Bay flycam, xin cấp phép ở đâu, thủ tục thế nào?

Dương Quỳnh Trang
Dương Quỳnh Trang
08/12/2024 04:18 GMT+7

Việc sử dụng flycam hoặc drone yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Tôi ở Bình Dương, đang có nhu cầu sử dụng flycam hoặc drone vào công tác giám sát thi công công trường. 

Tôi muốn hỏi hồ sơ và thủ tục xin cấp phép bay flycam hoặc drone gồm những gì, có yêu cầu đòi hỏi gì đặc biệt không? Nếu sử dụng flycam hoặc drone không xin phép thì bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Hữu Đạt (ở Bình Dương) 

Luật sư tư vấn

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc sử dụng flycam hoặc drone để giám sát thi công công trường tại Việt Nam yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Bay flycam, xin cấp phép ở đâu, thủ tục thế nào?- Ảnh 1.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Hồ sơ xin phép bay flycam hoặc drone

Theo điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 79/2011/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép bay cần bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp phép bay soạn thảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo mẫu quy định;
  • Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép thiết bị thực hiện cất cánh, hạ cánh tại khu vực dự kiến;
  • Tài liệu kỹ thuật của flycam hoặc drone, bao gồm ảnh chụp kiểu loại và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không.

Xin phép bay flycam hoặc drone ở đâu?

Hồ sơ này xin phép bay flycam hoặc drone phải được nộp đến Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức bay.

Khi xin cấp phép, cần chú ý các yêu cầu đặc biệt như khu vực bay, tránh các khu vực cấm bay gồm công trình quốc phòng, trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, khu vực quân sự, cảng hàng không, sân bay, hoặc các khu vực khác được quy định tại điều 3 Quyết định 18/2020/QĐ-TTg.

Thời gian bay phải tuân thủ theo giấy phép được cấp và không được thực hiện vào thời điểm nhạy cảm hoặc khi có thông báo hạn chế bay.

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bay flycam, drone

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bay flycam được quy định tại điều 14 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, gồm:

  • Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
  • Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
  • Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
  • Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
  • Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
  • Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
  • Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Sử dụng flycam hoặc drone không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?

Việc sử dụng flycam hoặc drone không có giấy phép sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định, cụ thể:

Theo khoản 6 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng thiết bị để quay phim, chụp ảnh từ trên không mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

Ngoài ra, khoản 13 điều 7 của nghị định này cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, không phải mọi trường hợp sử dụng flycam hoặc drone mà không có giấy phép đều bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Các vi phạm liên quan đến an ninh, an toàn vùng trời hoặc xâm phạm khu vực cấm sẽ được xử lý theo các văn bản pháp luật khác.

Luật sư Thanh cho rằng, đối với trường hợp của bạn đọc Hữu Đạt, để sử dụng flycam hoặc drone hợp pháp trong giám sát thi công công trường, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện các thủ tục xin cấp phép bay đúng theo quy định. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ giúp tránh các hình thức xử phạt mà còn đảm bảo an toàn và an ninh trong hoạt động bay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.