Trưa nay, 17.9, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã ký quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thường được gọi là điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2020.
Quyết định căn cứ vào kết quả cuộc họp sáng nay của hội đồng tư vấn xét điểm sàn khối ngành sức khỏe cho Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, điểm sàn các ngành y khoa và răng hàm mặt sẽ là 22; điểm sàn các ngành y học cổ truyền, dược là 21; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đều có sàn là 19 điểm. Như vậy, điểm sàn khối ngành sức khỏe năm nay cao hơn 1 điểm so với năm ngoái (so sánh theo nhóm ngành tương ứng).
Đây là những mức điểm sàn khá gây bất ngờ với dư luận, cũng như với chính các trường đại học tham gia đào tạo các khối ngành sức khỏe, kể cả trường ngoài công lập. Trước khi hội đồng tư vấn họp, lãnh đạo nhiều trường khối y dược cho rằng, do phổ điểm các tổ hợp toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh năm nay đều cao hơn năm ngoái, nên điểm sàn khối ngành sức khỏe sẽ có sự chuyển dịch tương ứng. Mức tương ứng này được hiểu là cao hơn từ 2 đến 3 điểm.
Một lãnh đạo trường đại học ngoài công lập do e ngại Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mức điểm sàn lên quá cao (vì số lượng thí sinh đạt tổng điểm 25 - 26/3 môn khá lớn) còn đề xuất là nên đặt điểm sàn “vừa phải”, nghĩa là chỉ cần 24 điểm/3 môn với các ngành đào tạo bác sĩ.
Còn GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cũng đã phát biểu: “Vì yêu cầu về chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe cao hơn các ngành khác, nên Bộ GD-ĐT mới đặt vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tức điểm sàn, với khối ngành này. Vì thế, điểm sàn chỉ có ý nghĩa nếu nó cao hơn mức điểm trung bình mà thí sinh năm nay đạt được”.
Năm nay là năm thứ 2, Bộ GD-ĐT thực hiện việc đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng xét tuyển sinh với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
Bình luận (0)