Bắt Chủ tịch HĐQT COSEVCO và 6 cán bộ chủ chốt

28/02/2008 23:43 GMT+7

Liên tiếp hai ngày 27 - 28.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có lệnh bắt tạm giam 7 người liên quan đến hàng loạt vụ sai phạm của Tổng công ty xây dựng miền Trung (COSEVCO).

Tất cả 7 người này đều là cán bộ chủ chốt của các công ty con trực thuộc COSEVCO dưới sự điều hành của Trần Xuân Đính - trước đây là Tổng giám đốc, nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng ủy. Được biết, trước đó, vào lúc 15 giờ ngày 27.2, ông Đính đã bị bắt ngay tại sân bay Nội Bài khi vừa từ Đà Nẵng ra. Ba nhân vật tiếp theo bị bắt tại Quảng Trị gồm: Đặng Ngọc Thành (giám đốc) và Hoàng Công Uyên (nguyên giám đốc) Công ty cổ phần xây dựng 78 (nay chuyển sang Nhà máy MDF) và Hồ Sỹ Quảng - kế toán trưởng Nhà máy MDF. Hai nhân vật khác bị bắt tại Quy Nhơn là Lê Chơn (giám đốc), Nguyễn Khắc Thương (kế toán trưởng) Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung (KCN Phú Tài) - trước đây là Công ty cơ khí lắp máy và xây dựng số 5 (thuộc COSEVCO) và Nguyễn Anh Dũng (nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ) bị bắt tại Đà Nẵng.

Sáng sớm 28.2, hai cán bộ công an mặc thường phục thuộc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37) Bộ Công an đi taxi đến trụ sở  COSEVCO từ rất sớm. Cuộc khám xét tại đây diễn ra trong suốt thời gian dài. Cùng lúc đó, một cuộc khám xét khác cũng diễn ra tại nhà của ông Trần Xuân Đính ở số 8 Ba Đình. Hai cuộc khám xét này diễn ra trước sự quan tâm của rất đông phóng viên các báo và người dân. Tuy nhiên, mọi cố gắng để tiếp cận hiện trường của các phóng viên đều gặp sự cản trở của các lực lượng bảo vệ. Sau khi đọc lệnh bắt Nguyễn Anh Dũng tại trụ sở  COSEVCO, Cơ quan CSĐT đã chở ông này về khám xét nhà riêng cũng là trụ sở Công ty cổ phần kỹ thuật - thương mại Diệu Liên ở số 36 Hoàng Hoa Thám. Được biết, do bất đồng với cách quản lý của ông Trần Xuân Đính nên cách đây 2 năm, Nguyễn Anh Dũng đã xin thôi việc để về tham gia cổ phần tại công ty nói trên.

Tất cả 7 đối tượng trên đều bị bắt tạm giam 4 tháng với cùng một tội danh "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng". 

Như Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh trước đây, liên tục nhiều năm, nhiều dự án của tổng công ty bị tố cáo có nhiều khuất tất và có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó tai tiếng nhất vẫn là dự án Nhà máy gỗ MDF COSEVCO tại Quảng Trị. Dự án có số vốn đầu tư ban đầu là 300 tỉ đồng, dự kiến đi vào sản xuất năm 2003, nhưng thực tế nhà máy chỉ mới đi vào hoạt động năm 2005 và số vốn đầu tư đã nhảy lên con số 457 tỉ đồng, tăng 52%. Nghiêm trọng nhất là sự vi phạm về nguyên tắc đấu thầu mà chính Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu kiểm điểm.  


Khám xét nhà của Chủ tịch HĐQT Cosevco sáng 28.2 - ảnh: V.P.T

Không những thế, trong báo cáo kiểm toán tháng 3.2007 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán tài chính năm 2005 (lúc ông Trần Xuân Đính còn làm tổng giám đốc) cho thấy: Việc quản lý tài sản, quản lý nguồn vốn tại một số đơn vị chưa chặt chẽ, một số tài sản không xác định được giá trị thực, kiểm toán xác định giảm giá trị tài sản trên 360 tỉ đồng. Trong đó số liệu tiền vay không khớp với ngân hàng trị giá trên 277 tỉ đồng; Quản lý công nợ không chặt chẽ, nợ đọng kéo dài nhiều năm, nợ phải thu chiếm gần 55% tổng tài sản lưu động và bằng 1,5 lần vốn kinh doanh của đơn vị. Nợ cá nhân kéo dài, nhiều cá nhân nợ lớn nay đã bỏ việc hoặc chuyển đơn vị.

Tại văn phòng tổng công ty, các khoản phải thu nội bộ có số dư trên 215 tỉ đồng, bằng 110% tài sản ngắn hạn và công nợ không có khả năng thu hồi, do các đơn vị trực thuộc lỗ, không có khả năng thanh toán; Công nợ tạm ứng trên 3,6 tỉ đồng; Công nợ cá nhân phát sinh trong nhiều năm nhưng không có biện pháp hoàn tạm ứng gần 3,4 tỉ đồng và nợ không thu được trên 1,5 tỉ đồng. Báo cáo kiểm toán cho biết thêm: Một số đơn vị không còn vốn do kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ phải trả chiếm 96,9% tổng nguồn vốn. Đặc biệt vốn vay chiếm 85% trên tổng nợ phải trả, khó có khả năng thanh toán. Dư nợ vay lớn, hằng năm tổng công ty phải trả lãi vay khoảng 150 tỉ đồng đã làm cho công việc kinh doanh thua lỗ kéo dài... Trong một thời gian ngắn, dưới quyền điều hành của Tổng giám đốc Trần Xuân Đính, 2 chủ tịch HĐQT, 3 phó tổng giám đốc, 1 tổng giám đốc, nhiều giám đốc, phó giám đốc, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật... chủ chốt của các công ty thành viên lần lượt "khăn gói ra đi".       

Không những thế, trong lúc làm ăn thua lỗ, điều hành kém hiệu quả, đơn từ khiếu nại tố cáo kéo dài, Tổng giám đốc Trần Xuân Đính bị kiểm điểm rồi được "thăng chức" lên Chủ tịch HĐQT, quyền Bí thư Đảng ủy (và sau này là bí thư) ngay trong thời gian bị kỷ luật về Đảng và cả chính quyền để tổng công ty tiếp tục "rối như canh hẹ".   Đáng tiếc là những điều này đã không được xử lý rốt ráo. Hậu quả của ngày hôm nay đã được báo trước từ lâu.

Tổ PV Miền Trung 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.