'Bây giờ làm gì cũng sợ sai, thậm chí không làm gì cũng có thể sai phạm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/06/2022 11:59 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa dẫn ý kiến được nhiều người nêu để phản ánh bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sáng 2.6, tiếp tục kỳ họp 3 Quốc hội XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa

gia hân

Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập tới căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: "Có người nói bây giờ làm gì cũng sợ sai, thậm chí không làm gì cũng có thể sai phạm"

Theo đại biểu Nam Định: “không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mà muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này”.

"Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nói.

Trên thực tế, theo bà Hoa, một số cơ quan, địa phương chủ động mời cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan công an vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu thực hiện các dự án.

Bà Hoa phân tích, thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng, và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, tình trạng này cũng có những nguyên nhân chủ quan như năng lực trình độ của cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai.

"Có trường hợp người có thẩm quyền quyết định thì không có chuyên môn, lại không dám tin cấp dưới, hoặc cấp dưới có trình độ còn hạn chế, tinh thần còn thụ động chờ cấp trên", bà Hoa nêu và cho rằng, tình trạng sợ trách nhiệm không phải phổ biến nhưng rất đáng lưu ý trong tình hình hiện nay, cần có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng.

Đại biểu tỉnh Nam Định kiến nghị trước hết cần sửa đổi quy định pháp luật cho rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Cùng đó là, luật hóa quy định của đảng, Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

Bà Hoa cũng đề nghị cần lựa chọn đúng cán bộ cho từng vị trí công tác; đồng thời có chính sách thường xuyên cập nhật bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ.

"Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa cảnh báo", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu.

Trước đó, thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu tình trạng ách tắc trong việc giải ngân vốn cho các dự án đầu tư. Nhiều địa phương mời cả công an, nội chính, kiểm toán vào các hội đồng đấu thầu mua sắm nhưng việc triển khai vẫn chậm.

“Lạ thế! Mời như thế có khi chẳng hợp lý đâu. Bản thân chúng ta đều muốn cho minh bạch, rõ ràng nhưng vẫn cứ không mua sắm, chi tiêu được. Đây là cái hiện nay băn khoăn nhất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.