Bất thường truyền hình trả tiền

05/04/2014 09:00 GMT+7

Giá dịch vụ tăng cao trong khi chất lượng dịch vụ ngày càng giảm; những nhân tố mới tạo hiệu ứng cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng bị “soi”... là những dấu hiệu bất thường trên thị trường truyền hình trả tiền hiện nay, dẫn đến các “thượng đế” phải chịu thiệt thòi.

Giá dịch vụ tăng cao trong khi chất lượng dịch vụ ngày càng giảm; những nhân tố mới tạo hiệu ứng cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng bị “soi”... là những dấu hiệu bất thường trên thị trường truyền hình trả tiền hiện nay, dẫn đến các “thượng đế” phải chịu thiệt thòi.

 truyền hình trả tiền
Cạnh tranh sẽ tạo cú hích về giá và chất lượng cho dịch vụ  (trong ảnh: Khách đang đăng ký dịch vụ truyền hình K+) - Ảnh: D.Đ.M

   

5 năm, tăng giá 360%

Từ con số thuê bao 79.000 vào năm 2003, đến hết năm 2013 ước tính có gần 6 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (THTT) trên cả nước. Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) Bộ Công thương, tổng doanh thu toàn thị trường THTT đạt tương đương 2,5 tỉ USD vào năm 2012, trong đó doanh thu từ quảng cáo đạt hơn 1 tỉ USD. Nhưng lượng khách hàng ngày càng tăng thì giá dịch vụ lại càng được đẩy lên. Cụ thể, từ mức 30.000 đồng/tháng vào năm 2009, giá dịch vụ này tăng liên tục lên đến 109.000 đồng/tháng hiện nay tại TP.HCM, tương đương tỷ lệ 360% trong chưa đầy 5 năm.

 

Thị trường cần có thêm nhiều nhà cung cấp khác nhau để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình

Một chuyên gia về viễn thông

Việc giá chỉ tăng không giảm của THTT, theo giới chuyên gia là do thị trường này đang bị thống lĩnh bởi một số "ông lớn". Tính hết năm 2012, Đài SCTV chiếm 40% thị phần, VCTC chiếm 30% thị phần. Nếu tính cả thị phần của các doanh nghiệp (DN) mà Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tham gia góp vốn thì thị phần của VTV đã lên hơn 70%. Theo nhận định của Cục QLCT, 3 DN lớn nhất chiếm tới 85% thị phần nên ít có sự cạnh tranh và đó là lý do khi giá tăng, người tiêu dùng phải chấp nhận chứ không có lựa chọn khác.

Kênh bị cắt, sóng chập chờn

Điều đáng nói là giá tăng liên tục nhưng chất lượng các kênh truyền hình thậm chí không được cải tiến mà còn thụt lùi. Một khách hàng của truyền hình cáp SCTV ở Q.1 (TP.HCM) phản ánh trước đây có một số kênh giải trí nước ngoài như ESPN và một số kênh giải trí như MTV, MATV và Celestial Movies (kênh phim Hồng Kông) thì nay không còn nữa; thậm chí các kênh phim nước ngoài như HBO, Star Movies... cũng thường xuyên phát đi phát lại phim cũ, không có phụ đề... Còn theo chị Thanh Lan, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, HTVC thời gian qua đã lần lượt cắt đi kênh âm nhạc MTV, hay Super Sport 3... chưa kể thường xuyên bị mất tín hiệu, hình ảnh mờ. “Khi tăng giá, các công ty truyền hình cáp đều cho biết lý do là bổ sung thêm kênh mới, nhưng các kênh đó đều na ná nhau và đầy quảng cáo nên cũng không có gì hấp dẫn. Mở kênh nào cũng thấy toàn game show. Thật sự chúng tôi chỉ thường xuyên xem được vài kênh quen thuộc mà thôi, chủ yếu là thời sự và một số kênh giải trí nổi tiếng”, chị Lan nói.

 

Khi tăng giá, các công ty truyền hình cáp đều cho biết lý do là bổ sung thêm kênh mới, nhưng các kênh đó đều na ná nhau và đầy quảng cáo nên cũng không có gì hấp dẫn

Chị Lan - Q.1, TP.HCM

Theo đánh giá của Cục QLCT, dù tổng số lượng các kênh truyền hình được phát sóng đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm, nhưng chất lượng và nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu của người xem. Có quá nhiều chương trình trò chơi (game show) và chương trình quảng cáo. Trong khoảng 100 kênh truyền hình hiện có trên mạng THTT, có hơn 70% là các kênh truyền hình nước ngoài. Chất lượng hình ảnh, chất lượng sóng của các nhà cung cấp khá kém, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

Hiệp hội sợ cạnh tranh?

Mới đây, thị trường THTT thực sự nổi "bão lành" khi Viettel đưa ra mức phí chỉ khoảng 85.000 đồng/tháng cho gói HD thử nghiệm ở một số điểm từ 1.3 vừa rồi, tương đương 2/3 giá của các DN hiện nay. Thậm chí, DN này cũng đang để ngỏ thông tin sẽ tung ra gói thuê bao với giá cực kỳ hấp dẫn, chỉ 30.000 đồng/tháng, chưa tới 1/3 giá hiện tại. Sau Viettel sẽ là FPT Telecom. Nhà cung cấp này chưa công bố chi tiết các gói dịch vụ nhưng đã có nhiều đồn đoán “giá sẽ hấp dẫn”.

Sự xuất hiện của Viettel và FPT Telecom lập tức gây hiệu ứng cạnh tranh cao. K+ công bố cơ cấu lại các gói kênh với mức phí đồng nhất là 85.000 đồng/tháng cho gói Access+ và 220.000 đồng/tháng cho gói PremiumHD+ thay vì giá từ 70.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng (tùy thời hạn thuê bao) như trước đây, đồng thời giảm giá đầu thu từ 1,5 triệu đồng xuống còn 990.000 đồng/bộ... Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) cũng khuyến mãi miễn phí cho các ti vi phụ khi khách hàng đăng ký mới (thay vì tính phí thuê bao cho ti vi khác là 33.000 đồng/tháng)...

Theo các chuyên gia, sự tham gia của các DN viễn thông như Viettel, FPT Telecom hay VNPT sẽ tạo ra những cú hích cải tiến không chỉ về giá mà còn về nội dung cung cấp đến người xem. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Hiệp hội THTT lại lo ngại về cuộc cạnh tranh này. Mới đây, hiệp hội này có văn bản kiến nghị Bộ TT-TT nên đưa ra mức giá “sàn” đối với từng gói dịch vụ THTT. Theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội THTT, việc các đơn vị cung cấp như Viettel, FPT... tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ THTT chắc chắn sẽ góp phần và có tác động mạnh đến thị trường, nhưng điều quan trọng nhất là cần quan tâm đến chất lượng chương trình, nội dung chứ không phải “cạnh tranh thiếu minh bạch”. Ông Cường ví dụ: Đối với “gói” dịch vụ truyền hình cáp analog có 60 - 75 kênh chương trình trong nước và nước ngoài mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra mức giá 50.000 đồng/thuê bao/tháng là không hợp lý. Các đơn vị đã tham gia cung cấp dịch vụ THTT từ những năm 2000 - 2010 khi đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông và mua bản quyền phim truyện, thể thao hoàn toàn không thể chịu nổi mức giá cung cấp như thế ngay tại các địa bàn thuận lợi nhất. 

Không đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia về viễn thông phân tích bản chất việc DN viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của họ. “Khi các DN viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua. Đồng thời dịch vụ THTT không phải là một sản phẩm cần thiết phải có sự quản lý về giá của nhà nước. Các DN sẽ tự tính toán và cân đối chi phí của mình để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất. Thị trường cần có thêm nhiều nhà cung cấp khác nhau để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình”, chuyên gia này nói. Còn ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc FPT Telecom, thẳng thắn: “THTT là lĩnh vực giải trí, nhà cung cấp nào đảm bảo được chất lượng dịch vụ tốt nhất với nội dung phong phú, phù hợp chắc chắn sẽ được số đông người tiêu dùng chọn lựa. Tôi cho rằng các đơn vị tham gia sau nếu như chỉ chạy đua về giá mà không chú trọng chất lượng thì sẽ không thành công”.

Thị trường truyền hình trả tiền sẽ phát triển mạnh

Cục QLCT dự báo thị trường THTT tại VN sẽ có phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm được dự đoán khoảng 20 - 25% trong giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, thị trường nông thôn vẫn chưa được hầu hết các nhà cung cấp khai thác và sẽ là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp mới gia nhập mở rộng thị trường. Sự hội tụ giữa truyền hình - viễn thông - dịch vụ internet đang tạo ra sức mạnh đặc thù cho các nhà cung cấp mới, hứa hẹn đẩy miếng bánh truyền hình lớn thêm, phương thức kinh doanh đa dạng hơn nhưng cũng nhiều rủi ro hơn.

Mai Phương

 >> Màu mỡ truyền hình trả tiền
>> Cả nước có 2,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền
>> Hiệp hội Truyền hình trả tiền: Toa tàu sẽ đi đúng ray?
>> Nan giải truyền hình trả tiền 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.