Hụi “ma”
Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố, bắt giam một chủ hụi về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại thị trấn Sông Đốc, nơi trước nay nổi tiếng với quá nhiều vụ bể hụi. Trong tờ tường trình gửi công an, 34 người ký tên tố cáo họ bị chủ hụi Trần Kim Phụng lừa trên 1,6 tỉ đồng. Trong đó, vợ chồng cụ bà Phạm Thị Nhanh khai bị lừa 71 triệu đồng, đó là số tiền chắt mót cả đời cộng với số nợ hàng chục triệu mà ông bà phải gánh trong thời gian đóng hụi cho Phụng.
Những nạn nhân này trình bày vợ chồng Phụng đến nói có mở 3 dây hụi tháng và 2 dây hụi ngày và mời tham gia với những hứa hẹn chênh lệch hấp dẫn. Nghe vậy, ông bà Nhanh đã lấy hết số tiền dành dụm để tham gia với ý định kiếm ít tiền lãi. Trong thời gian này, nhiều hụi viên cần tiền đến bỏ hụi để hốt nhưng rất hiếm ai có thể hốt được. Khi có người bỏ cao mấy thì Phụng cũng nói có một người nào đó bỏ cao hơn, hốt trước. Thế là họ đành tiếp tục đóng tiền vào để nuôi hụi sống. Đến khi vợ chồng Phụng ôm tiền đóng hụi bỏ trốn, những nạn nhân có dịp họp lại với nhau và phát hiện ra đã có gần 30 hụi viên “ảo” được Phụng bịa ra để hốt hụi, nhằm ngăn các hụi viên thật bỏ cao lấy tiền. Cho đến khi số tiền chiếm đoạt đã nhiều, mọi chuyện vỡ lẽ thì vợ chồng Phụng đã cao bay xa chạy.
Đơn thư tố cáo của hàng chục hụi viên trong vụ bể hụi tại xã Thạnh Phước, Giồng Riềng, Kiên Giang |
Người chơi hụi gọi hình thức dựng lên chân hụi giả của chủ hụi là “hụi ma”. Phần lớn những vụ bể hụi đều có dấu hiệu hình sự, các chủ hụi đều thừa nhận mình đã “phù phép” cho những hụi viên thật chơi chung đường dây hụi với những hụi viên “ảo” để những hụi viên chưa hề tồn tại này hốt hụi khi đến kỳ hạn khui. Bằng cách này, tiền đóng của hụi viên thật bị chủ hụi chiếm trọn.
Phần lớn những nạn nhân của các vụ bể hụi mà chúng tôi tiếp xúc đều thiếu chứng từ ghi nợ. Họ chỉ nhớ đã đóng bao nhiêu lần, bao nhiêu chân rồi quy ra bấy nhiêu tiền. Tiền trăm triệu, tiền tỉ hầu hết chỉ được chủ hụi ghi vắn tắt vào sổ tay, không đầu, không đuôi, thiếu điều kiện ràng buộc... Thế cho nên không ít lần sau khi nổ ra bể hụi, chính quyền địa phương mời hai bên đến đối chiếu số tiền bị chiếm đoạt thì cuộc gặp gỡ cũng chỉ trở thành cuộc cãi vã giữa chủ hụi và hụi viên chứ không thống nhất được số tiền bị chiếm đoạt.
Gian nan giải quyết hậu quả
Trong nhiều vụ bể hụi, những hụi viên bị chiếm đoạt tiền thường than phiền vụ việc của họ chậm được giải quyết, hoặc chính quyền, ngành chức năng thiếu “nhiệt tình” khi xem xét giải quyết các vụ bể hụi. Không thiếu những chủ hụi sau khi chiếm đoạt tiền của hụi viên, lánh mặt một thời gian rồi lại quay về sinh sống bình thường với lời hứa “sẽ trả từ từ”, “trả khi có khả năng”. Khi ấy, việc đòi lại tiền hụi bị chiếm đoạt của hụi viên là vô cùng khó.
Theo ông Nguyễn Sơn Ca, Phó giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau, điều tiên quyết phải làm là tránh những vụ bể hụi bằng cách giáo dục, nâng cao nhận thực pháp luật về hụi, nhất là nghị định của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường cho người dân. “Ngay cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng chưa hiểu rõ tính chất của hụi dân gian là hụi tương trợ, còn hụi mang tính kinh doanh thì phải đăng ký và chịu sự giám sát”, ông Ca nói. |
Trung tá Ngô Thành Thái, Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thị xã Bạc Liêu cho rằng, nạn nhân của những vụ bể hụi thường mong muốn các cơ quan công an vào cuộc, vì như thế chủ hụi mới “sợ” mà trả tiền cho họ. Tuy nhiên, không phải vụ bể hụi nào cũng có dấu hiệu của tội phạm hình sự và những “dấu hiệu tội phạm” ấy không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ xác định nên cơ quan buộc phải cẩn trọng để tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự khác. Cũng không thiếu những trường hợp khi cơ quan công an vào cuộc thì đối tượng đã bỏ trốn, hoặc có những trường hợp đưa ra xử lý theo pháp luật thì tài sản của chủ hụi cũng chẳng còn gì để thi hành án.
Tiến Trình – Kim Tuấn – Hoàng Giang
Bình luận (0)