'Bắt chồng' (lấy chồng) vì không có người đi làm rẫy. Thấy bạn bè bắt chồng mình cũng nghỉ học để bắt chồng...
Phần lớn các cô gái trẻ dân tộc Hà Lăng ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đều trả lời như thế khi chúng tôi hỏi vì sao lại 'bắt chồng' sớm thế. Do suy nghĩ giản đơn, các cô gái có độ tuổi từ 15 đến 17 đã nghỉ học để 'bắt chồng'. Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đang khiến các gia đình trẻ con ở xã Rờ Kơi chìm trong nghèo đói.
|
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Sa Thầy 17 km, cách TP.Kon Tum chưa đầy 50 km nhưng xã biên giới Rờ Kơi, được xem là xã khó khăn của huyện Sa Thầy. Trong đợt khảo sát vào tháng 4.2011, xã Rờ Kơi có 43 trường hợp tảo hôn, 8 trường hợp kết hôn cận huyết thống... Những con số trên cho thấy, Rờ Kơi là địa phương có tỷ lệ tảo hôn đáng báo động ở tỉnh Kon Tum.
Phần lớn những trường hợp tảo hôn ở xã Rờ Kơi đều có cuộc sống hết sức khó khăn, hằng ngày đang phải sống chung với cái đói cái nghèo trong ngôi nhà xập xệ. Cưới nhau đã rất lâu nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa biết thế nào là giấy chứng nhận kết hôn; con cái khi sinh ra không được khai sinh, không được chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ khiến chúng ốm nheo ốm nhóc. Vì nghỉ học để bắt chồng nên những cặp vợ chồng này chỉ học hết lớp 8, lớp 7 thậm chí là lớp 6. Không có đất sản xuất, không có nhà để ở những gia đình trẻ con này phải sống chung cùng cha mẹ trong ngôi nhà chật chội.
Hôm tìm đến gia đình Y Hét, A Bưng (chồng của Y Hét) cũng đã làm bạn với ma men, chân tay múa máy, miệng nói lèm nhèm. Còn Y Hét, không thèm để ý đến các động tác của chồng, ra sân ngồi chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm; đứa con gái 1 tháng tuổi có tên là Y Ngọc đang một mình đung đưa trên võng... Khi được hỏi: “A Bưng không đi làm gì à”? Y Hét cho biết: “Mọi ngày, nó đi cuốc cỏ cà phê cho hàng xóm để lấy tiền, mấy hôm nay không có ai thuê nên nó ở nhà uống rượu một mình”... Nhìn cảnh sống của các gia đình trẻ con ở đây, ai cũng ái ngại cho tương lai của họ.
Bà Y Kher, Chi hội trưởng phụ nữ thôn K Ram, cho biết: “Hội phụ nữ thường xuyên phối hợp với cộng tác viên dân số của thôn đi tuyên truyền, vận động không nên tảo hôn nhưng bọn trẻ chỉ… cười. Còn bố mẹ họ thì không ai ngăn cản cả”.
Còn già làng A Híp cười: “Mình cũng đã nhắc nhở gia đình không cho lũ trẻ lấy nhau quá sớm nhưng chúng nó không nghe. Nhiều gia đình còn bảo, ngăn cấm nó sau này nó không lấy được chồng thì khổ. Nghe cũng… đúng nên mình cũng không ngăn cản chúng nữa”.
Gia Hương
>> Bắt chồng" từ tuổi... 13!
>> Nai lưng trả nợ “bắt chồng”
>> Luật tục núi rừng - Kỳ 1: Bắt chồng
Bình luận (0)