Trong khi đó, người học 4,5 - 5 năm ĐH ở lĩnh vực kỹ thuật với tối thiểu 150 tín chỉ được cấp bằng kỹ sư và 3,5 - 4 năm với tối thiểu 120 tín chỉ được cấp bằng cử nhân.
QUY ĐỊNH CỦA KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia VN. Theo đó, cấu trúc khung trình độ quốc gia có 8 bậc gồm bậc 1 - sơ cấp, bậc 2 - sơ cấp 2, bậc 3 - sơ cấp 3, bậc 4 - trung cấp, bậc 5 - CĐ, bậc 6 - ĐH, bậc 7 - thạc sĩ và bậc 8 - tiến sĩ.
Trong đó, bậc 5 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ và người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 5 được cấp bằng CĐ. Bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ và được cấp bằng ĐH (cử nhân).
Ngoài bằng thạc sĩ được quy định là có trình độ tương đương bậc 7, thì người có bằng tốt nghiệp ĐH tại chương trình đào tạo có khối lượng học tập tối thiểu 150 tín chỉ và đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 cũng được công nhận có trình độ tương đương bậc 7.
Căn cứ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực vào tháng 2.2020), thì người hoàn thành chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT) hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp ĐH) sẽ được cấp bằng kỹ sư.
CÓ SỰ "CHÊNH" NHAU GIỮA HAI HỆ THỐNG
Tuy nhiên trước đó, luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định "sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ CĐ theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường CĐ, cơ sở giáo dục ĐH có đăng ký đào tạo trình độ CĐ xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành".
Đến nay, một số chi tiết trong nội dung này đã không còn phù hợp, chẳng hạn trình độ đào tạo CĐ đã được tách ra khỏi trường ĐH.
Sau khi luật có hiệu lực, dù chưa có thông tư quy định về mẫu bằng tốt nghiệp nhưng số trường đã đưa cụm từ "cử nhân thực hành", "kỹ sư thực hành" vào văn bằng từ năm 2015. Thông tư số 10 năm 2017 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ cũng vẫn chưa đưa danh hiệu này trên phôi bằng.
Phải đến cuối năm 2020, thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 10 năm 2017 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, mới bắt đầu quy định trên mẫu bằng tốt nghiệp CĐ tùy theo ngành, nghề đào tạo để ghi cụm từ "cử nhân thực hành" hoặc "kỹ sư thực hành".
Như vậy, giữa hai hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH có sự "chênh" nhau khi cùng là cử nhân, kỹ sư nhưng đối với giáo dục ĐH, "cử nhân, kỹ sư" là tên gọi của bằng cấp; còn với giáo dục nghề nghiệp, "cử nhân, kỹ sư" (dù có thêm chữ thực hành) lại là danh hiệu ghi thêm trên bằng cấp. Và đối chiếu với khung trình độ quốc gia VN thì người tốt nghiệp CĐ (tương đương bậc 5) với số lượng tín chỉ thấp như vậy, cũng không phù hợp để gọi là kỹ sư, cử nhân, dù có thêm chữ thực hành.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng việc sử dụng danh hiệu "kỹ sư thực hành" cho người tốt nghiệp CĐ là hơi "trái khoáy" với khung trình độ quốc gia, vì bằng CĐ chỉ tương đương bậc 5. "Nếu các em tốt nghiệp CĐ ngành kỹ thuật có danh hiệu "kỹ sư thực hành", thì không lẽ sau đó liên thông lên ĐH sẽ được cấp bằng "kỹ sư lý thuyết"? Ngay cả việc kỹ sư thực hành liên thông ĐH được cấp bằng kỹ sư thì cũng rất kỳ cục. Đặt ra tên gọi như vậy để thu hút người học nhưng lại gây xung đột trong hệ thống, thiếu nhất quán với khung trình độ quốc gia", tiến sĩ Vinh nhận định.
NHÀ TUYỂN DỤNG KHÔNG CẦN DANH HIỆU "CỬ NHÂN, KỸ SƯ THỰC HÀNH"
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho biết: "Bộ LĐ-TB-XH quy định số giờ học trình độ CĐ ở khối ngành kinh tế là 1.800 giờ, tương đương 65 tín chỉ; còn khối kỹ thuật là 2.000 giờ, tương đương 75 tín chỉ. Cũng có một số ngành kỹ thuật ở một số trường được xây dựng số lượng tín chỉ nhiều hơn. Tôi cho rằng việc ghi danh hiệu cử nhân, kỹ sư thực hành trên bằng CĐ không phù hợp lắm, dễ gây hiểu lầm với tên bằng cấp của người tốt nghiệp ĐH. Có thể Bộ LĐ-TB-XH quy định thêm dòng chữ này nhằm thu hút tuyển sinh".
Theo vị hiệu trưởng này, dù danh hiệu là cử nhân hay kỹ sư thực hành thì cũng không làm giá trị của tấm bằng tăng lên, vì khi vào doanh nghiệp (DN), bậc lương và vị trí việc làm của "cử nhân, kỹ sư thực hành" vẫn khác với cử nhân, kỹ sư ĐH. "Danh hiệu kỹ sư thực hành càng trở nên khập khiễng với khung trình độ quốc gia, khi nhiều em tốt nghiệp THCS đi học trung cấp sau đó liên thông lên CĐ, cũng được gọi là "kỹ sư thực hành", trong khi kỹ sư là bằng cấp dành cho người tốt nghiệp THPT hoàn thành chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức tối thiểu 150 tín chỉ", vị hiệu trưởng nhận định.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty điện lạnh Gia Nguyễn, nhận định: "Khi tuyển dụng, các DN ghi "tuyển kỹ sư" nghĩa là tuyển người tốt nghiệp các ngành kỹ thuật trình độ ĐH. Còn với người tốt nghiệp CĐ, DN cũng không gọi là kỹ sư và dù bằng cấp có ghi danh hiệu là kỹ sư thực hành thì cũng không nằm trong nội dung "tuyển kỹ sư" mà chúng tôi đang nhắm đến".
Tuy nhiên theo ông Thanh, người tốt nghiệp CĐ không cần danh hiệu cử nhân, kỹ sư thực hành thì vẫn được nhiều DN đến tận trường tuyển dụng vì nhu cầu nhân lực trình độ CĐ của DN rất lớn. "Hơn nữa, nhiều em tốt nghiệp CĐ nhưng năng lực làm việc cực tốt, lương vẫn cao và có cơ hội thăng tiến. Thực tế DN không còn coi trọng bằng cấp hay danh hiệu trên bằng cấp, mà họ nhìn vào năng lực làm việc thực tế để tuyển dụng", ông Thanh chia sẻ.
Nên chỉnh sửa để không gây nhập nhằng
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, trên thế giới, tốt nghiệp CĐ nếu là ngành kỹ thuật thì vào DN gọi là kỹ thuật viên, một vị trí việc làm nằm giữa người lao động trực tiếp (công nhân) với kỹ sư. "Ở VN cũng vậy, trước đây người tốt nghiệp CĐ, trung cấp ngành kỹ thuật khi đi làm gọi là kỹ thuật viên. Với tên gọi kỹ sư thực hành thì không biết xếp vào vị trí nào".
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định không đồng tình với việc học 2 - 2,5 năm, được cấp bằng CĐ mà lại ghi danh hiệu kỹ sư thực hành, và cho biết: "Việc lạm dụng danh hiệu kỹ sư để tuyển sinh là không nên. Bộ LĐ-TB-XH nên điều chỉnh nội dung này trên bằng tốt nghiệp CĐ để không gây nhập nhằng về cách gọi".
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng bằng kỹ sư ĐH là chương trình đào tạo có thời gian học dài, tính ra thời lượng thực hành lên tới 70 - 80 tín chỉ, cao hơn chương trình CĐ rất nhiều. "Để có sự thống nhất với khung trình độ quốc gia và tránh nhập nhằng giữa hai trình độ CĐ với ĐH thì bằng tốt nghiệp CĐ nên bỏ cụm từ "cử nhân thực hành", "kỹ sư thực hành"", tiến sĩ Nhân chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cũng đồng tình về việc trên bằng cấp chỉ cần ghi "bằng tốt nghiệp CĐ" như trước đây. "Giá trị của tấm bằng nằm ở chất lượng đào tạo chứ không phải thêm danh hiệu "na ná" ĐH. Chưa kể khi tuyển dụng, DN cũng dựa vào năng lực người học chứ không dựa vào danh hiệu", vị này khẳng định.
Bình luận (0)