Bất thường kết luận vụ phá rừng đặc dụng Thần Sa

Thái Sơn
Thái Sơn
14/09/2018 06:56 GMT+7

Đoàn công tác liên ngành tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra kết luận rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại nhiều điểm với diện tích hơn 11 ha.

Thế nhưng, thay vì đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức phá rừng, kết luận kiểm tra lại đề xuất khẩn trương “hoàn thiện thủ tục” để hợp thức hóa sai phạm.
Liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Thần Sa để tìm vàng (được phản ánh trên Thanh Niên số ra các ngày 26, 27.8 và 5, 9.9), ngày 12.9, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND H.Võ Nhai (Thái Nguyên), cung cấp thông tin cho PV Thanh Niên về kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên, do Sở NN-PTNT chủ trì.
“Cấp bách” vì dân hay doanh nghiệp đào vàng?
Kết quả kiểm tra cho thấy có một con đường bê tông chạy giữa rừng đặc dụng Thần Sa (dài 1.870 m, rộng 4 m), với tổng diện tích khoảng 3,85 ha, trong đó có 3,24 ha là rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất và sử dụng cho ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Theo ông Tiến, con đường nêu trên nằm trong Quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa đã được UBND H.Võ Nhai phê duyệt từ cuối năm 2016 và thực hiện theo phương châm xã hội hóa, nhà nước đầu tư khoảng 500 triệu đồng, còn lại do Công ty đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) đóng góp để làm. Ông Tiến thừa nhận, theo quy định pháp luật về bảo vệ rừng, việc làm con đường nêu trên phải theo trình tự thủ tục như sau: UBND H.Võ Nhai có tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lên Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Thái Nguyên, sau đó trình lên Bộ NN-PTNT và phải được đồng ý cho chuyển đổi.
“Hồ sơ chuyển đổi chúng tôi đã gửi lên tỉnh từ cuối năm 2017, tức đang trong quá trình hoàn thiện. Chúng tôi có sơ suất là chưa được cấp có thẩm quyền cho phép mà đã làm. Tuy nhiên, việc làm đường là rất cấp bách, thiết yếu phục vụ cho người dân chứ không có tư lợi hay lợi ích gì cho doanh nghiệp ở đây cả”, ông Tiến giãi bày.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đường nông thôn mới theo đề án của H.Võ Nhai dài hơn 8 km, từ cửa rừng chạy vào xóm Xuyên Sơn, nơi có khoảng 96 hộ dân với 932 nhân khẩu nằm sâu trong vùng lõi rừng đặc dụng Thần Sa.
Tuy nhiên, đến nay con đường chỉ mới hoàn thiện hơn 1,8 km từ cửa rừng vào điểm khai thác vàng của Công ty Thăng Long. Đoạn đường hơn 6 km còn lại đến xóm Xuyên Sơn vẫn đang là đường dân sinh đất đá lổn nhổn khó đi. Đoàn liên ngành kết luận đường nông thôn mới này được làm trên nền đường cũ, nhưng PV Thanh Niên đã ghi lại nhiều hình ảnh cho thấy đây là một con đường mới hoàn toàn được nắn thẳng. Đáng chú ý, trong phần đường chưa được bê tông hóa đã có hiện tượng bị nhiều máy móc đào bới, móc hẳn cả nền đường, khoét sâu vào vách núi để tìm vàng.
Về vấn đề này, theo ông Dương Văn Tiến: “Thời điểm đoàn kiểm tra đi thực địa không phát hiện máy móc đào đãi vàng nên không ghi nhận vào báo cáo”.
“Gửi thải” lên rừng đặc dụng
Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành cũng cho thấy trong rừng đặc dụng Thần Sa, Công ty Thăng Long đã được cấp phép khai thác mỏ vàng sa khoáng diện tích khoảng 32 ha. Đến nay, doanh nghiệp này vẫn đang khai thác trong chỉ giới cho phép, nhưng đã tiến hành một số hoạt động ra ngoài phạm vi cấp phép và xâm lấn vào rừng đặc dụng.
Cụ thể, Công ty Thăng Long đã xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đền chùa với diện tích khoảng 0,12 ha. Tất cả các diện tích này đều là rừng đặc dụng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đáng chú ý, trong quá trình khai thác, Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) lên diện tích rừng khoảng 5,78 ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác.
Theo ông Dương Quang Tiến, từ năm 2011 UBND tỉnh Thái Nguyên đã chấp thuận cho Công ty Thăng Long được đổ chất thải ra một bãi thải nằm ngoài phạm vi cấp phép khoảng 10 ha, nhưng “do vướng mắc trong việc đền bù nên Công ty Thăng Long đã thỏa thuận với 2 hộ dân để gửi thải lên đó”.
Trả lời PV Thanh Niên việc “gửi thải” ở đây được hiểu như thế nào, Công ty Thăng Long có được phép sử dụng diện tích rừng đặc dụng để chứa chất thải hay không, thì ông Tiến, dù khẳng định là người được UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí, cho biết: “Từ “gửi thải” là do Sở Công thương tổng hợp và nêu trong báo cáo, đây là từ chuyên ngành tôi cung cấp nguyên văn chứ tôi cũng không nắm rõ”.
Hợp thức cho sai phạm?
Theo ông Tiến, sau khi báo chí nêu các dấu hiệu về rừng đặc dụng Thần Sa (thuộc xã Thần Sa, H.Võ Nhai) bị xâm hại, từ cuối tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra. Do lần 1 kiểm tra chưa kỹ nên đến ngày 5.9 và 7.9, UBND tỉnh tiếp tục giao ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT, chủ trì đoàn công tác liên ngành kiểm tra, rà soát lại.
Theo tìm hiểu của PV, trong lần kiểm tra thứ nhất, đoàn liên ngành đã có báo cáo thể hiện diện tích rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại chỉ khoảng 1,7 ha và nhiều kết quả khác không rõ ràng. Tuy nhiên, ở lần kiểm tra thứ hai, con số này đã cụ thể hơn với diện tích tổng cộng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng. Đáng chú ý, mặc dù rừng đặc dụng bị xâm hại nghiêm trọng nhưng theo ông Tiến dẫn báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành đều đưa ra các nhận định do nguyên nhân khách quan là việc quy hoạch rừng đặc dụng có sự chồng lấn, phức tạp. Mặt khác, cũng không có bất cứ hình thức xử lý nào đưa ra ngoài việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan hợp thức hóa sai phạm.
Trong đó, Sở NN-PTNN hoàn thiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng để làm đường, Công ty Thăng Long hoàn thiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác để làm văn phòng và khu tâm linh, đồng thời di chuyển khối lượng đất đá đã “gửi thải” ra khỏi rừng đặc dụng, chậm nhất trước tháng 3.2019.
Rừng đặc dụng Thần Sa nằm trong Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc H.Võ Nhai, được UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập từ năm 1999 với diện tích 11.280 ha. Năm 2007, thực hiện Chỉ thị 38/2005 về rà soát 3 loại rừng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã điều chỉnh lại ranh giới quy hoạch với diện tích hơn 17.600 ha, bao gồm cả khu vực núi đá vôi của 7 xã và 1 thị trấn. Khu bảo tồn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có động thực vật tự nhiên rất phong phú và đa dạng: thảm thực vật có 6 kiểu, loại thực vật có 1.069 loài, 162 họ, 645 chi, 5 ngành, 2 lớp, trong đó có 56 loài trong Sách đỏ VN và thế giới thuộc đối tượng phải bảo tồn. Về động vật có 295 loài, 93 họ, 30 bộ, trong đó có 47 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Ngoài ra còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử - khảo cổ học đặc biệt của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.