|
“Hoàn thành trong 6 tháng đầu năm”
Ông Lê Minh Triết, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM hoan nghênh những phản ánh của Báo Thanh Niên về những bất cập của hạ tầng giao thông trên địa bàn TP qua loạt bài: “Bẫy” giao thông. Theo ông Triết, dù hệ thống báo hiệu đường bộ trên địa bàn TP đã cơ bản điều chỉnh phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT), nhưng hiện trong quy chuẩn vẫn còn một số điểm bất cập. Sở đang tiếp tục rà soát và tổng hợp toàn bộ các bất cập này để làm việc với Bộ GTVT vào đầu tháng 4.2013.
“Ngay khi báo phản ánh, Sở đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị phối hợp với UBND các quận huyện, Công an TP.HCM tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện các bất cập về vị trí, quy cách của hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ để khẩn trương điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi và tránh hiểu lầm đối với người tham gia giao thông. Các công việc này sẽ cơ bản hoàn thành trong 6 tháng đầu năm”, ông Triết nói.
Trước thực tế mỗi khu, mỗi đường lại có những cách phân làn khác nhau gây khó cho người đi đường, ông Triết cho rằng, việc phân làn giao thông trên một tuyến đường sẽ được các cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tính chất quan trọng và đặc thù trên tuyến đường như dân cư hai bên, tốc độ và mật độ lưu thông trên tuyến, thành phần loại xe lưu thông trên tuyến… “Các bất cập mà quý báo đã phản ánh liên quan đến vạch sơn phân làn, Sở đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị nhanh chóng khắc phục. Riêng các vạch sơn chỉ hướng dưới trục đường Võ Văn Kiệt, Sở chỉ đạo xóa triệt để phần mũi tên cũ để tránh gây ngộ nhận cho người tham gia giao thông”, ông Triết cho biết thêm.
Cần có sự thống nhất
Từ đầu năm 2013, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN: 41/2012/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29.5.2012) của Bộ GTVT đã được áp dụng, thế nhưng những bất cập cũ vẫn không được sửa chữa. Cụ thể, quy chuẩn mới vẫn quy định biển báo, đèn tín hiệu nằm bên tay phải, vẫn kiểu dáng hình tròn, bé tí trong khi đó có những con đường rộng, với nhiều làn xe, khuất tầm nhìn, khó quan sát.
Do đó, không riêng TP.HCM, luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng các cơ quan chức năng cần tổng rà soát toàn bộ hệ thống biển báo của cả nước, bỏ những biển báo thừa, xây dựng lại quy chuẩn biển báo đường bộ cắm biển báo ở phía trước, trên cao để mọi người dễ nhìn thấy mà tuân thủ. Theo luật sư Thanh, bất hợp lý của biển báo giao thông hiện nay là giao cho các khu tự phân làn, tự cắm biển nên không có sự thống nhất, biển báo quá nhiều chữ, hoặc hình khó hiểu nên người dân không thể tuân thủ đúng. Cụ thể, trên đường bắc - nam, nhiều biển báo tốc độ cắm vô tội vạ, lúc thì trước khi hết khu dân cư, lúc thì hết khu dân cư một đoạn mới có biển báo. Ngay như đoạn quốc lộ đi qua Đồng Nai (Trảng Bom, Định Quán…), biển báo khu dân cư liên tục mà không có dân cư. Hay một số nơi ở TP.HCM đường xe 4 bánh đang đi thẳng chuyển thành quay đầu, rẽ trái buộc xe đi thẳng phải chuyển làn sang phải. Vừa qua giao lộ lại chuyển làn sang trái, chạy vài mét lại chuyển làn phải ở giao lộ kế tiếp như đường Cộng Hòa, Trường Chinh...
“Lái xe cứ đi ra, đi vào vừa gây ách tắc lưu thông vừa gây khó cho những lái xe không thuộc đường. Cần phải quy định thống nhất tách làn cho xe rẽ trái, quay đầu ở các giao lộ bằng cách giảm diện tích làm bồn bông ở dải phân cách hoặc mở rộng đường sang bên trái ở các giao lộ, cắm đèn rẽ trái riêng để không cắt đầu dòng xe đi thẳng khi rẽ và quay đầu”, luật sư Thanh đề nghị.
Một số lỗi thường bị phạt hiện nay 1. Không cài dây an toàn với người lái ô tô, người ngồi hàng ghế bên cạnh lái xe. 2. Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường: chạy đè vạch liền, lấn làn hay xảy ra ở những nơi đông xe, làn đường hẹp, vào khúc ngoặt. 3. Quên xi nhan, đèn tín hiệu khi rẽ đối với xe máy. (Bên cạnh đó, người điều khiển ô tô đôi khi cũng mắc phải lỗi tương tự vì đèn xi nhan tự nhả khi trả lái mà không nháy xi nhan tiếp). 4. Không đội mũ bảo hiểm với xe gắn máy, lỗi không cài dây mũ theo đúng quy định, đội mũ bảo hộ lao động. 5. Ô tô đi sai làn đường xảy ra phổ biến khi làn đường đột ngột thay đổi chức năng từ đi thẳng thành quay đầu hoặc rẽ trái, rẽ phải. |
Lê Nga - Đình Phú
>> “Bẫy” giao thông
>> “Bẫy” giao thông - Kỳ 2: Không biết đi đường nào
>> “Bẫy” giao thông - Kỳ 3: Bất hợp lý biển báo
Bình luận (0)