Báu vật của người Do Thái: 2 tinh thần đặc biệt tạo nên sức mạnh phục quốc

07/09/2019 19:54 GMT+7

Là một quốc gia lấy nguồn lực nhập cư làm sức mạnh, người Do Thái Israel có 2 đặc tính mà có lẽ ít quốc gia nào có được, đó là tính mạo hiểm và tinh thần dân tộc cực cao.

 
LTS: Không phải tài nguyên hay ngân khố, BÁU VẬT vô giá của một quốc gia chính là trí tuệ và tính cách của quốc gia đó. Dân tộc nào cũng có trí tuệ và tính cách của riêng mình, khác ở chỗ điều đó được kết tinh - truyền lại sâu sắc đến đâu, được ứng dụng nhạy bén - mạnh mẽ mức nào trong công cuộc tiến hóa. Và Israel đã trở thành điển hình bậc nhất về việc sử dụng trí tuệ và tính cách người Do Thái, để trở thành Quốc Gia Khởi Nghiệp kiểu mẫu của nhân loại đầu thế kỷ 21.
Kinh tế Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ với hành trình toàn dân khởi nghiệp - chính phủ kiến tạo, vì vậy, càng cần học hỏi từ câu chuyện thần kỳ mang tên Israel. Đó là lý do vì sao Tập đoàn Trung Nguyên Legend, với "Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu thanh niên Việt" đã chọn "Quốc gia khởi nghiệp" là một trong 5 cuốn sách nền tảng đổi đời đem đi trao tặng, để đem lại sức mạnh tri thức đúng đắn và toàn diện, từ đó chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất tương xứng, tạo nên sức mạnh của quốc gia.
Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây không nằm ngoài mục đích truyền tải đến quý độc giả một cách cô đọng về 10 BÁU VẬT - là trí tuệ và tính cách rất đặc trưng đã được người Do Thái vận dụng để tạo nên cuộc chuyển mình thần kỳ khiến thế giới muôn phần nể phục.
Từ thời lập quốc, Israel đã quan niệm rằng, để nền kinh tế quốc gia thật sự cất cánh cần 3 nhân tố bổ sung gồm: Làn sóng nhập cư mới, cuộc chiến tranh mới và ngành đầu tư mạo hiểm mới.
Israel là quốc gia luôn chào đón sự trở về của người Do Thái trên toàn thế giới. Chỉ cần đặt chân đến Israel ngày hôm trước, ngày hôm sau, họ được công nhận quốc tịch, hưởng đầy đủ mọi quyền lợi như tất cả những người đã định cư lâu năm tại đây.
Gigi Grintein - cố vấn cho cựu Thủ tướng Ehud Barak ở Israel nhận xét: "Người nhập cư không sợ bắt tay lại từ đầu. Họ được định nghĩa là những con người thích mạo hiểm. Quốc gia của những người nhập cư là quốc gia của những người khởi nghiệp".
Là một quốc gia lấy nguồn lực nhập cư làm sức mạnh, người Do Thái Israel có 2 đặc tính mà có lẽ ít quốc gia nào có được, đó là tính mạo hiểm và tinh thần dân tộc cực cao.

Báu vật thứ chín: Tính thích nghi, ưa mạo hiểm

01: Tính thích nghi ưa mạo hiểm của dân nhập cư
Từ trước khi lập quốc, Israel đã đặt lên trên hết mục tiêu trở thành ngôi nhà chung để những người do Thái vong quốc, lưu lạc từ mọi nẻo trên khắp hành tinh trở về.
Năm 1950 (2 năm sau khi nhà nước Do Thái ra đời), Chính phủ Israel đưa ra Luật Hồi quốc, đảm bảo rằng: “Mọi người Do Thái đều có quyền đến với Israel” mà không có hạn ngạch số lượng.
Luật này cũng định nghĩa một người Do Thái là “người sinh ra từ mẹ là người Do Thái, hoặc đã cải đạo sang đạo Do Thái”. Quyền công dân Israel cũng được cấp cho cả vợ hoặc chồng không phải người Do Thái, cho trẻ em không phải người Do Thái và cháu của người Do Thái cũng như vợ hoặc chồng của họ.
Với chính sách Hồi quốc rộng mở này, lịch sử Israel ghi nhận 2 chiến dịch tiếp nhận làn sóng nhập cư rất lớn. Trước hết phải kể đến chiến dịch Moses diễn ra vào năm 1984 đưa hơn 8.000 người Do Thái Ethiopia đến Israel. Độ tuổi trung bình của những người này là 14. Một ngày sau khi đặt chân đến Israel, tất cả đều có quyền công dân.
Nhiều người Do Thái từ Ethiopia khi nhập cư vào Israel không biết chữ, ngay cả tiếng mẹ đẻ, họ cũng không biết đọc, biết viết. Điều này đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế Israel. Nhưng chỉ 7 năm sau chiến dịch Moses, Israel lại tiến hành một chiến dịch không vận khác để đón người Do Thái Ethiopia trở về ngôi nhà chung của dân tộc Do Thái - đất nước Israel.
Năm 1990, chính phủ Israel và các lực lượng phòng thủ Israel đã khiến thế giới bất ngờ khi chỉ trong 36 tiếng, 34 chuyến bay thẳng IAF C-130 đã chở 14.500 người Do Thái từ Ethiopia đến Israel. Họ được cấp chỗ ở và lương thực, trao quyền công dân.
Chiến dịch này cũng tạo ra kỷ lục về số hành khách trên một chuyến bay vào ngày 24.5.1991 khi một chiếc Boeing 747 của El Al chở 1.122 hành khách đến Israel nhưng hàng chục đứa trẻ trốn trong áo choàng của mẹ chúng.
Gần một nửa số người trưởng thành Ethiopia từ 25 đến 54 tuổi không có việc làm, và đa số người Israel gốc Ethiopia sống nhờ trợ cấp Chính phủ. Nhiều chuyên gia nước ngoài dự báo, cộng đồng Ethiopia dù được Chính phủ Israel trợ cấp và hỗ trợ hết mực vẫn sẽ không hoàn toàn hòa nhập và tự lập được trong ít nhất là một thập niên nữa.
Tuy nhiên, có lẽ họ đã sai khi nhận định như vậy!
Thực tế, người dân nhập cư đã góp phần tạo ra phép màu kinh tế Israel. Lúc mới lập quốc năm 1948, dân số Israel là 806.000 người. 60 năm sau, con số này là 7,1 triệu người, tức là đã tăng gần 9 lần. Công dân Israel sinh tại nước ngoài chiếm hơn 1/3 dân số cả nước, gần gấp ba lần tỉ lệ tương tự của nước Mỹ. 9 trong số 10 người Do Thái Israel hoặc là dân nhập cư, hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất hay thứ hai của dân nhập cư.
Nếu lời nhận xét rằng người nhập cư cần ít nhất 1 thập kỷ mới hòa nhập được với nền văn hóa, kinh tế - xã hội của Israel thì có lẽ, quốc gia này không thể phát triển thần tốc tới như vậy. Israel đã tăng thu nhập bình quân đầu người từ mức chỉ bằng 25% Mỹ vào năm 1950 lên thành 60% vào năm 1970. Điều này có nghĩa Israel đã tăng gấp đôi tiêu chuẩn sống so với Mỹ chỉ trong vòng 20 năm
Israel giờ đây là nhà của người dân hơn 70 quốc tịch và nền văn hóa khác nhau. Trên đường phố quốc gia này, bạn có thể ăn gần như bất kỳ đặc sản nào, từ Yemen, Nga, Địa Trung Hải cho đến bánh sừng bò Mỹ. Nấu ăn là việc mà hàng lớp người Do Thái nghèo khổ chọn làm khi mới đặt chân đến Israel.
Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, người ta đã thấy dân nhập cư tràn đi khắp nơi. Khi bước chân vào một doanh nghiệp khởi nghiệp hay một trung tâm R&D lớn ở Israel, bạn có thể tình cờ nghe nhân viên nói tiếng Nga.
Tính thích nghi và ưa mạo hiểm của dân nhập cư là triệu chứng của một nền kinh tế năng động. Ở những quốc gia phát triển, khi một người đã có công việc tốt hoặc sinh trưởng trong gia đình giàu có, hiếm khi họ chọn cách từ bỏ tất cả để bắt đầu từ con số 0 thực sự. Nhưng ở Israel thì khác. Những con người nhập cư ở một vùng đất mới và đang nghèo túng, cho dù quá khứ có như thế nào, từng giàu có hay nghèo đói thì khi chỉ có 2 bàn tay trắng, họ sẽ thấy mình chẳng còn gì để mất và chỉ nhìn thấy ở phía trước những gì có thể làm được.
Trong bài viết đầu tiên, khi phân tích về tính luôn nghi ngờ để sáng tạo của người Israel, chúng tôi đã nhắc đến Shai Agassi, người sáng lập Better Place (kinh doanh xe hơi điện và xây dựng trạm đổi ắc quy), người đã giúp đất nước không lệ thuộc vào dầu mỏ. Anh đã từ bỏ vị trí CEO tập đoàn SAP ở Đức để quay về nước khởi nghiệp.

Shai Agassi - Thế hệ nhập cư thứ 2 đã làm nên "phép màu" xe hơi điện ở Israel

Agassi vốn là con trai của một người nhập cư Iraq. Cha của anh đã bị buộc phải rời thành phố Basra ở phía Nam Iraq cùng với gia đình khi mới 9 tuổi. Thời đó, chính quyền Iraq sa thải toàn bộ nhân viên Do Thái, tịch thu tài sản của họ và tùy tiện bắt bớ người thuộc cộng đồng Do Thái. Ở Baghdad, chính quyền thậm chí còn công khai treo cổ tử tù. Gia đình Agassi buộc phải nhập vào dòng lũ 150.000 người tị nạn Iraq đến Israel vào năm 1950.
Có lẽ vì mang trong mình dòng máu người nhập cư, Shai Agassi cũng có máu liều lĩnh, không ngại bỏ qua tất cả để bắt đầu từ đầu. Những cá nhân như Shai Agassi rất nhiều. Họ là minh chứng của tinh thần quả cảm, luôn sống trong tâm thế không sợ mất mát mà chỉ tin tưởng vào điều mình có thể giành thắng lợi.
Những lớp học tiếng Hebrew được tổ chức miễn phí cho người nhập cư

Những lớp học tiếng Hebrew được tổ chức miễn phí cho người nhập cư

Ngoài sự mạo hiểm, người Israel còn có tính thích nghi rất cao, nhờ thế họ có thể tồn tại ở đất nước đa ngôn ngữ, văn hóa. Một ví dụ điển hình cho tính thích nghi là việc học hỏi ngôn ngữ.
Cụ thể, Israel thường tổ chức khóa học tiếng Hebrew miễn phí cho dân nhập cư: 5 tiếng mỗi ngày, trong ít nhất 6 tháng. Chính quyền thậm chí còn cung cấp một khoản trợ cấp cho phí sinh hoạt trong thời gian học tiếng, để người nhập cư có thể tập trung vào việc học ngôn ngữ mới thay vì bị phân tâm chỉ học cho xong.
Chỉ sau 6 tháng, người dân nhập cư có thể sử dụng tiếng Hebrew. Ngày nay, hầu hết người Israel đều nói tiếng Hebrew cùng với một ngôn ngữ khác, chính là thứ tiếng duy nhất họ biết khi đến Israel. Tại Phố Dizengoff náo nhiệt ở Tel Aviv, các quán cà phê cổ ngân nga tiếng Đức. Ở cuối con phố tràn ngập những biển hiệu tiếng Nga, thức ăn Nga... Ở đây, báo chí phát hành bằng tiếng Nga, thậm chí kênh truyền hình tiếng Nga... là điều bình thường.
Điều quan trọng nhất là việc Israel có thể là nước duy nhất tìm cách tăng số lượng dân nhập cư. Họ không phân biệt trình độ, năng lực dân nhập cư. Bộ Tiếp nhận và Nhập cư Israel chỉ tập trung vào việc mang người nhập cư về nước.
Nếu người Israel nghe thấy trên đài phát thanh rằng lượng người nhập cư trong năm giảm, đây được xem là tin xấu, giống như việc năm đó thiếu lượng mưa cần thiết. Thủ tướng khi tranh cử còn thường cam kết sẽ "mang đến một triệu người nhập cư nữa" trong nhiệm kỳ của họ.
Có nhiều người nhập cư, vừa mới đến đã lao vào chiến đấu, cầm trên tay khẩu súng để bảo vệ nhà nước Israel. Có những người nhập cư, chỉ sau 6 tháng đến 1 năm đã trở thành kỹ sư công nghệ giỏi và họ đã và đang đóng góp nhiều hơn thế cho Israel. Điều quan trọng nhất, có lẽ là họ sản sinh ra thứ văn hóa ưa mạo hiểm, tính thích nghi cao độ với hoàn cảnh mới.
02: Tính thích nghi, ưa mạo hiểm vì điều kiện thiên nhiên
Nếu không có người nhập cư, Israel đã không có ngày hôm nay. Nhưng nếu xét cụ thể về tính thích nghi và ưa mạo hiểm, có lẽ chúng ta cũng cần nói đến một nguyên nhân sâu xa khác, đó là khả năng thích nghi, ưa mạo hiểm của người dân, một phần bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên của Israel.
Sự thích nghi của người Israel với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt có thể nhận thấy rõ nhất ở các nông trang. Trong suốt Cuộc chiến Độc lập năm 1948, nông trang Hatzerim đã bị tấn công và cắt đứt nguồn nước mà họ phải mất một năm mới xây dựng xong đường ống có đường kính 6 inch dẫn nước ngọt từ khu vực cách đó 40 dặm về.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, do đất bị nhiễm mặn, khó canh tác, năm 1959, những thành viên nông trang đã tranh cãi về chuyện đóng cửa Hatzerim để chuyển đến địa điểm khác có môi trường thân thiện hơn. Nhưng cuối cùng, cộng đồng này đã quyết định ở lại khi nhận ra vấn đề đất nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến Hatzerim mà hầu như là toàn bộ vùng Negev. Hai năm sau, thành viên quản lý nông trang Hatzerim đã thau rửa đất đai tới mức có thể trồng trọt được.
Ngày nay, Israel dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải: Hơn 70% lượng nước được tái chế, gấp ba lần tỷ lệ tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng vị trí thứ hai. Nhưng nông trang Mashabbe Sade, cũng trong sa mạc Negev còn đi xa hơn, họ tái chế nước đến 2 lần.
Dù thế, các nông trang viên vẫn không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ từ ngay trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Họ đào giếng sâu bằng chiều dài 10 sân bóng đá và phát hiện nguồn nước vừa ấm vừa mặn. Giáo sư Samuel Appelbaum, trường Đại học Ben-Gurion tại Negev nhận ra, đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm.
"Thật không đơn giản khi phải thuyết phục mọi người rằng nuôi cá trên sa mạc là việc làm có ý nghĩa", nhà ngư học Appelbaum nói. "Nhưng việc đập tan ý nghĩ rằng đất đai cằn cỗi đồng nghĩa với vô dụng là rất quan trọng".
Các nông trang viên bắt đầu bơm nguồn nước nóng 37 độ C vào trong các bể chứa cá rô phi, cá chẽm và cá vược để sản xuất thương mại. Sau khi được dùng trong bể cá, chỗ nước chứa chất thải của cá giờ lại là nguồn phân bón hoàn hảo cho các rặng cây chà là và ôliu. Các nông trang cũng tìm ra cách trồng rau và cây ăn trái được tưới trực tiếp bằng nguồn nước ngầm vừa ấm, vừa mặn ấy.
Một thế kỷ trước, Israel đã được Mark Twain và nhiều du khách khác miêu tả là vùng đất đa phần cằn cỗi. Giờ đây nơi này có khoảng 240 triệu cây xanh do hàng triệu người cùng trồng. Rừng cây được trồng trên khắp đất nước khiến điều kiện tự nhiên của Israel được cải tạo rất tốt. Israel là quốc gia duy nhất đẩy lùi được sa mạc, ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa và cải tạo đất bán sa mạc thành khu vực rừng xanh hoặc canh tác.
Có thể nói, Israel là một nước mà người dân thường trực phải xuất phát ở vạch mốc khó khăn và họ đã vươn lên mãnh liệt. Nền kinh tế Israel không chỉ mở rộng, mà còn trải qua “cú nhảy vọt”, diễn ra khi một nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách thu nhập theo đầu người với những quốc gia giàu có ở thế giới thứ nhất.
Để làm được điều đó, Israel đã dựa vào nguồn vốn duy nhất là con người - những con người liều lĩnh, dám mạo hiểm và thích nghi cao với mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh. Từ những người nhập cư, phải di chuyển đến mảnh đất xa lạ, bị mất sạch mọi thứ và phải bắt đầu lại từ đầu đến những người ngày làm CEO, đêm tham gia chiến đấu và những nông trang viên buộc phải canh tác, sản xuất lương thực trên sa mạc.... Tất cả họ đều có ý chí, nghị lực kiên cường và điều ấy phần nào bắt nguồn từ tinh thần dân tộc.

Báu vật thứ mười: Tinh thần dân tộc

01: Tinh thần hướng về nguồn cội
Ngày nay, rất nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam thường than phiền về việc bị nước ngoài thu hút các tinh hoa doanh nhân và học giả thì Israel lại cho thấy "chảy máu chất xám" không hẳn là đường một chiều. Ở quốc gia này, họ nhìn nhận vấn đề ấy là "lưu chuyển chất xám". Nghĩa là người tài sẽ ra đi và định cư ở nước ngoài rồi lại quay về cố hương. Khái niệm để chỉ lớp người như vậy được gọi là Argonaut và nó phát triển phổ biến đến nỗi hình thành nên một nét văn hóa cá biệt ở Israel.
Tác giả Richard Devane viết trong một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố rằng: "Trung Quốc, Ấn Độ và Israel được hưởng nguồn đầu tư hoặc bùng nổ công nghệ trong hơn một thập kỷ qua, và những đợt bùng nổ này được liên kết với nhau bởi sự lãnh đạo từ cộng đồng những người làm việc ở hải ngoại của cả ba nước này".
Israel là một quốc gia đi sau nhưng đã trở thành trung tâm toàn cầu của sáng tạo. Theo các chuyên gia nghiên cứu về việc di cư, những người đóng vai trò tiên phong trong hành trình ấy chính là lớp người Argonaut - Những kẻ đã đi ra nước ngoài, đắm chìm trong nền văn hóa của Thung lũng Sillicon để học hỏi.
Điều này bắt đầu vào cuối những năm 1980. Một vài ví dụ tiêu biểu cho lớp người ấy là Shai Agassi - người đã bỏ nước Đức quay về Israel khởi nghiệp. Hay như Michael Laor tại Cisco và Dov Forhman tại Intel... dù đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong những Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, họ vẫn nuôi dự định quay về Israel. Nhiều doanh nhân Israel sau khi starup, bán công ty khởi nghiệp đã ra nước ngoài làm việc nhưng sau một thời gian, họ lại quay về và trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Israel, xây dựng những hoạt động dùng người Israel, vốn tạo ra các bước đột phá quan trọng cho tập đoàn nơi họ làm việc.
Ngoài lớp người Argonaut, sự phát triển của Israel còn có đóng góp không nhỏ của cộng đồng Do Thái hải ngoại Diaspora không thuộc quốc tịch Israel. Câu hỏi đặt ra là bản tính hướng về cội nguồn của người Do Thái là bẩm sinh hay được kích hoạt bởi các điều kiện đặc biệt?
Thực tế, nó được kích hoạt nhờ chính sách của Israel. Trong những năm đầu thành lập nhà nước, sự nghèo nàn, lạc hậu của Israel không thu hút người Do Thái trở về. Thế nhưng chính những chính sách cởi mở, dám đặt niềm tin vào người ngoại quốc cũng như sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế đã khiến người Do Thái hải ngoại phải chú ý đến Israel và cũng từ đây, họ bắt đầu phát triển tình yêu với nhà nước Do Thái.
Chân dung Al Schwimmer

Chân dung Al Schwimmer

Một ví dụ điển hình cho lớp người này là Al Schwimmer - kỹ sư hàng không đến từ Los Angeles. Tên của Schwimmer là Adolph, nhưng do bối cảnh Thế chiến II, anh đổi thành Al.
Trong suốt cuộc chiến, nhân thân Do Thái của Schwimmer không có nhiều ý nghĩa với anh. Nhưng việc xem các phim tư liệu quay hàng đống xác người Do Thái bị sát hại trong nạn diệt chủng của Đức Quốc Xã , Schwimmer đã trở thành người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tận tụy.
Al Schwimmer sau này đã trở thành nhân tố quan trọng giúp làm nên ngành hàng không và sản xuất máy bay dân sự cũng như chiến đấu của Israel. Ý tưởng về những chiếc máy bay xuất phát đầu tiên từ việc muốn đưa những người Do Thái châu Âu bị chính quyền Anh từ chối tị nạn quay về Israel. Schwimmer đã nghĩ ra ý tưởng bay qua đầu các tàu tuần tiễu của hải quân Anh và chở lậu người Do Thái hạ cánh xuống các địa điểm bí mật.
Israel Aircraft Industries IAI-1124A Westwind 2. Nguồn: Https://www.airliners.net

Israel Aircraft Industries IAI-1124A Westwind 2

Một số mẫu máy bay khác của Israel

Một số mẫu máy bay khác của Israel

Sau Thế chiến II, nhận thấy thế giới đang dư thừa quá nhiều máy bay, Schwimmer cho rằng chẳng có lý do gì để Israel không mua máy bay với giá rẻ, rồi sửa chữa, nâng cấp và bán lại cho quân đội và hãng hàng không của các nước khác, trong khi vẫn xây dựng ngành sản xuất máy bay thương mại của riêng Israel. Anh đã gặp Peres và Ben-Gurion - 2 nhà lãnh đạo vốn rất hào hứng với việc sản xuất máy bay.
Chính Ben-Gurion là người đã thuyết phục Schwimmer đến Israel định cư và đóng góp cho nền hàng không quốc gia. Lúc đó, Schwimmer nói với Ben-Gurion rằng ông chỉ bắt tay thực hiện với điều kiện công ty này không bị thói tiến cử "con ông cháu cha" làm hại, không được có chuyện dùng ảnh hưởng chính trị để có việc làm. "Đây sẽ là một công ty tư nhân, được tổ chức theo các nguyên tắc thương mại", Schwimmer nói với Ben-Gurion.
"Anh là người thích hợp cho Israel. Hãy đến đây", Ben-Gurion đáp lời. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, dù vấp phải sự phản đối gắt gao của Chính phủ Israel, Ben-Gurion và Peres vẫn hỗ trợ hết sức để Schwimmer có thể thực hiện giấc mơ chế tạo máy bay. Từ một đất nước không chế tạo nổi chiếc xe đạp, trong vòng 5 năm, Bedek - công ty của Schwimmer đã trở thành doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng nhiều lao động nhất trong cả nước.
Đến năm 1960, Bedek sản xuất biến thể của mẫu chiến đấu cơ Fouga của Pháp. Tại buổi ra mắt và bay thử chính thức của chiếc máy bay ấy, Ben-Gurion đã nói với Schwimmer: "Nơi này không còn là Bedek nữa. Anh đã đi xa hơn công việc sửa chữa thuần túy. Các anh đã chế tạo một chiếc phi cơ. Nên đổi tên công ty thành Israel Aircraft Industries (Công nghiệp Hàng không Israel)".
Fouga CM.170 Magister là chiếc máy bay huấn luyện phản lực hai chỗ ngồi được Pháp chế tạo vào thập niên 1950. 10 năm sau, một nhà nước mới thành lập - Israel đã có thể chế tạo thành công chiến đấu cơ này. Nguồn: https://alchetron.com

Fouga CM.170 Magister là chiếc máy bay huấn luyện phản lực hai chỗ ngồi được Pháp chế tạo vào thập niên 1950. 10 năm sau, một nhà nước mới thành lập - Israel đã có thể chế tạo thành công chiến đấu cơ này.

Rõ ràng, những người Israel ở hải ngoại đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của Israel. Sau khi sinh sống ở nước ngoài, nhiều người đã quay lại để làm giàu cho quê hương. Một số người gốc Do Thái không có quốc tịch Israel, nhờ những chính sách thuyết phục đã hun đúc lại tinh thần Phục Quốc, giúp tạo ra một trong những cú hích dài hạn lớn nhất cho nền kinh tế Israel mà không cần kêu gọi vốn đầu tư, dù chỉ một đồng USD.
02: Tinh thần nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế
Israel là nơi nhiều Tập đoàn công nghệ hàng đầu mở chi nhánh và trung tâm nghiên cứu phát triển R&D. Rất nhiều người Israel đang ngày đêm cống hiến giá trị trong những công ty nước ngoài. Trong bài viết lần trước, khi phân tích tinh thần quốc tế, chúng tôi đã kể đến trường hợp của chi nhánh Intel Israel.
Tòa nhà Intel tại Israel, thành phố ven biển phía bắc Haifa. (Nguồn: StockStudio / Shutterstock.com)

Tòa nhà Intel tại Israel, thành phố ven biển phía bắc Haifa

Nguồn: StockStudio / Shutterstock.com

Những người kỹ sư của Intel Israel đã tranh cãi không mệt mỏi để thuyết phục ban lãnh đạo tại Santa Clara chấp nhận sản xuất dòng chip mới tiết kiệm điện. Điều đó là vì tinh thần cống hiến cho thời đại, cho giá trị chung trong lĩnh vực công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng xuất phát từ một nhân tố khác: Lòng tự hào dân tộc và mong muốn nâng cao uy tín, giá trị con người Israel trên bản đồ thế giới.
Một ví dụ khác sẽ minh chứng sâu sắc hơn cho tinh thần dân tộc này, đó là câu chuyện xảy ra với Frohman - người phụ trách Intel Israel.
Năm 1991, trong bối cảnh chiến sự với Iraq, Frohman thông báo đến nhân viên quyết định đơn phương của ông rằng Intel Israel sẽ hoạt động trong suốt cuộc chiến. Điều này tức là chống lại mệnh lệnh từ chính quyền. Quyết định ở lại làm việc hay từ chối lời đề nghị của Frohman của nhân viên được dựa trên tinh thần tự nguyện: Không nhân viên nào bị phạt nếu vắng mặt.
Dov Frohman năm 1976 (Ảnh: Intel) - Người đã quyết định chi nhánh Intel Israel vẫn hoạt động trong tình trạng đất nước có chiến tranh

Dov Frohman năm 1976 (Ảnh: Intel) - Người đã quyết định chi nhánh Intel Israel vẫn hoạt động trong tình trạng đất nước có chiến tranh

Đây là quyết định rất liều lĩnh bởi phía Iraq có tên lửa Scud có thể bay đến Tel Aviv trong chưa đầy mười phút, và những tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn hóa học. Chính quyền đã thuyết phục Frohman đóng cửa Intel Israel vì có quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu làm theo lệnh, Intel Israel sẽ gặp rắc rối lớn.
Lý do là thời điểm này đang là giai đoạn nước rút của dự án quan trọng mà Intel Israel đã được tập đoàn giao phó. Năm 1985, IBM cho phép Intel trở thành nhà sản xuất duy nhất các con chip vi xử lý 286 để chạy hầu hết máy tính để bàn mới của thế giới. Chiến lược này sẽ tối đa hóa lợi nhuận của Intel, nhưng cũng làm tăng rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn hơn là quyết định của ban lãnh đạo Intel ở Santa Clara là tập trung phần lớn trách nhiệm này cho Israel.
Nhân viên Intel khoảng năm 1976. Ảnh: Intel

Nhân viên Intel khoảng năm 1976

Ảnh: Intel

Tuy nhiên, khi xảy ra chiến sự, Frohman không đóng cửa chi nhánh Intel Israel không hoàn toàn chỉ vì uy tín của công ty ông. Điều đó được bắt nguồn từ nỗi sợ lớn hơn.
"Tôi cứ nghĩ mãi về sự tồn vong của nền kinh tế công nghệ cao vốn vẫn còn non yếu của Israel. Chướng ngại chính dẫn đến các khoản đầu tư lớn hơn vào Israel là ấn tượng dai dẳng về sự bất ổn địa chính trị trong khu vực. Nếu Intel không thể hoạt động trong một tình huống khẩn cấp, thì bất kỳ niềm tin nào của các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư hay thị trường vào sự ổn định của Israel sẽ lập tức sụp đổ".
Lo ngại của Frohman là hoàn toàn có cơ sở nhưng nó đã trở thành nỗi lo không đáng bởi nhân viên của ông là những người có tinh thần chiến đấu tuyệt vời. 75% nhân viên toàn công ty vẫn có mặt để làm việc hết mình. Sau cuộc tấn công bằng tên lửa thứ hai của Iraq vào đêm tiếp theo, số lượng nhân viên tại trung tâm thiết kế Haifa của Intel đã tăng lên 80%. Những đợt tấn công càng tàn khốc bao nhiêu, hiệu quả làm việc càng lớn bấy nhiêu.
Một số hình ảnh về Haifa, Israel

Một số hình ảnh về Haifa, Israel

Những nhà lãnh đạo tại đại bản doanh Santa Clara của Intel không thể hiểu được điều này. Một nhóm công nhân Intel còn lập nhà trẻ dã chiến ngay trong nhà máy, do trường học đều đã đóng cửa, và nếu nhân viên muốn là một phần trong sứ mệnh phản kháng của Frohman, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mang theo con cái đến chỗ làm. Ngoài công việc chính, họ còn tình nguyện thay phiên trông nom nhà trẻ.
Lời giải thích cho điều này liên quan đến nhiều thứ khác hơn là tài năng kỹ sư thuần túy. Nó là vấn đề của những nhân tố kém hữu hình hơn: Lòng tự tôn dân tộc. Người Israel có một thuật ngữ cho điều này: "Davka", một từ Hebrew khó dịch bao gồm nghĩa của khái niệm "bất chấp" kèm một chút chế nhạo đối thủ bằng "động tác ngoáy mũi". Giống như nói rằng: "Chúng càng tấn công ta bao nhiêu, ta sẽ càng thành công bấy nhiêu".
Người Israel, thông qua việc tạo dựng danh tiếng cho cả nền kinh tế lẫn khối doanh nghiệp - vừa là để khẳng định lòng tự hào dân tộc, vừa là thước đo cho lòng kiên định của đất nước đã tạo dựng được niềm tin nơi nhà đầu tư vào khả năng giữ vững, thậm chí vượt trội của Israel đối với những cam kết của họ.
Nhờ Dov Frohman, Al Schwimmer, Shimon Peres, Ben-Gurion, Shai Agassi và nhiều người khác trong những câu chuyện mà chúng tôi đã đề cập, câu hỏi về rủi ro thảm họa gần như trở nên vô nghĩa đối với giới đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách kinh doanh tại Israel.
Với loạt 6 bài viết nằm trong nhóm chủ đề BÁU VẬT CỦA NGƯỜI DO THÁI KHIẾN THẾ GIỚI NỂ PHỤC, chúng tôi đã tập trung khắc họa 10 tính cách điển hình của người Do Thái Israel, gồm: Tinh thần Chutzpah, chủ nghĩa Bitzu'ist, luôn nghi ngờ để sáng tạo, tính ngoan cố, tinh thần quốc tế, tính chia sẻ, trưởng thành và dám làm dám chịu (tư duy rosh gadol), tinh thần tiếp thu ý kiến, ưa mạo hiểm thích nghi cao, tinh thần dân tộc (sự kết hợp của các tinh thần Argonaut, Diaspora, Davka).
10 cá tính kể trên là 10 phẩm chất quý được tôi rèn nhờ: Điều kiện tự nhiên, chính sách từ Chính phủ, thể chế quân đội, nền giáo dục, tôn giáo... đặc biệt mà người Israel được thụ hưởng. Mỗi cá tính đều có mối quan hệ ràng buộc với các cá tính còn lại, gây ảnh hưởng, bổ sung lẫn nhau.
Với sự phân tích chi tiết từng cá tính trên tinh thần kết nối chặt chẽ với các cá tính còn lại, loạt bài này có lẽ đã giúp quý độc giả hiểu sâu sắc hơn về nguồn cội sức sáng tạo bất tận của quốc gia khởi nghiệp kiểu mẫu Israel.
Tuy nhiên, để hiểu hết về nguyên nhân dẫn đến thành công của Israel bao gồm các yếu tố khác ngoài phẩm chất con người, chúng tôi sẽ tiếp tục lý giải hiện tượng của quốc gia này trong những loạt bài tiếp theo đến từ việc tham cứu tài liệu và chia sẻ từ những chuyên gia hàng đầu Việt Nam.

* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp của các tác giả Dan Senor & Saul Singer, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.