Ngày 14.4, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bé gái 10 tháng tuổi bị hóc xương lươn, suy hô hấp, nhiễm trùng, nguy kịch tính mạng và phải điều trị hơn 3 tháng.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi có triệu chứng ói sau ăn cháo lươn, kèm sốt, ho. Các triệu chứng nặng dần sau 3 ngày nên bé được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nhưng không biết bé bị hóc xương lươn.
Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh của bé diễn tiến nặng rất nhanh, suy hô hấp, nhiễm trùng máu. Bệnh nhi phải nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để thở máy, truyền dịch và dùng kháng sinh phổ rộng.
Kết quả chụp CT-Scanner ngực ghi nhận bé có khối áp xe lan từ thành sau họng đến trung thất (vị trí nằm ngay phía sau tim, cạnh khí quản, thực quản và các mạch máu lớn). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ bé bị mắc dị vật, dẫn đến áp xe trung thất.
Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi lồng ngực cấp cứu, bên trong ổ áp xe có 2 mảnh xương sắc nhọn mắc lại ở thực quản, gây thủng thực quản và xuyên vào trung thất đến khoang màng phổi. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành lấy dị vật, bơm rửa, dẫn lưu trung thất. Bệnh nhi được đặt ống thông dạ dày, đưa sữa và thức ăn lỏng vào dạ dày để nuôi ăn.
Dị vật sau khi lấy ra được xác định đây là xương lươn.
Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng trung thất của bệnh nhi sau lấy xuơng lươn diễn tiến rất nặng, vết thủng thực quản thành viêm nên không thể khâu lại lỗ dò thực quản ngay từ lần mổ đầu tiên.
Bệnh nhi được tiếp tục được thở máy, phối hợp kháng sinh, điều trị nâng đỡ. Khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, các bác sĩ tiến hành khâu lại lỗ thủng, bơm rửa trung thất và màng phổi nhiều lần.
Sau hơn 3 tháng chiến đấu với bệnh tật vì bị hóc xương lươn, sức khỏe bé gái đã hồi phục và xuất viện cách đây 3 ngày.
Bác sĩ CK.1 Nguyễn Hiền (khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết trước đây Bệnh viện Nhi đồng 2 từng tiếp nhận và điều trị thành công nhiều trường hợp hóc dị vật.
Em được đặt ống thông dạ dày, đưa sữa và thức ăn lỏng vào dạ dày để nuôi ăn. Tuy nhiên đây là một trong những ca hóc dị vật là xương lươn nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với những thực phẩm có xương hoặc vỏ như cá, lươn, tôm, cua hay thực phẩm dạng hạt tuy chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng cần cẩn thận khi chế biến, ray lọc kỹ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, phụ huynh cũng không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại, máy tính hoặc đọc sách, trò chuyện trong lúc ăn uống. Nếu nghi ngờ trẻ hóc dị vật nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh trường hợp mắc xương lươn như trên.
Bình luận (0)