UBND tỉnh xử… UBND tỉnh !
Sáng 11.6, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo công bố kết luận thanh tra Công ty CP BOO nước Đồng Tâm (viết tắt là DTW). Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh chủ trì.
Theo thông tin được công bố tại cuộc họp, vào đầu năm 2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định việc đầu tư xây dựng công trình mở rộng hệ thống cấp nước khu vực Gò Công, với dự án 170.000 m3/ngày đêm theo thẩm quyền. Nhưng UBND tỉnh đã không triển khai dự án này mà lại tiến hành kêu gọi đầu tư để thành lập dự án xây dựng - sở hữu - vận hành Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cùng với hệ thống chuyển tải công suất 90.000 m3/ngày đêm.
Chỉ ra những bất lợi mà địa phương phải gánh chịu, kết luận thanh tra cho rằng về vốn đầu tư, dự án 170.000 m3/ngày đêm có tổng mức đầu tư là 890 tỉ đồng, trong khi dự án BOO được UBND tỉnh chọn lên tới 1.412,27 tỉ đồng…
Theo ông Chiến thì việc ký hợp đồng với DTW, tỉnh đã sai phạm: hình thức đầu tư BOO không có trong luật Đầu tư nhưng UBND tỉnh Tiền Giang lại xé rào, không xin phép Thủ tướng Chính phủ. Giá nước tỉnh quy định quá cao, trái với quy định của Bộ Tài chính. Nếu thực hiện cung cấp nước đến người tiêu dùng thì bình quân mỗi năm ngân sách phải bỏ ra 350 tỉ đồng để bù lỗ.
|
Sai phạm gần 166 tỉ đồng
Về phía DTW, kết luận thanh tra cho rằng việc lập dự toán không căn cứ vào các định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành nhưng vẫn được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt. Về đấu thầu, UBND tỉnh tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa xác định được nguồn vốn là vi phạm luật Xây dựng. Về thi công, Công ty CP xây dựng số 5 không thi công đoạn ống HDPE D800 dài 30 m nhưng vẫn thể hiện trên bản vẽ hoàn công và được chủ đầu tư quyết toán. Chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán thừa so với khối lượng thi công, đồng thời quyết toán khống chi phí hỗ trợ đền bù… Do vậy, dự án xây dựng Nhà máy BOO Đồng Tâm “đã làm chênh lệch giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán là 165,8 tỉ đồng”.
Cũng theo ông Chiến, sau khi phát hiện sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ những chênh lệch giữa giá trị đầu tư thực và giá trị quyết toán, đồng thời yêu cầu kiểm điểm những tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ bê bối nghiêm trọng này.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang đã không trả lời được nhiều câu hỏi do báo chí đặt ra. Chẳng hạn như chủ dự án Nhà máy BOO Đồng Tâm là UBND tỉnh Tiền Giang, hợp đồng nói trên cũng do UBND tỉnh Tiền Giang ký. Vậy UBND tỉnh, nhưng cụ thể là ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ sai phạm này? Vì sao trong lúc dự án còn trong giai đoạn xây dựng thì UBND tỉnh Tiền Giang lại ký tiếp phụ lục hợp đồng với đối tác để tăng giá nước dẫn tới việc hợp đồng không thực hiện được vì giá quá cao? Ai là người đã đề xuất việc này?...
Điều đáng nói hơn, gọi là họp báo để công bố kết luận thanh tra nhưng UBND tỉnh Tiền Giang đã từ chối, không cung cấp cho báo chí kết luận thanh tra mà chỉ thông báo vắn tắt nội dung như đã nói trên. Do vậy, báo chí hoàn toàn không biết được số tiền gần 166 tỉ đồng nói trên sai phạm cụ thể như thế nào và những ai có liên quan đến sai phạm? Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến chỉ “hé” lộ: “Người đặt bút ký hợp đồng nói trên là ông Trần Thanh Trung, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nay đã nghỉ hưu. Còn bộ phận tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh do ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Tài chính Tiền Giang làm tổ trưởng và một phó giám đốc của DTW làm tổ phó”.
Trả lời Thanh Niên ngày 11.6 về kết luận thanh tra, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOO nước Đồng Tâm, cho biết: “Kết luận đó hoàn toàn sai và chúng tôi đang khiếu kiện”.
Nhiều điều khó hiểu Nhà máy BOO Đồng Tâm khởi công xây dựng từ năm 2009. Theo hợp đồng đã ký, khi nhà máy vận hành, tỉnh sẽ bao tiêu toàn bộ nước sạch theo giá sỉ với khối lượng 50.000 m3/ngày trong năm đầu tiên. Mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10.000 m3/ngày và đến năm thứ 5 thì đạt công suất 90.000 m3/ngày. Khi kêu gọi đầu tư nhà máy nước, tỉnh dự kiến các khu, cụm công nghiệp ở khu vực Gò Công sẽ triển khai rất nhiều dự án lớn. Nhưng đến nay nhiều dự án chỉ mới dừng lại ở việc san lấp hoặc đăng ký rồi... để đó, nên không có nhu cầu sử dụng nước. Để cứu nguy cho dự án khỏi bị phá sản, tỉnh phải “chữa cháy” bằng cách cho đấu nối nguồn nước của DTW vào hệ thống nước sinh hoạt của dân cư. Nhưng, điều khó hiểu nhất là trước đó, UBND tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ khối lượng nước của DTW với giá bán sỉ trong 2 năm đầu tiên là 6.000 đ/m3. Mỗi 2 năm tiếp theo sẽ tăng giá một lần, đến năm thứ 20 thì đạt mức 9.308 đ/m3. Nhưng rồi sau đó UBND tỉnh lại ký thêm với DTW một phụ lục hợp đồng để nâng giá: trong 2 năm đầu tiên giá một m3 nước là 8.000 đ rồi tăng dần mỗi 2 năm. Đến năm thứ 20 thì đơn giá là 16.761 đ/m3, tức là tăng gần gấp đôi so với hợp đồng trước đó. |
Hoàng Phương
Bình luận (0)