Bát nháo nhạc chờ

29/08/2009 13:12 GMT+7

Đó là những đoạn nhạc chờ điện thoại di động mà nếu phải nghe, người ta không thể không sốc như: “Anh mong sao em die cho mau”, “Thuê bao đang thèm thịt chó”, “Thuê bao đang chơi với heo”, “Em như cục thịt trôi sông. Anh như con phốc chạy rông trên bờ”...(!)

Ðã qua rồi thời các nhà cung cấp dịch vụ download nhạc chuông cạnh tranh bằng những tác phẩm cổ điển, các ca khúc thịnh hành. Xu hướng ngày càng nở rộ là nhạc chế và nhạc sốc.

Vài năm trước, khi khả năng kỹ thuật còn hạn chế và sức cạnh tranh chưa quá gay gắt, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tải nhạc chủ yếu khai thác mảng nhạc chuông (nhạc thông báo cuộc gọi cho chủ máy).

Song cùng với sự phát triển của các thế hệ điện thoại mới, khả năng tương tác giữa các thiết bị, sự tiến bộ của công nghệ, mảng nhạc chuông đã dần trở thành phần phụ. Nhà mạng chuyển sang kinh doanh nhạc chờ (tín hiệu người gọi sẽ nghe trong lúc chờ người được gọi nhấc máy) bởi đến nay khách hàng chưa thể tự tạo nhạc chờ mà phải qua tổng đài.

Trong cuộc cạnh tranh ấy, nhà cung cấp nào đưa ra được những đoạn nhạc sốc nhất, mới nhất sẽ có cơ hội thu được lợi nhuận cao nhờ món hàng độc của mình. Ngày qua ngày, "đô" của các bản nhạc chờ càng tăng và sự nhố nhăng, phản cảm cũng từ đấy "đè" lên công chúng.

Thuê bao đang chơi với heo (!)

Trên website imuzik.com.vn của Viettel Telecom (thuộc Tổng công ty Viễn thông quân đội), ở phần Nhạc chuông sáng tạo, khách hàng có thể chọn nghe và tải về máy những đoạn nhạc chuông như Anh yêu em thân xanh xao, Tuyên ngôn đàn ông, Xẩm vay tiền... với những lời lẽ như "Anh mong sao em die (chết) cho mau. Em die mau anh mới mau giàu" (chế lại từ bài Diana), "Bọn thực dân đàn bà đã ngang nhiên áp bức bóc lột chúng ta từ năm trăm đến một ngàn đồng để ăn quà vặt", "Cho tôi mượn một ngàn, ngày mai đưa ngàn mốt" (ca khúc Cho tôi được một lần, sáng tác Bảo Thu).

Website funring.vn của MobiFone cũng không kém cạnh khi giới thiệu với khách hàng những đoạn nhạc chuông như 10 chiêu của các cầu thủ bóng đá (kéo áo, ăn vạ, vờ ngã...), Anh khắc tên em lên đùi gà, Thằng Bờm thời hiện đại (đổi quạt lấy chân dài)... Cũng đóng mác "sáng tạo", dịch vụ Ringtune của Vinaphone giới thiệu những sản phẩm như Thuê bao đang chơi với heo, đấu kiếm với Bin Laden, nằm trong máy giặt, đi chơi với David Beckham, Thúy Kiều hacker...

Không có lợi thế về tổng đài nhắn tin có sẵn, Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến 24h (website nhacchuong.24h.com.vn) tung ra các sản phẩm nhạc chế như Ngồi bên em đánh rắm, Nhạc chế trong tù, Mối tình bê đê, Ðêm 30 đụng ông già... mà lời lẽ có thể xếp vào hàng cực kỳ nhảm nhí như "Yêu em không biết để đâu, để trên tấm thớt lấy dao chặt đầu", "Dù rằng đau nhưng không dám la, sợ ông già cho anh ăn chổi chà", "Khi biết em mang kiếp cần sa, đêm đêm phì phà thuốc lá trong chuồng gà"... Ðiều lạ là các đoạn nhạc chế trên website của đơn vị này vẫn có hàng ngàn lượt tải với những bình luận "rất hay", "hợp tâm trạng", "chưa nghe là uổng phí một đời âm nhạc" và những lời kêu gọi download.

Trách nhiệm ở nhà cung cấp

Từ góc độ kinh doanh, hành vi của các đơn vị không sai khi có thể giảm chi phí tác quyền ở những sản phẩm tự sản xuất. So với việc trích xuất một ca khúc từ băng đĩa phải trả phí bản quyền cho mỗi lượt download thì một bản nhạc chế không phải trả phí hoặc chỉ trả một lần cho nghệ sĩ thu âm.

Tuy nhiên dưới góc độ pháp luật, việc đặt lại lời với nội dung xuyên tạc cần được cơ quan chức năng chú ý. Với mức giá chung 3.000 đồng cho mỗi lượt download của các chủ sở hữu tổng đài (các đơn vị liên kết định giá 5.000 đồng), việc kinh doanh nhạc chờ gây sốc đã đem lại một nguồn thu không hề nhỏ.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Hoài An nhấn mạnh: "Có những bản nhạc chế nghe chơi cũng vui, nhưng phần lớn nội dung rất tiêu cực, thể hiện phông văn hóa đang xuống cấp của cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn người sử dụng.

Ðiện thoại của anh, nhạc chuông anh nghe có thể là chuyện cá nhân anh, nhưng khi là nhạc chờ và tôi phải nghe thì tôi có thể đánh giá văn hóa của anh qua đó. Một điểm nữa phải chú ý là việc những bản nhạc chế (tức đặt lời mới) chưa được cấp phép phát hành, không ai kiểm duyệt nội dung lại được đưa ra kinh doanh công khai chính là hành vi phạm pháp".

Nói về vấn nạn kinh doanh tin nhắn, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử Lưu Vũ Hải từng nói cái khó của việc kiểm soát hoạt động kinh doanh tin nhắn nằm ở việc quản lý thuê bao trả trước.

Song ở mảng nhạc chuông chờ thì trách nhiệm rõ ràng nằm ở nhà cung cấp dịch vụ bởi khách hàng chỉ có thể tải những đoạn nhạc chờ do nhà mạng sản xuất, kinh doanh. Theo ông Hải, các cơ quan chức năng "đã nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này và đang tổ chức triển khai rất cụ thể để thực hiện".

Nhạc chờ phản cảm!

Tôi là một khách hàng trung thành với mạng Vinaphone gần ba năm qua. Ðiện thoại tôi luôn để chế độ nhạc chờ bởi một giai điệu mà tôi rất thích. Tình cờ truy cập vào trang web của mạng Vinaphone, tôi thật bất ngờ vì Vinaphone có một kho nhạc chờ khá dồi dào và đa dạng ở nhiều thể loại. Và càng bất ngờ hơn khi tôi nghe được những đoạn nhạc chờ rất phản cảm. Chẳng hạn như đoạn nhạc chờ mang tên Yêu là... trong lòng một đống với mã số 502107: "Em ơi, em như cục thịt trôi sông. Anh như con phốc chạy rong trên bờ. Cục thịt thì trôi lập lờ. Anh như con phốc ngồi chờ bên trên. Ðúng là yêu, yêu là ị ở trong lòng một đống. Rồi âm thầm lặng lẽ thả trôi sông. Hôm qua em đi đâu, hôm qua em đi đâu sao để anh chờ lâu? Ðúng là đồ con trâu".

Cô bạn tôi ngỡ ngàng khi nghe đoạn nhạc chờ Thuê bao đang đi chơi với chân dài: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang đi chơi với bảy cô gái chân dài đến nách mà râu nách thì dài đến rốn, râu rốn chưa có tí nào, trên một chiếc phi cơ hạng sang dành riêng cho tổng thống, nói thật là thuê bao bây giờ là đang rất bận. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau nhé". Cô ấy nói: "Thật sự sốc khi nghe đoạn nhạc chờ trên, không biết các nhà đài có kiểm duyệt thông tin khi tung ra những đoạn nhạc chờ quá thô như vậy?".

Không riêng gì mạng Vinaphone, ở những mạng di động khác như MobiFone, Viettel cũng có dịch vụ với những đoạn nhạc chờ mà lời lẽ rất thô thiển. Chẳng hạn như Thuê bao đang say rượu, Thuê bao đang thèm thịt chó, Thuê bao đang thèm bia hay Anh yêu tiền rất nhiều... Ở mạng di động Viettel, với dịch vụ Imuzik thì Thuê bao đang say rượu có 127.362 lượt tải và tặng, còn với Bản tin 113 có 48.192 lượt tải và tặng cho nhau.

Hiện nay với một chiếc điện thoại di động, người sử dụng điện thoại có thể đăng ký dịch vụ nhạc chờ một cách dễ dàng. Việc để chế độ nhạc chờ như thế nào là quyền của cá nhân đó. Nhưng đối với những người khi gọi đến mà phải "bị nghe" những ngôn từ, lời lẽ như vậy quả là một cú sốc mạnh.

Tôi nghĩ rằng không còn sớm nếu không nói là quá muộn để các nhà quản lý văn hóa, các nhà quản lý thông tin nên đưa ra những quy định rõ ràng về biểu diễn, truyền tải thông tin cũng như văn hóa trong kinh doanh dịch vụ. Các mạng di động bởi vậy càng nên tự điều chỉnh, đừng chỉ vì lợi nhuận mà không nghĩ đến những tác hại về sau.

Phạm Văn Dũng (P.7, Q.3, TP.HCM)

Phạm Thành Nhân/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.