(TNO) Ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nói rằng, ông không bỏ ra cả đống tiền để cầu thủ học chỉ vì tấm bằng cử nhân mà bắt buộc phải học đến nơi đến chốn.
>> Nội bộ SLNA 'xào xáo' vì U.19 Việt Nam đá V-League 2015
>> Bầu Đức: U.19 Học viện sẽ 'hút' khán giả đến với V-League
>> HLV Riedl: Không nên để đội U.19 Việt Nam sớm đá V-League
|
Ngày 4.10, các cầu thủ đầu tiên của học viện HAGL JMG Arsenal sẽ làm lễ khai giảng tại Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Lứa cầu thủ đang khoác áo U.19 Việt Nam này sẽ dự lễ khai giảng như các tân sinh viên khác, trước khi bay sang Myanmar tranh tài tại vòng chung kết U.19 châu Á 2014.
Nói về việc liên kết với Trường Đại học sư phạm TDTT để giúp cầu thủ có điều kiện học đại học, bầu Đức bày tỏ: “Khi mở Học viện tôi đã xác định là phải đào tạo cầu thủ có kiến thức, có văn hóa, nếu đá bóng hay mà không có kiến thức, không biết cách sống thì cũng bỏ đi.
Chính vì thế, khi các cầu thủ sắp tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi phải chọn trường phù hợp cho các em. Trường Đại học sư phạm TDTT rất phù hợp với chuyên môn của các cầu thủ, bởi thế chúng tôi đã ký hết hợp đồng đào tạo với trường”.
Việc cầu thủ U.19 sẽ đá V-League vào năm tới, thời gian di chuyển, tập luyện và thi đấu liên tục, nên đã có nhiều lo ngại cầu thủ không có thời gian dành cho việc học.
“Để các em vẫn học tốt mà không ảnh hưởng đến việc phát triển chuyên môn, chúng tôi đã xây phòng ốc với đầy đủ cơ sở vật chất ngay tại Trung tâm Thể thao Hàm Rồng. Các giáo viên sẽ lên đây để dạy cho các em. Các em sẽ được bố trí thời gian học một cách hợp lý nhất.
Tại đây, phòng nghỉ của thầy cô giáo cũng được xây dựng đàng hoàng, tươm tất không thua gì khách sạn, để các giáo viên luôn có điều kiện tốt khi lên đây dạy học”, bầu Đức nói thêm.
|
Ông Đức cũng nói rằng những ai nói cầu thủ ở học viện chỉ học cho có là sai lầm. Tất cả các cầu thủ của học viện đều tốt nghiệp cấp 3 với loại khá trở lên. Nhiều cầu thủ giao tiếp tốt cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
“Cầu thủ học phổ thông thế nào thì học đại học phải tốt hơn. Chúng tôi không bỏ ra cả đống tiền xây trường học, trang bị cơ sơ vật chất, chi phí đi lại cho giáo viên khi lên dạy tại Gia Lai chỉ để cầu thủ học cho có.
Chúng tôi và nhà trường cam kết là việc học và thi cử đều diễn ra nghiêm túc, chất lượng như bất kỳ sinh viên nào khác. Không hề có chuyện châm chước. Các em chỉ được ưu ái một điều duy nhất là học ngay nơi mình tập luyện. Các em học không phải vì tấm bẳng cử nhân, mà học cho chính các em để có kiến thức khi bước ra đời", bầu Đức chia sẻ.
Để các em có vốn sống và quản lý tốt số tiền mình kiếm được, HAGL cũng yêu cầu nhà trường đưa các môn học như: Quản trị tài chính trong thể thao, kinh doanh thể thao… vào giảng dạy trong chương trình học.
Việc liên kết giữa HAGL và Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM sẽ giúp các cầu thủ được đào tạo bóng đá tại đây có cơ hội vừa thi đấu vừa học đại học.
Trong khóa học đầu tiên này, 10 cầu thủ được tuyển thẳng vào trường nhờ thành tích đoạt HCB Đông Nam Á 2013 là: Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Hữu Anh Tài, Lương Xuân Trường, Hoàng Thanh Tùng, Lê Văn Trường, Trần Hữu Đông Triều và Lê Văn Sơn. Ngoài 10 cầu thủ này, còn cò gần 20 cầu thủ khác của học viện và năng khiếu HAGL đã trúng tuyển đại học sau khi thi các môn: toán, sinh học và năng khiếu. Chương trình học của cầu thủ có thể kéo dài đến 7 năm, nhưng HAGL và Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM cố gắng sắp xếp chương trình học trong 4 năm như các sinh viên khác. Việc học này sẽ rất thuận tiện cho các cầu thủ sau này khi muốn làm HLV bóng đá, bởi Tổng cục TDTT Việt Nam cũng đã quy định HLV trưởng các đội tuyển quốc gia bắt buộc phải tốt nghiệp đại học trở lên. |
Quang Huy
Bình luận (0)