|
TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận định thị trường đang tiếp tục gặp khó khăn khi nhiều dự án giảm giá 5-10%, thậm chí giảm 30% mà vẫn không bán được. Tình trạng này được ông dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm tới.
Theo chuyên gia tài chính Phạm Đỗ Chí, để có thể giải quyết được lượng hàng tồn kho bất động sản (BĐS) hiện nay, giá nhà đất cần phải giảm thêm 30-40%. Một chuyên gia về đầu tư là TS Alan Phan cảnh báo, trong 6 tháng tới, nếu giá BĐS giảm thêm 25-30% thì có thể coi như bong bóng BĐS đã vỡ. Hậu quả là giá nhà đất sẽ tiếp tục “xuyên đáy” thêm khoảng 30%, tình trạng này có thể kéo dài ít nhất là 2 năm. “Dĩ nhiên tôi chỉ muốn nói đến phân khúc chung cư trung bình và cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM. Các loại BĐS khác như: biệt thự, đất nền, nhà phố, căn hộ giá rẻ, nhà đất vùng ven đô, thương mại, văn phòng... sẽ bị ảnh hưởng nhưng cường độ và thời điểm có thể thay đổi ít nhiều”, TS Alan Phan phân tích. Ông cũng cho rằng hy vọng cho thị trường BĐS hiện nay chính là lượng vàng và ngoại tệ trữ trong dân sẽ được đưa vào BĐS. Tuy nhiên vấn đề là việc huy động nguồn vốn này không dễ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng việc khách hàng đang “khủng hoảng niềm tin vào thị trường” chính là khó khăn lớn nhất hiện nay. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang, khủng hoảng niềm tin có thể khiến cho thị trường BĐS tiếp tục thêm lún sâu vào suy thoái. Hơn nữa, lãi suất hiện vẫn còn cao, nền kinh tế chưa phát triển ổn định khiến người dân chưa chịu mở hầu bao mua nhà mặc dù nhu cầu rất lớn.
TS Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng cho rằng khủng hoảng niềm tin là vấn đề chính gây nên tâm lý chờ đợi của cả thị trường. Do đó cần có các biện pháp chung để ổn định tâm lý cho thị trường như: minh bạch hóa thông tin, xây dựng các chỉ số BĐS, thông tin về giá, cung cầu, tình hình diễn biến các phân khúc của thị trường để làm cơ sở tham chiếu cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư đưa ra các báo cáo chung về chi phí giá thành, mức giá của các dự án theo từng khu vực, phân khúc cụ thể để người mua có cơ sở so sánh, đối chiếu giá thị trường và giá trị dự kiến đầu tư của các dòng sản phẩm, tránh trường hợp ước lượng cảm tính và có tâm lý chờ đợi giá tiếp tục giảm theo xu hướng đám đông. Về phía chủ đầu tư nên chủ động công bố thông tin các dự án một cách minh bạch về tiến độ xây dựng, giá bán, lợi nhuận...
Đình Sơn
>> Giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản
>> Tìm giá thực cho thị trường bất động sản TP.HCM
>> Nỗ lực cứu thị trường bất động sản
>> Gỡ "tồn kho, nợ xấu" cho thị trường bất động sản
>> Tọa đàm “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản?”
>> Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
Bình luận (0)