Thượng vàng, hạ cám
Sim số đẹp, sim không đẹp nhưng có ý nghĩa đối với người mua... đều có giá trị giao dịch. Chỉ cần lên các trang mạng tìm kiếm với từ khóa “sim số đẹp”, lập tức sẽ xuất hiện muôn vàn địa chỉ cung cấp sim số với đủ mọi giá cả. Trên trang web sodep.xx giá niêm yết các loại sim tứ quý, ngũ quý với số tiền lên đến hàng tỉ đồng/số.
Chủ một website mua bán sim số cho biết: “Mỗi ngày có rất nhiều sim số được khách hằng đăng ký mua, chúng tôi phải cập nhật thường xuyên những số mới về hằng ngày. Về giá cả thì đã niêm yết rõ ràng, thuận mua vừa bán. Chúng tôi cũng vừa mới bán một sim số ngũ quý với giá 3 tỉ đồng”. Thấp hơn một chút, những tam hoa, sim đảo gánh, sim số kép, sim thần tài… đều có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Các đại lý đang thao túng thị trường sim số - Ảnh: Ngọc Thắng |
Để hướng dẫn cụ thể hơn cách thức chọn mua sim, website này thông báo rõ: “Quý khách chọn được sim số nào, vui lòng gọi vào chính sim số đó. Nếu đổ chuông thì chắc chắn sim đó đã được bán đối với mọi mạng. Nếu có tín hiệu “hiện không liên lạc được” thì đối với sim Viettel 80% đã bán, với mạng Vinaphone, MobiFone chắc chắn đã bán. Đối với mọi tín hiệu khác thì số vẫn còn trong kho TP.HCM hoặc Hà Nội.
Trong trường hợp đặc biệt, khách hàng thích những số đẹp, siêu đẹp, siêu đắt, số VIP, kể cả bạn gọi vào là bất kỳ tín hiệu nào thì vẫn có thể mua được vì… nếu có người dùng rồi thì có thể thương lượng để họ bán lại”. Đây cũng là cách mà các cá nhân kinh doanh sim số thực hiện nhiều nhất để săn tìm các số đẹp, sau đó mua đi bán lại để kiếm chênh lệch. Anh V., chủ một sim số “lộc phát” (68) ngụ ở TP.HCM cho biết:
Theo dân trong nghề, các con số được “giải mã” như sau: 1 - chắc (chắc chắn), 2 - mãi (mãi mãi), 3 - tài, 4 - tử, 5 - ngũ (hoặc “ngủ”), 6 - lộc, 7 - thất, 8 - phát, 9 - thừa. Những người săn sim thường chọn các con số 39, 79 (thần tài); 37, 77 (Ông Trời); 40, 80 (Ông Táo); 17, 57, 97 (con hạc - dành cho ai muốn trường thọ). Thậm chí việc ghép các con số lại với nhau cũng thành các ý nghĩa mang tính “tâm linh”, đây cũng là yếu tố để nâng giá trị của sim số điện thoại. Chẳng hạn như con số 456 được “dịch” là “4 mùa sinh lộc”; 01234 là “tay trắng đi lên” hoặc “1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh”, 227 là “vạn vạn tuế”; 2204 là “mãi mãi không chết”; 6868 là “lộc phát lộc phát”; 0578 là “không năm nào thất bát”, 3456 là “bạn bè nể sợ”; 4078 là “bốn mùa không thất bát”. Số này được dân làm ăn rất thích. |
“Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhận được tin nhắn thương lượng bán lại sim đang sử dụng. Nếu không đồng ý bán thì lại có tin nhắn mời mua một số khác giống với số của tôi, chỉ khác mạng hoặc một con số”. D., một dân trong giới mua bán sim số cho biết: “Bất kể sim số xấu đẹp thế nào đều có thể mua đi bán lại được, mức chênh lệch cũng tùy vào sự quan tâm của người mua”.
Nhiều hệ lụy
Ý nghĩa ảo nhưng giá trị thật và sự quản lý lỏng lẻo, thị trường sim số phát sinh rất nhiều vụ lừa đảo. Một khách hàng tên Q. ở Hà Nội bức xúc kể: “Do phải thường xuyên liên lạc với nhiều đối tác khác nhau nên tôi quyết định tậu cho mình một chiếc sim số đẹp. Sau một tuần săn lùng trên mạng và các cửa hàng điện thoại di động, tôi đã tìm ra được cho mình chiếc sim 0943300... dễ nhớ và hợp phong thủy.
Giá chào bán cho chiếc sim này là 8 triệu đồng. Sau khi liên lạc, hẹn gặp và thỏa thuận được mức giá vừa ý, tôi yên tâm trả tiền. Nhưng chỉ sau 2 ngày sử dụng, sim bị tạm ngừng liên lạc. Khiếu nại với nhà mạng, tôi nhận được câu trả lời sim này đã bị khai báo... mất, hủy bỏ và cấp lại cho người khác”.
Những người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực sim số cho biết, cách thức lừa đảo phổ biến hiện nay là giao dịch từ xa qua chuyển khoản, hoặc mua sim mà không đăng ký lại chủ sở hữu. Thậm chí cho dù có đăng ký thì vẫn có thể bị mất sim vì thủ tục khai báo cấp lại sim hiện nay khá lỏng lẻo.
Nhiều người mua hàng bị lừa mua phải sim mới nguyên kít nhưng thực chất đã được kích hoạt bằng một hộp kích hoạt, chỉ cần nhét cả thẻ sim lớn chưa bẻ sim vào và nối với máy di động để kích. Khi người bán chủ tâm lừa đảo, họ sẽ kích hoạt sim bằng thông tin cá nhân của họ và gọi đi 5 - 10 cuộc. Sau khi người mua nhận được sim còn nguyên kit và người bán đã nhận được tiền, họ sẽ lên trung tâm di động khai báo 5-10 cuộc gọi đi gọi đến và lấy lại sim một cách dễ dàng.
Chính vì vậy, với những sim số có giá trị lớn, khi đăng ký trả sau người dùng có thể khai báo đầy đủ thông tin cá nhân. Những thông tin này sẽ làm bằng chứng để người dùng khiếu nại khi xảy ra trường hợp bị mất sim.
Thị trường sim số điện thoại tự phát một cách bát nháo, trong đó đã xảy ra không ít vụ lừa đảo với nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một sự quản lý sâu sát, bắt nguồn từ sự làm ngơ của các nhà mạng. Khi chúng tôi gửi những câu hỏi xung quanh việc kiểm soát mua bán sim số trên thị trường, các mạng đều từ chối trả lời với lý do đây là vấn đề “tế nhị”.
Thực chất do các nhà mạng buông lỏng quy định, các đại lý mới đăng ký được thông tin trước cho sim và ôm những số đẹp, sau đó bán lại cho khách hàng với mức giá hết sức vô lý. Trên thị trường hiện nay, ngoài các sim rác (gồm 11 số), tất cả các sim mới khác khách hàng đều phải trả tiền mới có thể sở hữu được, bất kể số đó có đẹp hay không.
Để việc quản lý thuê bao di động trả trước được thực thi có hiệu quả, cơ quan quản lý đã tính đến khả năng cấm mua, bán sim đã đăng ký thông tin, hoặc cần có quy định sim số sau khi đã đăng ký thông tin nhưng chưa kích hoạt trong bao lâu thì thông tin đã đăng ký sẽ bị xóa, coi như sim “trắng”. Quy định này nếu được thực thi sẽ là một đòn mạnh tay nhằm siết lại việc mua bán sim số bát nháo hiện nay.
Quang Thuần
Bình luận (0)