Bát nháo chất lượng gạo đặc sản

11/03/2011 08:24 GMT+7

Thời gian gần đây tình trạng pha trộn các loại gạo thường với gạo đặc sản, dùng hương liệu tẩm ướp vào gạo để bán giá cao đang làm đau đầu các bà nội chợ ở Hà Nội.

Cũng là loại gạo “đặc sản” Bắc Hương với giá 15.000 đồng/kg mọi khi mua ở cửa hàng quen về nhưng lần này khi đem nấu chị Nguyễn Thanh Huyền (Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lại phát hiện nhiều điểm bất thường.

Hạt gạo không đều nhau, màu có phần đục hơn, nấu lên không được thơm và hạt cơm không còn được dẻo, khi ăn có phần nhạt hơn trước. Ra cửa hàng bán gạo phàn nàn, chị Huyền nhận được lời giải thích của chủ cửa hàng rằng, “vẫn loại Bắc Hương mọi khi em lấy, người ta chở cho chị cả bao, chị đổ ra thế nào thì bán thế, chứ có dám bán sai đâu, chắc là nhà em ăn lâu một loại nên nó mới thế thôi”, chị Huyền kể.

Cũng giống nhà chị Huyền, gia đình chị Trần Thanh Tâm (trú tại khu Mễ Trì hạ, H.Từ Liêm) sau một thời gian ăn loại gạo  đặc sản Tám Hải Hậu mua tại cửa hàng quen phát hiện có vấn đề đã chuyển sang ăn loại gạo Tám Điện Biên nhưng cũng chỉ chưa đầy hai tháng sau chị lại tiếp tục phát hiện: “Lúc đầu hạt gạo mua về trong, bóng mà rất đều hạt, lúc nấu rất thơm, ăn dẻo cơm nhưng càng về sau mình lại càng thấy hạt gạo cứ vẩn đục dần mà lúc nấu cơm dần mất mùi, ăn không đậm, cơm cũ chỉ sau vài tiếng đã cứng đơ và nhanh thiu, ra hỏi chủ hàng gạo thì họ cứ chối đây đẩy, bảo không trộn gì cả”, chị Tâm bức xúc.

 
Cần phải hết sức cẩn thận khi chọn mua các loại gạo đặc sản - Ảnh: Thành Chung

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, có không ít các bà nội trợ khác lại gặp phải tình trạng, khi mua các loại gạo đặc sản như Tám Xoan, Nàng Hương… lúc đầu có mùi rất thơm nhưng khi về nấu thì không còn giữ được mùi thơm hoặc để cất trong thùng vài ngày thì mùi thơm bị mất dần.

“Lúc mới mua về đến chồng mình còn phải khen mới là gạo mà đã thơm thế này thì nấu lên chắc phải thơm ngon lắm, thế mà mới cất trong thùng được hai ngày mùi cứ mất dần đi, lúc nấu thì chẳng còn thấy mùi thơm của cơm bay lên”, chị Thanh Dung (trú ở Mai Dịch, Cầu Giấy) cho hay.

Lý giải về tình trạng này, chị Tiến, chủ đại lý gạo Mạnh Tiến (Từ Liêm) cho rằng, việc mua một loại gạo đặc sản ở cùng một đại lý nhưng chất lượng nấu lên không hề giống nhau rất có thể là do các chủ cửa hàng đã lợi dụng lòng tin của khách quen để pha trộn các loại gạo thường vào gạo đặc sản để bán giá cao.

“Các loại gạo đặc sản thường được sản xuất rất kỹ, hạt gạo trong, dài hoặc tròn hạt, bóng, hạt cứng đều nhau, khi bẻ ra rất khó và không bị vụn vì vậy khi mua các loại gạo đặc sản mà không thấy như thế thì phải xem lại vì rất có khả năng họ pha trộn thêm gạo khác, chất lượng kém hơn”, chị Tiến chia sẻ.

Còn anh Luận, chủ đại lý gạo Luận Hà (Q.Thanh Xuân) cho biết thêm, sở dĩ hạt gạo mua về rất thơm nhưng khi nấu hoặc để lâu không còn thơm rất có thể là do nhiều cửa hàng đã dùng các loại hương liệu để ướp hương thơm lên hạt gạo nhằm đánh lừa người mua.

“Gạo đặc sản như Bắc Hương, Tám Hải Hậu… có mùi thơm nhưng không phải là mùi thơm quá nồng mà là thơm cám thoang thoảng rất hấp dẫn, hạt cơm nấu lên mềm, thơm, đậm và để lâu bị ôi thiu”, anh Luận bảo. Cũng theo chị Tiến, để tránh hiện tượng mối mọt nhiều cửa hàng đã dùng các loại thuốc diệt côn trùng trộn vào hoặc đặt bao gạo lên lớp thuốc.

“Vì vậy người tiêu dùng nên chọn mua ở các đại lý gạo có uy tín, khi phát hiện có vấn đề lạ trước và sau khi nấu lên hoặc mùi thơm nồng quá mức trong gạo thì nên bỏ đi, không nên tham mà nấu lên ăn, để tránh cho việc các phụ gia trộn vào gạo gây hại cho sức khỏe”, chị Tiến khuyến cáo.

Thành Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.