Theo thạc sĩ tâm lý Hà Trung Thành, trong một cuộc đàm phán có thời lượng 30 phút thì có đến 800 cử chỉ phi ngôn ngữ được thể hiện. Thạc sĩ còn ví dụ dí dỏm: "Những ngày cuối tháng về đến nhà, chỉ cần nhìn thấy vợ đứng chống nạnh ngay cửa, không nói không rằng là biết cô ấy muốn nhắc khéo tôi hãy đưa lương"…
Nhà thơ Thanh Phú - sinh hoạt ở câu lạc bộ Thơ ca (Cung văn hóa Lao động TP.HCM) cho rằng: "Thay vì nói nhiều thì hãy nói ít hơn và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Đừng nghĩ rằng tiếng nói là kênh giao tiếp chủ yếu của con người. Để tìm hiểu được ý nghĩa của những cử chỉ đòi hỏi chúng ta phải tư duy trí tuệ nhiều lần và kiểm chứng nhiều trường hợp từ thực tế".
Thành viên trong CLB thường xuyên tổ chức các khóa học chia sẻ kỹ năng - Ảnh: CLB cung cấp |
Đỗ Thụy Ngọc Quyên - sinh viên trường ĐH quốc tế Hồng Bàng chia sẻ: "Suốt bốn năm học ĐH em ghét T. kinh khủng. Em và hắn như nước với lửa, mỗi lần gặp nhau là hai đứa đều có chuyện. Hắn rất hay lớn tiếng bắt nạt em. Rồi ngày 20.10, hắn chạy đến trước mặt em, không nói gì cả chỉ dùng hai tay để lên đầu tạo hình trái tim (kiểu tỏ tình giống trong phim Hàn Quốc) làm em “đứng hình” luôn". Từ ngày đó về sau, mỗi lần em và hắn đụng nhau thì cả hai đều cười.
Còn theo Lưu Tú Anh - sinh viên ngành Công nghệ sinh học trường ĐH Mở TP.HCM thì trong một cuộc nói chuyện, khi nhìn những cử chỉ người đối diện biểu lộ bạn sẽ quyết định có nên tiếp tục đề tài đó hay phải chuyển sang một đề tài khác hay hơn.
Chỉ riêng nghĩa "I love you" có hàng ngàn cách thể hiện như: kiểu chụm tay lên đầu của T., dùng hai lòng bàn tay tạo thành hình trái tim để vào ngực mình rồi đẩy trái tim về phía đối phương, dùng một ngón tay chỉ vào mình rồi vỗ vỗ vào phần ngực trái (chỗ trái tim) và đẩy đến đối phương, dùng ngón trỏ, ngón út và áp út (kiểu của ca sĩ) dành cho người hâm mộ…
Theo thạc sĩ tâm lý Trần Thị Hồng Nhi - trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, khi hỏi: "Nếu nghiên cứu khoa học mà đoạt giải thì bạn cảm thấy thế nào?", hầu hết sinh viên Việt Nam không trả lời được mà bẽn lẽn, thẹn thùng, ấp úng "lúc đó mới biết được". Còn với một sinh viên nước ngoài thì họ sẽ nói: "Tôi sẽ nhảy cẫng lên vì vui sướng hay hành động một kiểu khác để bày tỏ sự vui sướng đó". Thạc sĩ Hồng Nhi lý giải việc sinh viên thường không chịu diễn đạt ngôn ngữ cơ thể là do các bạn ít tập thuyết trình, ít làm việc nhóm, không cọ xát trong học tập. Hệ quả là giữa bản thân và môi trường không có sự tương thích, không thông hiểu nhau. Thạc sĩ còn đề cập trường hợp khác là trong cùng một hoàn cảnh, lời nói và ngôn ngữ cử chỉ không phù hợp hay gọi là "nói một đằng làm một nẻo". Đó là trường hợp của một lãnh đạo kêu gọi thanh niên tham gia cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt nhưng lại mặc trang phục "ngoại nhập", chính hành động ấy đã phản biện lại những lời ông nói.
Thạc sĩ Nhi cũng lưu ý: ngôn ngữ cơ thể còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng phong tục tập quán, từng vùng miền nên người sử dụng phải tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng để tránh bị xem là… lập dị.
Tuyết Vân
Bình luận (0)