(TNO) Từ một người học ngành y, không hề có ý định theo đuổi nghiệp chính trị, Bashar al-Assad đã được dọn đường để trở thành tổng thống Syria, tiếp nối đường lối lãnh đạo cứng rắn do người cha để lại.
Bashar al-Assad (phải) trở thành tổng thống Syria sau cái chết của người cha năm 2000 - Ảnh: Reuters |
Tổng thống hiện nay của Syria tên đầy đủ là Bashar Hafez al-Assad sinh năm 1965, là con trai thứ của cựu tổng thống Hafez al-Assad. Ông Hafez gia tăng quyền lực từ quân đội và đảng Alawite thiểu số của ông nắm quyền điều hành Syria từ năm 1970 với một chính sách cứng rắn.
Bashar al-Assad lúc đầu không có ý định theo đuổi sự nghiệp chính trị như cha và anh trai Bassel. Ông tốt nghiệp y khoa năm 23 tuổi. Ông Assad làm việc tại khoa mắt ở bệnh viện quân sự ngoại ô Damascus rồi sau đó chuyển đến London, Anh vào năm 1992.
Tuy nhiên, sau cái chết của người anh trai vì một tai nạn giao thông năm 1994, Bashar được gọi về nước và cuộc đời ông thay đổi từ đó. Lặng lẽ và nhanh chóng, ông Hafez đưa Assad vào học viện quân sự Homs rồi sau đó đưa ông Assad vào hàng cấp tá chỉ trong 5 năm. Trong thời gian này, Assad còn là cố vấn cho cha mình, đồng thời tiếp thu những ý kiến, phàn nàn từ người dân. Ông Assad còn dẫn đầu một chiến dịch chống tham nhũng và nhờ đó mà loại được nhiều đối thủ cạnh tranh chức tổng thống.
Dọn đường để thành tổng thống
Sau khi ông Hafez qua đời hồi tháng 6.2000, quốc hội Syria đã nhanh chóng tiến hành cuộc bỏ phiếu nhằm giảm độ tuổi ứng cử tổng thống xuống còn 34-40 tuổi, hành động nhằm dọn đường cho ông Assad có thể ngồi vào ghế tổng thống. Và Bashar al-Assad nhậm chức chỉ 10 ngày sau khi cha mình qua đời với 97% người ủng hộ sau cuộc trưng cầu dân ý.
Khi vừa nhậm chức, ông Assad được xem là lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ của các nước Ả Rập, người có thể mang lại sự thay đổi cho Syria, cho khu vực đầy rẫy những nhà độc tài lớn tuổi. Ông được giáo dục tốt, nhiều người tin rằng ông có thể thay đổi chính sách cứng rắn dưới thời cha mình để làm đất nước hiện đại hơn.
Từ một sinh viên ngành y không có ý định theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông al-Assad được dọn đường để trở thành tổng thống Syria - Ảnh: AFP
|
Tổng thống Syria khi đó nhấn mạnh rằng dân chủ là công cụ cho một cuộc sống tốt hơn. Trong năm đầu tiên làm tổng thống, ông Assad hứa hẹn về cuộc cải cách chống nạn tham nhũng trong chính quyền, đưa Syria đến với công nghệ máy tính, internet và điện thoại di động của thế kỷ 21. (Dưới thời ông Hafez, quyền truy cập các phương tiện hiện đại như máy fax, internet đều bị cấm vì bị cho là phương tiện làm suy yếu chính phủ của ông, theo New York Times.)
Kinh tế Syria khi ấy đang trong tình trạng tồi tệ. Syria mất đi nguồn trợ cấp từ Liên Xô sau khi khối này tan rã năm 1991. Bên cạnh đó là cuộc suy thoái trầm trọng giữa những năm 1990 do nguồn thu từ dầu mỏ bị tiêu xài lãng phí vào quân đội. Tuy nhiên đến năm 2001, Syria cho thấy những dấu hiệu về xã hội hiện đại, điện thoại di động, truyền hình vệ tinh, nhà hàng và quán cà phê internet thời thượng có mặt tại nước này.
Nhưng đó chỉ là một chút ít lạc quan trong nền kinh tế còn nhiều khó khăn do nhà nước kiểm soát. Những cải cách kinh tế mà ông Assad đã hứa không thấy đâu. Tình trạng thừa thãi quan chức và nạn tham nhũng khiến những lời hứa ấy càng khó thực hiện. Còn ông Assad thì dường như chẳng thể tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống cần thiết để đưa 17 triệu người Syria đến với thế kỷ 21.
Về đối ngoại, ông Assad gặp lại những thách thức mà người cha vấp phải: mối quan hệ biến động với Israel, can thiệp quân sự tại Lebanon, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ về quyền sử dụng nguồn nước… Hầu hết các nhà phân tích dự đoán rằng Assad sẽ lại tiếp tục chính sách đối ngoại của người cha, hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm vũ trang như Hamas, Hezbollah mặc dù Syria vẫn chính thức phủ nhận điều này.
Sau khi bị cáo buộc có liên qua đến vụ ám sát cựu thủ tướng Lebanon, Syria buộc phải rút quân đội ra khỏi Lebanon, vốn đóng quân tại đây từ năm 1976 sau cuộc nội chiến. Cáo buộc này đã khiến người dân Lebanon nổi giận, cùng với đó là áp lực từ cộng đồng quốc tế; mối quan hệ của Syria với phương Tây và nhiều nước Ả Rập trở nên xấu đi sau sự kiện này. Người bạn còn lại của Syria trong khu vực dường như chỉ còn lại Iran.
Trong gần một thập niên, ông Assad thực hiện chính sách cứng rắn với những người bất đồng chính kiến. Lệnh cấm đi lại được mở rộng nhằm ngăn chặn những người bất đồng về nước hoặc xuất ngoại. Năm 2007, quốc hội Syria thông qua luật quy định phải đăng tải công khai tất cả những bình luận trên các diễn đàn. Năm 2008 và 2011, các trang mạng xã hội như YouTube và Facebook bị khóa. Các tổ chức nhân quyền thường nói rằng những chính trị gia chống chính quyền Bashar al-Assad thường bị tra tấn, cầm tù và giết hại.
Đất nước Syria đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài dưới thời ông Assad - Ảnh: Reuters
|
Cuộc nội chiến toàn diện
Sau các cuộc thay đổi chế độ thành công ở Tunisia, Ai Cập và Libya, các phong trào biểu tình đòi cải cách tại Syria cũng nổi lên vào ngày 26.1.2011 và nhanh chóng lan rộng. Các cuộc biểu tình nhằm kêu gọi khôi phục nhân quyền, kết thúc tình trạng khẩn cấp được ban bố từ năm 1963. Đến tháng 5.2011, quân đội Syria đáp trả bằng các cuộc đàn áp bạo lực tại Homs và Damascus. Một tháng sau, ông Assad hứa mở cuộc đối thoại quốc gia và bầu cử quốc hội mới nhưng chẳng có gì thay đổi. Tháng 6.2011, phe nổi dậy lập Hội đồng quốc gia để đấu tranh.
Cuối năm 2011, nhiều nước kêu gọi ông Assad từ chức và Liên đoàn Ả Rập khai trừ Syria, những điều này khiến chính phủ Syria đồng ý cho phép các quan sát viên Ả Rập vào nước để theo dõi. Tháng 3.2012, Liên Hiệp Quốc vạch ra kế hoạch hòa bình do Tổng thư ký Kofi Annan khởi xướng nhưng không ngăn chặn được bạo lực.
Tháng 6.2012, Liên Hiệp Quốc tuyên bố xung đột tại Syria đã trở thành một cuộc nội chiến toàn diện. Mỗi ngày, vẫn có nhiều người thương vong. Phe nổi dậy tố chính quyền Assad giết hại dân thường trong khi chính quyền phản bác lại, cho rằng các vụ giết người bị dàn dựng hoặc có bàn tay từ bên ngoài nhúng vào.
Năm 2013, ông Assad bị phương Tây lên án mạnh mẽ với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học với dân thường, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ. Sự chú ý của quốc tế cũng chuyển dần từ ông Assad sang tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi nhóm này trỗi dậy và xâm chiếm nhiều vùng tại Iraq và Syria từ giữa năm 2014.
Cho đến nay, một số nước phương Tây vẫn đang tìm ra giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria cùng chế độ của ông Assad.
Bình luận (0)