Bắt tay với ứng dụng công nghệ, nhiều quán ăn được ‘tiếp lửa’ mùa dịch

19/01/2022 08:30 GMT+7

Nhờ cố gắng duy trì hoạt động bằng việc chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu trên ứng dụng công nghệ, nhiều chủ quán ăn đã có thể cầm cự vượt qua dịch Covid-19, ổn định kinh doanh và mở rộng hoạt động.

Vượt dịch nhờ biến nguy thành cơ

Hệ thống cửa hàng Bún Đậu Mắm Tôm Hẻm Đậu của anh Hồ Sỹ Giang Trung gia nhập GoFood của Gojek từ tháng 12.2019 và là một trong những cơ sở kinh doanh đứng đầu doanh số bún đậu mắm tôm trên ứng dụng này. Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM chỉ cho phép kinh doanh mặt hàng thiết yếu, chuỗi hệ thống cửa hàng của anh gần như phải đóng cửa. Không chịu “bó chân”, anh Trung rẽ hướng sang bán các mặt hàng tươi sống như chả cốm quết sẵn, đậu hũ non… để duy trì hoạt động cũng như hỗ trợ nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân.

Anh Trung kể, bản thân không khỏi áp lực trong những ngày đầu vì công việc kinh doanh hàng tươi sống khá mới mẻ, lại không có lợi nhuận do chi phí vận chuyển tăng gấp đôi. Đó là chưa kể khách hàng không thể đến mua trực tiếp mà chỉ có thể thông qua các ứng dụng đặt món trực tuyến, trong khi đó tài xế gặp khó khăn trong việc di chuyển qua các trạm chốt nên đơn bị hủy liên tục. “Thời gian đầu gần như là lỗ. Hàng hóa cũng tồn đọng, hư hao nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng được an ủi vì ít ra có được phần chi phí để lo cho nhân viên khi họ quyết định ở lại cửa hàng đồng hành cùng mình”, anh Trung nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Không chỉ đối mặt với những áp lực tài chính, anh Trung còn vấp phải phản ứng từ gia đình khi mạo hiểm kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Khoảng thời gian đó, để đảm bảo an toàn cho mọi người, anh ở lại cửa hàng cùng nhân viên chứ không về nhà và tự đi chở hàng chứ không dám để nhân viên ra đường.

Nhờ nỗ lực vượt khó mà khoảng thời gian sau đó việc kinh doanh của cơ sở dần đi vào quỹ đạo. So với tháng đầu tiên thì những tháng sau, nguồn thu từ việc kinh doanh hàng tươi sống của anh Trung tăng khoảng 30%. Đối với anh, ngoài những nỗ lực của bản thân thì sự hỗ trợ của nền tảng đặt món trực tuyến GoFood của Gojek đóng vai trò quan trọng trong khoảng thời gian này.

“Thời điểm đó, nếu muốn đặt một cái gì đó, chi phí vận chuyển cũng phải 40 - 50 ngàn đồng, tăng khá cao so với bình thường. Nhưng bên Gojek phí vận chuyển vẫn giữ nguyên mức giá cũ, khá cạnh tranh. Hơn nữa, thời điểm dịch, khách hàng vẫn có mã khuyến mãi nên người dùng đặt đơn nhiều, điều đó giúp chúng tôi có thêm đơn hàng”, anh cho hay.

Trong giai đoạn bình thường mới, công việc kinh doanh đang dần ổn định trở lại. “Trong mùa dịch, người dùng có thói quen đặt online nên số lượng đơn hàng cũng tăng lên. Hiện tại, các ứng dụng có nhiều khuyến mãi, đặc biệt trên GoFood có Vùng freeship hỗ trợ nhà hàng với khách hàng nên doanh thu bên mình khá ổn định”, anh tiết lộ. Chuỗi cửa hàng của anh cũng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như phun khử khuẩn, test Covid-19 cho nhân viên… để đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, anh Trung mong công việc kinh doanh khởi sắc hơn và có thể mở rộng thêm cửa hàng mới để phục vụ người dùng.

Anh Trung và anh Linh vừa được Gojek trao Giải thưởng Đối tác Gojek Xuất sắc 2021

Vùng lên sau giãn cách

Tham gia GoFood từ năm 2020, thương hiệu Kem bơ - Trái cây 251 của anh Lê Đức Linh dần phổ biến với hệ thống hơn chục cửa hàng ở TP.HCM. Vào thời điểm dịch bệnh, anh Linh linh hoạt chuyển hướng sang buôn bán rau củ quả.

Anh Linh chia sẻ, nếu hệ thống kinh doanh đóng cửa, đồng nghĩa với việc có hơn 50 người mất việc. “Người lao động lúc nào cũng phải đối mặt với chuyện ăn uống, chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải hỗ trợ bằng cách tạo công việc cho họ. Tôi đã phải suy nghĩ rất lâu vì kinh doanh giai đoạn này sẽ rất rủi ro, từ việc đi lại, xe cộ, trạm chốt… Nhưng nhân viên cứ hỏi khi nào bán lại, họ mong được đi làm. Từ chuyện đó, tôi quyết định chuyển hướng sang kinh doanh mặt hàng rau củ trong mùa dịch”. Bên cạnh đó, anh Linh cũng muốn người dân có thể mua được thực phẩm trong giai đoạn di chuyển khó khăn.

Những ngày đầu, anh Linh đối mặt với không ít khó khăn, doanh thu không bù nổi chi phí. Song anh Linh nhấn mạnh: “Trong mùa dịch, đối với tôi không bỏ trống mặt bằng, không để nhân viên mất việc đã là đủ”. Xuất phát từ quan điểm đó, anh Linh điều chỉnh giá bán trên ứng dụng Gojek hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng nên được khách hàng ủng hộ nhiều. Anh vui mừng khoe “nhiều khi vừa mở bán trên GoFood một lúc là cháy hàng”.

Để có được thành công này, anh Linh ghi nhận mình nhận được sự giúp sức rất lớn từ Gojek, từ việc cập nhật menu, thay đổi giá cả đến điều chỉnh các chính sách sao cho hợp lý. Theo anh, trong giai đoạn dịch bệnh, hầu hết các khách hàng của anh đều sử dụng Gojek vì chi phí hợp lý, không tăng giá, khuyến mãi tốt. “Nhờ có các hỗ trợ sát sườn của Gojek cùng đội ngũ shipper nhiệt tình, tôi vẫn giữ được mặt bằng cùng toàn bộ nhân viên để có thể trở lại kinh doanh như bình thường ngay sau giãn cách”, anh chia sẻ.

Trở lại với giai đoạn bình thường mới, dù doanh thu vẫn bị ảnh hưởng phần nào song anh Linh vẫn quyết tâm mở thêm nhiều cửa hàng. Với sự đồng hành và những giải pháp hỗ trợ thức thời của các nền tảng đặt món trực tuyến như GoFood của Gojek, anh Linh kỳ vọng số cửa hàng của mình sẽ chạm đến con số 20 trong năm sau.

Vì tinh thần vượt lên khó khăn cùng những đóng góp tích cực cho hệ sinh thái Gojek và cộng đồng xung quanh, anh Trung và anh Linh trở thành 2 trong số 6 đối tác của Gojek vừa được trao giải thưởng Đối tác Gojek Xuất sắc 2021. Đây là giải thưởng thường niên của Tập đoàn Gojek nhằm vinh danh những đối tác tài xế và đối tác nhà hàng có những cống hiến ý nghĩa với cộng đồng, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Gojek, bên cạnh những nỗ lực vươn lên trong hoạt động kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.