế giới hội nhập.

 

Phát biểu của Thủ tướng được dư luận quốc tế hưởng ứng

Cử tọa tham dự phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La (SLD) tối 31.5 đánh giá rất tích cực về bài phát biểu đề dẫn quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Việt Nam đầu tiên phát biểu khai mạc SLD, cả về nội dung lẫn cách thể hiện. Các học giả, quan chức từ New Zealand, Mỹ và Úc nhận định bài phát biểu rất rõ ràng, cuốn hút và được chuyển ngữ một cách hoàn hảo. Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho hay bài phát biểu trực diện, gọn, thẳng thắn nhưng cũng rất khéo léo. Thủ tướng đã đề cập toàn diện những vấn đề đang được quan tâm trong khu vực cũng như chính sách của Việt Nam. Trong đó, nhiều đại biểu tâm đắc với nội dung “lòng tin chiến lược” và tầm quan trọng của một ASEAN đoàn kết. Từ tối 31.5 đến 1.6, nhiều tờ báo, hãng tin lớn của khu vực và thế giới như Reuters, CNN, BBC, The Straits Times... đều đưa tin, bài lớn, trích dẫn phát biểu của Thủ tướng.

Sự cố tuần duyên Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan hôm 9.5 cho chúng ta kinh nghiệm gì?

Bài học điển hình cho cách hành xử tùy tiện! Tôi cho đây không phải là chính sách quốc gia, mà là manh động của con người cụ thể. Chúng ta không được để việc hành xử tùy tiện của cá nhân ảnh hưởng đến đại sự quốc gia. Chúng ta cần bình tĩnh vì chỉ một sơ suất nhỏ thôi, nếu manh động sẽ gây hệ lụy ghê gớm cho quốc gia đó, đồng thời cho cả khu vực. Chốt lại, không được sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp. Vì vậy, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Brunei hồi tháng 5 vừa rồi, Việt Nam đã đề nghị với các nước láng giềng ký với nhau một thỏa thuận không sử dụng vũ lực.

Trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, gần đây cũng có chuyện tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của chúng ta. Ông nghĩ gì về điều này?

Chúng ta cần tỉnh táo, đừng vội kết luận. Cần phải xem xét, nếu đây là chính sách quốc gia cho phép bắn vào tàu của ta thì cực kỳ nghiêm trọng, mình sẽ có cách đấu tranh khác, ở mức độ cao hơn. Nhưng nếu đó chỉ là manh động cá nhân, thì mình cũng cần hiểu chính xác tình hình để xử lý, đừng để chuyện bé xé to thành chuyện lớn. Ví dụ, vụ bắn vào tàu cá Quảng Ngãi, mình đã tuyên bố công khai, yêu cầu điều tra và xử lý đúng pháp luật những kẻ gây ra chuyện này. Theo tôi, những sự việc vừa qua chỉ mang tính chất cá nhân.

Tại các diễn đàn, hội thảo an ninh, quốc phòng nơi này nơi khác, đã có sự quan tâm lớn của các quốc gia Mỹ, Nga, Ấn Độ đối với Việt Nam. Chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Vấn đề này có hai khía cạnh. Thứ nhất, khu vực của chúng ta ngày càng quan trọng mà nước lớn nào muốn có tiếng nói, vì lợi ích lâu dài, chiến lược ở đây thì sẽ có can dự vào. Họ can dự với nhiều nước, không chỉ Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam trong thời gian vừa qua, mặc dù trong nước có nhiều khó khăn, như về kinh tế. Nhưng nhìn chung, chúng ta giữ được uy tín về mặt chính trị, văn hóa, và nhất là cách hành xử trong các vấn đề khó khăn. Việt Nam tỏ ra là quốc gia biết cách hành xử, bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình mà không gây tổn hại đến ổn định của khu vực. Mà điều cốt tử là mình giữ được độc lập, tự chủ trong việc quyết định các chính sách. Không ai có thể lôi Việt Nam vào thế trận của họ cả. Chính vì thế, Việt Nam là nơi người ta nhìn đến với độ tin cậy rất cao.

Vị thế của Việt Nam có được theo tôi xuất phát từ vị trí địa chiến lược; lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta, và nhất là sự ổn định chính trị, phát triển của đất nước ta ngày nay.

Ông suy nghĩ như thế nào về nhận thức của người dân Việt Nam trong vấn đề chủ quyền, biển đảo?

Trước hết, tôi cho rằng nhận thức của người Việt Nam về vấn đề này rất đúng đắn. Nó xuất phát từ lòng yêu nước. Đặc điểm của dân tộc Việt Nam là yêu nước và không biết sợ khi mà chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, kể cả người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây đó cũng có phản ứng nhiều chiều của người dân về vấn đề này vì họ không đủ thông tin. Mà cũng không thể đủ được! Bởi mỗi người chỉ có một góc nhìn dựa trên thông tin họ có. Kể cả những người có nhiều thông tin thì cũng chưa chắc đủ tự tin để đánh giá tình hình. Nên các phản ứng nhiều chiều là điều dễ hiểu. Điều đó đặt ra cho nhà nước vấn đề là phải cung cấp tối đa, đủ thông tin cho người dân.

Ngược lại, người dân hãy tin rằng trong mọi chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước ta không thể có chuyện nhân nhượng trong chủ quyền quốc gia! Không ai dám bỏ rơi lợi ích quốc gia. Từ tâm can của mỗi người dân Việt Nam, trước hết đó là lương tâm, là truyền thống của dân tộc ta. Chỉ cần anh bỏ qua lợi ích quốc gia dân tộc, người dân sẽ không để anh yên đâu!

Xin cảm ơn ông.

Thục Minh (thực hiện)
(Văn phòng Singapore)

>> Đoàn Trung Quốc nóng mặt tại Đối thoại Shangri-La
>> Thủ tướng kết thúc tốt đẹp dự Đối thoại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-La: Mỹ sẽ điều thêm binh lực đến châu Á - Thái Bình Dương
>> Một số hình ảnh hoạt động của Thủ tướng tại Đối thoại Shangri-La
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại tại Shangri-La 12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.