Barbados và tương lai của Khối thịnh vượng chung

01/12/2021 08:58 GMT+7

Nhiều quốc gia có thể sẽ tiếp bước Barbados và không còn công nhận Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ khi họ tìm cách thoát khỏi quá khứ thuộc địa.

Ngày 30.11, đúng 55 năm từ khi trở thành nhà nước độc lập thuộc Khối thịnh vượng chung với Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ, Barbados tiến hành buổi lễ đặc biệt để chính thức chuyển thành một nhà nước cộng hòa với Tổng thống Sandra Mason.

Hiệu ứng domino

Là một hòn đảo với khoảng 250.000 dân tại Caribe, Barbados là quốc gia thứ 18 không còn công nhận Nữ hoàng Elizabeth II là người đứng đầu nhà nước, từ khi bà lên ngôi vào năm 1952, theo i News.

Bước đi này không phải là quyết định tức thời mà đã được chuẩn bị từ lâu. Một cuộc trưng cầu dân ý đã được dự kiến tổ chức vào năm 2008 nhưng do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh phí quá tốn kém nên cuối cùng bị hoãn lại.

Buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Barbados Sandra Mason, đánh dấu nước này trở thành nước cộng hòa

Reuters

Kế hoạch được tiến triển từ sau chiến thắng vang dội của đảng BLP của Thủ tướng Mia Mottley trong cuộc bầu cử năm 2018, giúp bà có đủ sự ủy nhiệm để đưa Barbados trở thành nước cộng hòa.

Về phần Anh, với diễn biến mới nhất, số lượng quốc gia vẫn công nhận Nữ hoàng Elizabeth II là người đứng đầu nhà nước còn lại 15, trong đó đáng kể nhất là Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada, New Zealand và Úc.

Khối thịnh vượng chung có 54 quốc gia và hầu hết là cựu thuộc địa của Anh. Một số nước trong đó đã trở thành nước cộng hòa độc lập và một số nước có quốc vương riêng.

Ca sĩ Rihanna được Barbados trao danh hiệu anh hùng dân tộc

Giới chuyên gia nhận định quyết định của Barbados có thể gây "hiệu ứng domino" lên các nước cựu thuộc địa khác của Anh đi theo mô hình cộng hòa tương tự.

“Rất nhiều người đã nói về thời thuộc địa và bước ra khỏi quá khứ đó, vì vậy tôi cho rằng trong thế kỷ 21, những nước này sẽ nhận ra rằng đã đến lúc để họ làm những điều của riêng họ và giành sự độc lập hoàn toàn”, thư ký tòa soạn Joe Little của tạp chí Majesty bình luận trên i News.

Chưa có bằng chứng về khả năng đó sẽ xảy ra nhưng ông Little cho rằng có thể các nước đang âm thầm dự tính và việc thay đổi có thể diễn ra dưới thời gian trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II hoặc là dưới thời người kế vị bà - thái tử Charles.

Nhiều nước rục rịch

Một trong những nước có khả năng tiếp bước Barbados là Jamaica, một quốc gia khác tại Caribe. Cả hai chính đảng tại Jamaica đều ủng hộ chấm dứt chế độ quân chủ để trở thành nước cộng hòa. Năm 2003, Thủ tướng khi đó là P.J. Patterson cam kết sẽ bãi bỏ thể chế quân chủ vào năm 2007. Ông nói mình tôn kính nữ hoàng nhưng đã đến lúc người dân Jamaica tự chọn lãnh đạo, theo The Conversation.

Kết quả khảo sát thăm dò năm 2020 cho thấy 55% người dân Jamaica muốn từ bỏ việc công nhận người đứng đầu hoàng gia Anh là nguyên thủ.

Thái tử Charles có mặt tại buổi lễ ở Barbados

AFP

Tại Bahamas, cựu Tổng chưởng lý Sean McWeeney quả quyết rằng việc đất nước của ông sẽ tiếp bước Barbados là điều không thể tránh khỏi.

Không chỉ riêng khu vực Caribe, một cuộc khảo sát tại Canada hồi tháng 3 cho thấy 45% người trả lời muốn đi theo mô hình cộng hòa và chỉ có 24% muốn giữ mô hình quân chủ.

Úc trưng cầu dân ý vào năm 1999 nhưng đa số ủng hộ duy trì thể chế quân chủ. Tuy nhiên, xu hướng này được cho là có thể đảo chiều, đặc biệt là sau khi nữ hoàng không còn trị vì.

Tại New Zealand, cuộc khảo sát gần đây cho thấy 50% người trả lời ủng hộ duy trì chế độ quân chủ ngay cả khi Nữ hoàng Elizabeth II không còn, so với 44% người ủng hộ một nước cộng hòa. Cách đây 2 năm, tỷ lệ người muốn New Zealand thành nước cộng hòa là 55%.

Tượng Nữ hoàng Anh bị kéo đổ tại Canada sau khi hàng trăm nấm mộ trẻ em bản đị được phát hiện

Ngay cả tại Anh, sự ủng hộ dành cho thể chế dân chủ ngày càng giảm, đặc biệt ở người trẻ. Cuộc khảo sát của YouGov hồi tháng 5 cho thấy 41% người từ 18-24 tuổi nói muốn một lãnh đạo được bầu ra. Tỷ lệ này giảm chỉ còn 13% đối với những người từ 65 tuổi trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.