Ở một đất nước mà phương tiện đi lại của người dân phổ biến là xe gắn máy như VN thì hành vi quậy phá đường phố, vi phạm luật giao thông phải được coi là đe dọa giết người và phải được bắt giữ, xử lý nghiêm. Tiếc rằng đến nay, khi mỗi năm đã có cả vạn người chết vì tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng với cách bắt giữ các đối tượng này.
Tại Thanh Hóa, để xử lý những kẻ vi phạm luật giao thông cố tình bỏ chạy, thời gian qua CSGT đã sử dụng nhiều biện pháp như dùng bàn chông, súng bắn sơn đánh dấu, bao tải rơm chặn bắt... nhưng đều không mang lại hiệu quả. Vì vậy việc dùng lưới để buộc dừng xe được coi là giải pháp hữu hiệu. Thực tế, khi tấm lưới được quăng vào bánh sau xe máy, nó làm cho bánh xe bị “trói” dần rồi dừng hẳn. Chính biện pháp này đã xử lý được rất nhiều vụ quậy phá gây tai nạn rồi khi bị truy bắt thì tháo chạy.
Một số người cho rằng cách làm trên là “phản cảm”, tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội mới đây, đại tá Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa, phân tích: "Hiện không có luật nào cấm CSGT làm việc này. Chúng tôi nhận thấy bằng cách nào, phương pháp nào phù hợp, hiệu quả thì áp dụng thôi".
|
Ông Nguyễn Đức Tiến, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về luật giao thông tại một số trường cao đẳng ở TP.HCM, cho rằng hành vi đua xe, cố tình tông xe thẳng vào CSGT là hành động côn đồ và phải bị pháp luật trừng trị. Ông Tiến nhận định việc CSGT Thanh Hóa dùng lưới bắt xe quậy phá là một biện pháp tạm thời nhưng có hiệu quả nhất định. Ở một số nước, đua xe trái phép hoặc lạng lách đánh võng bị liệt vào tội đe dọa tính mạng người khác, còn tội tông thẳng vào CSGT bị xem là có hành vi cố ý giết người. Những tội này có mức hình phạt nặng nên ở các nước rất ít xảy ra tình trạng này.
Cách dùng dây đai gắn kim
Thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, cho rằng có thể áp dụng những cách giống như một số nước ở châu u, Mỹ đã làm. Đối với những khu vực, tuyến đường thường xuyên có những thanh thiếu niên tụ tập xe gắn máy quậy phá, có thể sử dụng dây đai có gắn những chiếc kim để rải trên mặt đường. Xe quậy phá khi cán lên dây đai này sẽ bị những chiếc kim nhọn đâm xì lốp từ từ và buộc phải dừng lại ngay. Ở phía trước cách nơi rải dây đai khoảng 100, 200, 300m phải có các biển cảnh báo bằng đèn tín hiệu, mục đích để cho những người “không phải đồng bọn quậy phá” chú ý, tránh cán phải dây đai này. Đồng thời việc cảnh báo có thể sẽ làm cho những kẻ quậy phá nhìn thấy và dừng xe lại. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát cũng có thể sử dụng loại đai làm cho xe khi chạy lên bị giảm tốc độ và dừng lại. Đai này được rải ở 2 đầu đoạn đường đang có đua xe trái phép, có tác dụng cản trở xe một cách an toàn và có thể bắt giữ những kẻ tham gia gây rối.
Pháp: huy động máy bay trực thăng tham gia Tại Pháp, trong số tai nạn giao thông được thống kê hằng năm, tai nạn có liên quan đến xe máy luôn chiếm tỷ lệ cao do người điều khiển phóng vượt tốc độ cho phép, lạng lách giữa các làn xe, vượt mặt trái phép... trên quốc lộ, đường cao tốc như “cơm bữa”. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm (trực tiếp kiểm tra hoặc qua các máy quay “bắn tốc độ” tự động), cảnh sát sẽ ra lệnh dừng. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vẫn ngoan cố bỏ chạy, đội cảnh sát mô tô đặc nhiệm ngay lập tức được huy động. Nếu cần thiết sẽ được hỗ trợ máy bay trực thăng. Cuộc rượt đuổi có thể kéo dài đến 20-30 km, cho đến khi bắt được người vi phạm. Riêng đối với xe hơi, cảnh sát có thể dùng súng bắn vào bánh xe trong trường hợp tốc độ không quá cao. Theo tờ Sud Ouest, cách đây hơn 2 tuần, cảnh sát ở chốt gác Puilboreau, phía tây nước Pháp đã phải rượt đuổi ở tốc độ hơn 200 km/giờ trong suốt 20 km mới khuất phục được xe mô tô vi phạm. Lan Chi |
Singapore: chặn đầu, bịt đuôi Tệ quậy phá bằng xe gắn máy, kèm theo những trò biểu diễn nguy hiểm trong lúc phóng xe với tốc độ cao trên đường phổ biến ở rất nhiều nước châu Á, như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, thậm chí Singapore. Ở nhiều vùng nông thôn của Indonesia, tệ này diễn ra cả vào ban ngày. Tại Singapore, đoạn đường đôi New Bridge Road và Eu Tong Sen chạy ngang khu Chinatown gần Văn phòng Báo Thanh Niên cũng là đoạn đường mà bọn quậy phá thường phóng qua vào đêm khuya. Theo quan sát của chúng tôi, nếu chúng chỉ gồm 2-3 xe thì việc dùng xe phân khối lớn của cảnh sát đuổi theo, ép vào lề và cưỡng bắt là khá đơn giản. Nhưng đối với đám đông quậy phá, phương cách mà cảnh sát Singapore, cũng như cảnh sát các nước, truy bắt và giải tán là chặn đầu chứ không phải đuổi theo. Thường thì cảnh sát theo dõi và nắm rất rõ lộ trình mà bọn chúng thường đi qua. Sau đó họ chọn đoạn đường vắng, ít hẻm nhánh, thuận lợi cho việc kiểm soát tình hình, để bất ngờ đặt rào chắn ngang cùng xe cảnh sát án ngữ với tín hiệu đèn báo động. Trong lúc một lực lượng cảnh sát hùng hậu đứng ở chốt chặn cũng như đón lõng ở các đầu hẻm, một nhóm khác sẽ đuổi theo sau những kẻ quậy phá và lùa chúng vào đoạn đường đã bị chặn. Khi gặp rào cản, bọn chúng chỉ còn cách quẳng xe bỏ chạy hay quay đầu xe, rẽ vào các con hẻm để trốn thì đã gặp phải sự bủa vây bốn phía của cảnh sát. Thục Minh (Văn phòng Singapore) |
Thanh Niên
Bình luận (0)