Bế tắc đào tạo tài năng

17/04/2012 03:50 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM tuyên bố tạm dừng tuyển sinh mới chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng khi đề án này mới trải qua được một nửa chặng đường (2002 - 2020). Điều này cho thấy sự lúng túng trong đào tạo và sử dụng người tài.

ĐH Quốc gia TP.HCM tuyên bố tạm dừng tuyển sinh mới chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng khi đề án này mới trải qua được một nửa chặng đường (2002 - 2020). Điều này cho thấy sự lúng túng trong đào tạo và sử dụng người tài.

 
SV cử nhân tài năng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tốt nghiệp tài năng, tìm việc khó khăn

Tại khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, trong số 35 sinh viên (SV) tốt nghiệp khóa đầu tiên chỉ có một SV được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Năm kế tiếp giữ lại 2 người nhưng đến nay một người cũng bỏ ngang để đi làm công việc khác. Một giảng viên khoa Văn học và ngôn ngữ cho biết: “Đa số SV tốt nghiệp chương trình này đều không làm việc đúng theo mục tiêu ban đầu đặt ra là nghiên cứu và giảng dạy về văn học. Thay vào đó, SV tự tìm kiếm việc làm bên ngoài”.

 

Đa số sinh viên ra trường đều làm trái nghề, phải tự đào tạo lại khi đi làm thì quá uổng phí

Thạc sĩ Ngô Trà My - Giảng viên khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

Cũng như vậy, hầu hết SV cử nhân tài năng khoa Ngữ văn Anh đều làm cho các công ty nước ngoài. P.M - SV khóa 2002-2006 cho biết những kiến thức được trang bị từ lớp cử nhân tài năng (chủ yếu về ngôn ngữ) hầu như không giúp ích được gì cho công việc mới. Một SV bình thường học khoa Ngữ văn Anh cũng có thể làm tốt những công việc như vậy.

Ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên, SV cử nhân tài năng ngành vật lý vẫn rất khó xin việc. Hầu hết SV phải học thêm chuyên ngành khác mới có việc làm. Theo thông tin từ khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên khóa đầu tiên có 6/18 SV, khóa 2 có 7/15 SV, khóa 3 có 6/9 SV, khóa 4 có 17/19 SV đi du học các nước. Chưa thấy một SV nào làm việc cho các viện nghiên cứu về toán để phát triển ngành khoa học cơ bản này ở Việt Nam.

Kinh phí nhiều, hiệu quả thấp

Theo lãnh đạo của các trường ĐH thực hiện chương trình, ngoài kinh phí mà nhà nước cấp như SV đại trà (khoảng 6 triệu đồng/SV/năm), mỗi SV của chương trình này còn được đầu tư khoảng 10 triệu đồng/năm.

Mục tiêu ban đầu của đề án là đào tạo những kỹ sư - cử nhân chất lượng cao nhằm cung ứng lực lượng giảng dạy kế thừa làm việc tại các trường ĐH-CĐ, bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên môn cho các viện nghiên cứu và thị trường lao động. Tuy nhiên, nhìn vào việc làm của SV tốt nghiệp thì dường như mục tiêu ấy chưa đạt được.

Hàng loạt SV ra trường không những không có điều kiện nghiên cứu khoa học mà còn phải bon chen vất vả tìm việc. Việc một SV ra trường làm trái nghề trong thời điểm hiện nay không có gì lạ nhưng với một chương trình đào tạo đặc biệt như kỹ sư  - cử nhân tài năng, đa số SV học xong làm trái nghề là một sự lãng phí cực lớn.

H.N - cựu SV cử nhân tài năng cho rằng: “Việc tạm dừng tuyển sinh chương trình này xem ra cũng là điều tất yếu. Khi mà, SV ra trường không được sử dụng vào đúng mục đích đặt ra. Bản thân mình, khi ra trường phải tự bơi tìm việc, từ một nhân viên PR đến nay trở thành một nhân viên phòng đối ngoại”.

 

Thạc sĩ Ngô Trà My - giảng viên khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ý kiến: “So với môi trường đào tạo đại trà thì SV học chương trình này có điều kiện hơn rất nhiều trong học tập. Với quá trình đào tạo chuyên sâu ấy, SV ra trường nếu giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về văn học thì rất tốt. Tuy nhiên, đa số SV ra trường đều làm trái nghề, phải tự đào tạo lại khi đi làm thì quá uổng phí”.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, cũng từng có khảo sát một số SV học chương trình này. Tiến sĩ Phương Anh cho biết, có thể thấy hiệu quả không cao lắm, đánh giá ban đầu là các SV này giống như học... lớp thường. Bởi, ngoại trừ học lớp ít SV, có giảng viên giỏi, nhận học bổng, các SV này ra trường cũng không có gì đặc biệt. Một bộ phận SV đi du học, chưa biết hiệu quả quay lại phục vụ đất nước ra sao. Một bộ phận khác lớn hơn thì bôn ba tìm việc, làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo. Trong khi, với ngành được đào tạo, đội ngũ SV kỹ sư, cử nhân tài năng được kỳ vọng sẽ góp sức lực vào việc phát triển ngành nghề đó.

Có thể nói, việc đào tạo nhiều ngành học theo chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng kém hiệu quả là một sự lãng phí tài năng rất lớn. Chưa kể, nó còn làm lãng phí sức lực, tâm huyết của đội ngũ giảng viên giỏi khi họ truyền đạt kiến thức hết sức mình nhưng không đạt hiệu quả sử dụng. 

Kinh phí đầu tư đồ sộ

Theo đề án đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng của ĐHQG TP.HCM, nguồn kinh phí để thực hiện đề án được lấy từ ngân sách nhà nước, ngân sách từ trường và nguồn vốn huy động từ bên ngoài. Dự kiến chỉ trong giai đoạn 2012 - 2015 ĐHQG TP.HCM cần có thêm 97,7 tỉ đồng nguồn kinh phí cấp bổ sung cho chương trình này. Bên cạnh học bổng khuyến khích học tập như SV đại trà, SV kỹ sư, cử nhân tài năng còn được cấp học bổng sinh hoạt phí hằng tháng, đặc biệt được học tập trong môi trường riêng với sĩ số ít, giảng viên giỏi và chương trình đặc biệt.

Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.