Chiều 23.6, nêu ý kiến về luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ không đồng tình với quy định bắt buộc mua bán bất động sản qua các sàn giao dịch.
Theo ông Hòa, nên để cho hai bên mua bán tự thỏa thuận như hiện hành, hạn chế tình trạng lợi dụng để độc quyền, câu kết với nhau để trốn thuế, làm cho thị trường bất động sản nhiều rủi ro, tăng chi phí cho khách hàng.
Ông cũng kiến nghị, luật có thể quy định khuyến khích các bên mua bán qua sàn bất động sản mà không phải là bắt buộc; đồng thời, quy định rõ sàn giao dịch phải chịu trách nhiệm pháp lý cung cấp thông tin không đủ, đúng cho khách hàng.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng bày tỏ không đồng tình với dự thảo luật khi quy định: "Người đại diện pháp luật của sàn giao dịch bất động sản ký xác nhận giao dịch thành công vào hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, hợp đồng này làm căn cứ để làm các bước thủ tục, theo quy định của các pháp luật có liên quan".
Ông Hòa phân tích, quy định như vậy là đánh đồng giá trị pháp lý của việc ký xác nhận giao dịch của sàn bất động sản với công chứng, tạo sự chồng chéo đối với luật Công chứng hiện hành.
Theo đại biểu, sàn giao dịch bất động sản thiên về các dịch vụ mang tính chất môi giới, làm cầu nối bên bán với bên mua, thậm chí có thể là sân sau của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
"Tôi đề nghị các giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực. Công chứng vẫn còn sai sót, huống hồ là sàn giao dịch bất động sản, sẽ có sự sai sót nhiều hơn. Thiệt thòi sẽ về bên mua, thuê", ông Hòa nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, quy định giấy xác nhận giao dịch qua sàn là cơ sở để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế cho Nhà nước, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất… là "thiếu căn cứ".
Ông Mai phân tích, thứ nhất, sàn giao dịch bất động sản không thể và không nên quy định giá bán làm cơ sở để tính thuế. Bởi lẽ, không thể xác nhận giá bán qua sàn là giá mua bán thực tế của các bên vì chủ thể hoàn toàn có thể khai giá giao dịch qua sàn thấp hơn giá trị thực, hoặc cao hơn giá trị thực vì mục đích trốn thuế, thậm chí là rửa tiền.
Thứ hai, theo ông, cơ sở để các bên đăng ký biến động, sang tên quyền chủ sở hữu đã được quy định cụ thể trong bộ luật Dân sự, luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Công chứng. Trong đó, giao dịch bất động sản phải đảm bảo các điều kiện để được coi là hợp pháp bao gồm tính xác thực, hợp pháp.
"Giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản chỉ bảo đảm rằng thông tin về giao dịch đó là minh bạch chứ chưa thể khẳng định tính xác thực, chưa chứng minh được tính hợp pháp của giao dịch đó", ông Mai nêu, và cho rằng, dự thảo luật đã trao cho sàn giao dịch bất động sản quá nhiều quyền vốn không thuộc chức năng, nhiệm vụ của nó, chồng lấn và xung đột với các luật khác.
"Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định lại cho phù hợp", ông Mai nhấn mạnh.
Bình luận (0)