Bất cập trong trùng tu di tích Tây Sơn thượng đạo

11/05/2011 00:01 GMT+7

Dù được đầu tư hơn chục tỉ đồng để trùng tu, nâng cấp nhưng hiện nay cụm di tích Tây Sơn thượng đạo vẫn chưa đâu vào đâu.

Cụm di tích Tây Sơn thượng đạo (tỉnh Gia Lai) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong buổi đầu gây dựng cơ đồ của ba anh em nhà Tây Sơn. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã công nhận quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quần thể di tích này hiện hữu ở các huyện Kbang, Kon Chro, Đăk Pơ, thị xã An Khê. Đặc biệt là hai công trình An Khê đình và An Khê trường.

Không có điện, nước...

Cụ Huỳnh Ngọc Chương (82 tuổi), người đóng vai trò phụng tế (chủ tế) ở hai di tích này từ vài chục năm nay bức xúc: “Hai di tích này dù tôn tạo khá nhiều tiền vẫn không bắc nổi đường điện, nước. Cứ có lễ là phải thuê điện câu từ nhà dân hoặc thuê máy phát điện. Nước phải xách từng can. Riêng An Khê đình khi trùng tu đã làm nền cao hơn nhưng cột vẫn để nguyên khiến khoảng cách giữa mái và nền bị thu ngắn hơn. Bệ thờ cũng không làm bằng gỗ như ngày trước mà thay bằng bệ xi măng”.

Bên cạnh đó, nhiều di tích vốn xuống cấp lại mất dấu dần và có nguy cơ trở thành… truyền thuyết. Chẳng hạn di tích Vườn mít Cô Hầu (vợ Nguyễn Nhạc), với nhiều cây mít cổ thụ đã bị đốn gần như trụi lủi trước đó. Hay Nền nhà ông Nhạc - hồ nước - kho tiền (thuộc huyện Kon Chro) cũng trong cảnh tương tự. Rồi Vườn cam, hệ thống thành lũy cũng chẳng khá hơn. 

 
Một góc An Khê trường sau khi tu bổ, tôn tạo - Ảnh: Trần Hiếu

Làm khó di tích

Năm 2007, từ nguồn ngân sách trung ương với kinh phí 11 tỉ đồng, dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo An Khê trường và An Khê đình do UBND thị xã An Khê làm chủ đầu tư được tiến hành khẩn trương. Nhưng quá trình trùng tu cũng xảy ra không ít vấn đề. Ngay chuyện đơn giản là một tấm bảng dẫn vào di tích cũng không có. Con đường vào di tích thì xuống cấp, bụi bặm. Ông Lê Khắc Thiện - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã An Khê nói: “Hai lần bên thi công phải đập đi một số đoạn tường bao khi triển khai thi công ở An Khê đình do bị mấy cụ bô lão trong hội đồng tế lễ phản đối vì không phù hợp với quần thể di tích như trước kia”.

Còn hạng mục Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo được xây mới với kinh phí trên 4,4 tỉ đồng nhưng công năng sử dụng còn nhiều hạn chế. Kiến trúc được lấy ý tưởng từ nhà rông truyền thống của người bản địa Tây Nguyên nhưng vẫn có cảm giác khô cứng. Ông Lê Khắc Thiện bức xúc: “Công trình gồm tầng trệt và hai lầu nhưng việc xây dựng không hợp lý. Lầu một không có cửa sổ, ảnh hưởng đến quá trình trưng bày, tham quan. Lầu hai thì lại quá nhiều cửa sổ. Nền nhà lại thấp hơn nền đường nên có nguy cơ xuống cấp vì thời tiết…”.

Tệ hơn, hiện vật trưng bày trong bảo tàng khá nghèo nàn về nội dung cũng như chủng loại. Bảo tàng chỉ có một ít tư liệu hình ảnh, vài món đồ như súng, đồ dùng… được xem là có từ thời Tây Sơn. Hiện vật ít ỏi như trên không đủ trưng bày trong một tầng lầu. Và dĩ nhiên, lầu còn lại đành… bỏ trống từ khi bảo tàng hoàn thành từ ba năm nay. Ông Thiện thừa nhận điều đó và nói rằng ngân sách mỗi năm chỉ đủ cho việc trả lương nhân viên trông coi, quản lý, không có tiền để sưu tầm hiện vật. Từ đó dẫn đến thực trạng hiếm hoi khách tham quan, tìm hiểu, khiến công năng sử dụng của bảo tàng đang lụi dần.

Ông Thiện cho biết thêm: “Ở thị xã An Khê đoạn trên đèo An Khê cạnh quốc lộ 19 xây dựng khung bia chỉ dẫn hai ngọn núi Hòn Bình (tên khác của Nguyễn Huệ) và Hòn Nhược (Nguyễn Nhạc) đến nay vẫn dang dở, không rõ xây để làm gì. Tại Miếu Xà ở xã Song An thuộc thị xã An Khê, việc xây dựng bia rất cẩu thả: Phần trên không tô trát, phần đế dang dở, không ốp đá. Bia thì khắc sai thời gian bởi năm nghĩa quân Tây Sơn xuất quân từ đây là 1773 lại khắc thành… 1973. Sau đó, cơ quan chức năng đã cho cắt một miếng đá che chỗ sai ấy”.

Theo những tài liệu để lại, An Khê trường cách đây 240 năm (1771) là “Trường giao dịch”, nơi anh em nhà Tây Sơn giao dịch, tập hợp lực lượng. Còn An Khê đình là nơi đóng sở chỉ huy của phong trào. Hai di tích này cách nhau chỉ vài trăm mét. Từ buổi đầu gầy dựng lực lượng cho đến khi đem quân xuống núi bắt đầu cuộc trường chinh rạng rỡ, hai di tích này có vai trò rất quan trọng.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.