Tỉnh Bình Phước đã thành lập Ban điều hành đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm (gọi tắt đề án 103). Do không có nguồn kinh phí để triển khai nên đề án gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án 103 ở cấp huyện, thị xã chưa được tổ chức...
|
Chưa điều tiết được ngành nghề
Theo Tỉnh đoàn Bình Phước (đơn vị chủ trì phối hợp triển khai đề án 103), bằng việc chủ động lồng ghép đề án 103 vào các chương trình việc làm khác; trong năm 2012 cơ quan này đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 thanh niên, trong đó có 7.349 thanh niên là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, đào tạo nghề cho 5.632 thanh niên, trong đó có 1.520 thanh niên là người dân tộc thiểu số. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như cạo mủ cao su, chăn nuôi gia súc - gia cầm, nghề mộc, sửa xe máy…
|
Anh Trịnh Xuân Cường- Bí thư Xã đoàn Long Bình (H.Bù Gia Mập), chia sẻ: “Đề án cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội hóa về công tác đa dạng hóa các loại hình đào tạo, ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, phương thức đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và đặc thù nhu cầu việc làm của từng địa phương. Do đó, sau khi tốt nghiệp, phần đa thanh niên không xin được việc hoặc làm việc theo mùa vụ, hết mùa vụ lại đôn đáo tìm việc”. Đại diện Ban điều hành đề án 103 tỉnh Bình Phước cũng thừa nhận, công tác đào tạo nghề của tỉnh chưa chủ động trong việc điều tiết ngành nghề tại địa phương; ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm cho đông đảo thanh niên và chưa chú trọng đến tính chất công việc lâu dài, có tính định hướng. Do đó, về lâu dài sẽ làm mất cân bằng lao động giữa các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề
Anh Trần Công Hiệp, chủ Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thành (H.Bù Đốp, Bình Phước) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang thiếu nhân công. Nếu nhà nước hỗ trợ vốn đào tạo nghề cho DN, thì DN sẵn sàng tiếp nhận nhân công chưa có tay nghề để đào tạo. Sau khi thành thục nghề, số nhân công này được chính DN tuyển vào làm”. Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ của anh Hiệp hiện có 12 nhân công, với tiền lương chi trả mỗi tháng 4-15 triệu đồng/người. Mới đầu, số nhân công này được anh Hiệp tuyển vào làm với tay nghề “điểm không”, nhưng qua một thời gian cơ sở tự đào tạo thì số nhân công này đã thạo việc và cam kết phục vụ lâu dài tại cơ sở.
Cũng theo lý giải của anh Hiệp, nếu được hỗ trợ, DN sẽ cam kết đào tạo nghề và giải quyết công việc khi ra trường. Mặt khác, học viên có cơ hội được học tập ngay trên thực tiễn công việc và tâm lý phấn đấu học tốt (vì họ có việc làm ngay sau khi thạo việc). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có khả năng đào tạo nghề. “Cho nên cần vạch ra tiêu chí và cơ chế ràng buộc khắt khe. Nếu một khi được hỗ trợ vốn, DN phải có trách nhiêm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động”, anh Hiệp đúc kết.
Nhật Văn
>> 44,5 tỉ đồng hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề
>> Đào tạo nghề cho hơn 13 ngàn lao động nông thôn
>> Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và dự án
>> Đào tạo nghề miễn phí
>> Đào tạo nghề kỹ thuật chất lượng cao
>> Đào tạo nghề lại cấp bằng cử nhân
Bình luận (0)