Bê bối chi tiền tuyển quân ở Mỹ

06/02/2014 09:00 GMT+7

Quân đội Mỹ đang mở cuộc điều tra về việc lợi dụng chương trình hỗ trợ tuyển mộ binh sĩ để 'đục khoét' ngân sách có hệ thống.

Bê bối chiếm đoạt tiền tuyển quân bắt nguồn từ thời Tổng thống George W.Bush (trái) - Ảnh: AFP
Bê bối chiếm đoạt tiền tuyển quân bắt nguồn từ thời Tổng thống George W.Bush (trái) - Ảnh: AFP

Trong một diễn biến gây chấn động, Lầu Năm Góc đã công khai cuộc điều tra quy mô lớn về cáo buộc nói rằng hàng trăm nhà tuyển dụng thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia và những người khác có quan hệ với quân đội lợi dụng chương trình tuyển mộ binh sĩ trong cuộc chiến Iraq để trục lợi.

Đục khoét hàng chục triệu USD

Lâu nay dư luận vẫn thừa biết về tình trạng gian lận trong giới nhận thầu Mỹ tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, song đây là lần đầu tiên một bê bối do chính các quân nhân Mỹ âm mưu thực hiện một cách có hệ thống bị phanh phui trước ánh sáng, theo báo cáo trong cuộc điều trần tại Thượng viện vào ngày 4.2 (giờ Mỹ).

Theo tờ The Washington Post dẫn các nguồn thạo tin, ít nhất 1.200 quân nhân đang đối mặt với cuộc điều tra trên toàn quốc với tổng số tiền tham ô hơn 29 triệu USD trước khi chương trình chấm dứt vào năm 2012. Trong số này có hơn 200 sĩ quan, gồm 2 nghi can hàm tướng và 29 hàm đại tá.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy những người tuyển dụng cấu kết với quân nhân và dân thường có người quen hoặc thân nhân trong quân đội để khai man thông tin nhằm chiếm đoạt tiền thưởng theo chương trình giới thiệu tân binh cho lục quân. Các nghi can lấy thông tin về những người mới đăng ký gia nhập lực lượng từ nhà tuyển mộ, khai man rằng đây là người được họ giới thiệu, sau đó chia tiền cho kẻ cung cấp tin. Vụ bê bối được cho là có quy mô còn lớn hơn nhiều và phải mất nhiều năm để có kết quả điều tra chính xác.

Tuyển quân qua môi giới

Được biết, nguồn gốc của vụ việc liên quan đến một hệ thống khuyến khích tuyển mộ tân binh do Vệ binh quốc gia thuộc lục quân triển khai vào năm 2005, khi Lầu Năm Góc đang chật vật mở rộng lực lượng nhằm đáp ứng 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Theo chương trình, các binh sĩ thuộc Vệ binh quốc gia đăng ký làm “trợ lý mộ binh” có thể được thưởng từ 2.000 đến 7.500 USD khi giới thiệu được một binh sĩ mới cho lực lượng. Chương trình mở rộng cho các đối tượng không còn tại ngũ, cựu binh, thân nhân và một số đối tượng dân sự. Những “trợ lý mộ binh” này được trả công như nhân viên nhận thầu thời vụ của Docupak, một công ty được lục quân thuê chạy chương trình. Vệ binh quốc gia rất tích cực quảng bá chương trình trên, cam đoan rằng đây là cách kiếm tiền dễ dàng, không mất nhiều thời gian, và chỉ cần hoàn tất việc đăng ký 2 bước qua mạng, với thời gian chỉ vài phút.

Theo quy định, những nhà tuyển mộ chính thức của lục quân không được hưởng lợi từ chương trình này, nhưng nhiều người nhanh chóng tìm cách trục lợi bằng việc lôi kéo thân nhân, người quen tham gia, theo tờ USA Today. Việc chi tiền tuyển quân đã giúp lục quân đạt được chỉ tiêu tuyển mộ binh sĩ trong giai đoạn cấp bách và tổng cộng hơn 300 triệu USD đã được chi trả để đổi lấy khoảng 130.000 tân binh. Tuy nhiên, dấu hiệu bất thường đầu tiên đã xuất hiện vào năm 2007 khi Công ty Docupak, trụ sở tại Alabaster (bang Alabama), báo cáo một số trường hợp khả nghi cho Sở Chỉ huy điều tra tội phạm của lục quân. Sau thời gian thẩm định, đến năm 2011, cơ quan này tổ chức điều tra toàn bộ chương trình trên và không lâu sau đó quyết định đình chỉ chương trình vào tháng 2.2012, theo phát ngôn viên lục quân George Wright.

Giới công tố liên bang đã kết tội một số nhà tuyển mộ và binh sĩ, trong đó vụ nghiêm trọng nhất liên quan đến bị cáo tên Xavier Aves, 42 tuổi, ở thành phố San Antonio (bang Texas), lãnh án 57 tháng tù. Theo thông tin từ tòa án, Aves và những người khác đã chi tiền cho các nhà tuyển mộ của lục quân để đổi lấy tên và số an sinh xã hội của tân binh, chiếm đoạt 244.000 USD tiền thưởng. Tại cuộc điều trần, Chủ tịch Công ty Docupak Philip Crane cho hay đã xác định được 28 người có hành vi gian lận.

Thụy Miên

>> Bê bối gian lận tại lực lượng hạt nhân Mỹ
>> Bê bối gian lận an sinh xã hội ở New York

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.