Bất hợp lý trong “chương trình tiên tiến”

24/10/2010 22:12 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, hiện Nhà nước đầu tư 860 tỉ đồng để thực hiện chương trình tiên tiến (CTTT) ở một số trường ĐH. Tuy nhiên, sau 4 khóa đã xuất hiện những bất hợp lý trong việc phân bổ ngân sách.

Trên nguyên tắc, Bộ GD-ĐT phân bổ kinh phí đầu tư vào các trường như nhau không phân biệt ngành nghề đào tạo. Với số tiền hỗ trợ từ ngân sách, các trường chi mua bản quyền CTTT từ  nước ngoài, biên soạn lại giáo trình; xây dựng chương trình cho phù hợp với điều kiện VN; bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; chi cho nghiên cứu khoa học; kiểm định chương trình, thuê giáo viên nước ngoài... Tuy nhiên, dù được đầu tư như nhau nhưng các trường lại thu học phí rất khác nhau.

 
 Lớp học thuộc chương trình tiên tiến tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Đ.N.T

 Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì mức thu học phí do các trường tự quy định, phụ thuộc vào các ngành đào tạo, đặc điểm vùng miền. Vì vậy, hiện có trường thu mức rất thấp, có trường lại thu rất cao. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thu như chương trình đại trà. ĐH Huế không thu học phí. Trong khi đó trường ĐH Ngoại thương thu từ 25-28 triệu đồng/năm; ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm thứ nhất thu khoảng 14 triệu đồng, từ năm thứ hai trở đi thu hơn 25 triệu đồng; ĐH Bách khoa TP.HCM tăng từ 11,5 triệu đồng ở năm thứ nhất lên 19,5 triệu đồng năm sau...

CTTT là hình thức các trường mua chương trình đào tạo của các ĐH có uy tín trên thế giới về triển khai giảng dạy tại đơn vị mình. Đến nay, đã có 23 trường ĐH trong nước hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới để triển khai thực hiện 35 CTTT. Nguồn kinh phí để thực hiện gồm phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn lực khác do nhà trường huy động. Mỗi CTTT được cấp kinh phí cho ba khóa đào tạo đầu tiên. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm 2008 - 2015.

 Một thực tế là những trường đào tạo ngành hấp dẫn thì dù có thu học phí cao SV vẫn vào rất đông. Trong khi có trường dù không thu học phí nhưng lại không tuyển đủ SV. Như vậy việc Bộ đầu tư đồng đều cho các chương trình đào tạo này là một bất hợp lý. Tại hội nghị sơ kết thực hiện đào tạo CTTT vừa qua, một số đại biểu đã lo ngại về vấn đề này. Ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Ở ĐH Bách khoa, CTTT ngành Khoa học vật liệu chỉ lấy học phí bằng mức của chương trình đại trà nhưng SV vẫn không vào. Trong khi các chương trình khác có mức học phí cao gấp 3 lần SV vẫn đông. Vì vậy, sẽ rất khó cho các trường đào tạo những ngành mà SV không thích vào”. Ông Đinh Văn Chỉnh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp 1 cũng nói, trường ĐH Nông nghiệp 1 đang thu học phí ở mức 6 triệu đồng/năm mà cũng cảm thấy khó khăn vì SV của trường hầu hết ở vùng nông thôn. Trong khi nhiều trường khác thì lại thu mức học phí cao hơn nhiều.

Tham dự hội nghị, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ GD-ĐH, giải thích:  “Mục tiêu của CTTT không phải là đào tạo ngành hấp dẫn để thu học phí cao. Trong khi phê duyệt chương trình, Bộ GD-ĐT luôn chú trọng đến những ngành khoa học cần cho sự phát triển của đất nước. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015 có khoảng 4.000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo theo các CTTT. Cũng trong năm này, phải có được 1.000 giảng viên ĐH đạt chuẩn khu vực và quốc tế; 100% số giảng viên giảng dạy lý thuyết trong các CTTT đạt trình độ tiến sĩ”.

Bà Hà cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ những trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản cần cho sự phát triển của đất nước nhưng khó thu hút người học. Còn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chính phủ sẽ cân nhắc đầu tư kinh phí từ tài trợ đồng đều sang tài trợ có phân biệt, căn cứ theo điều kiện thực tế của các CTTT”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.