Bé trai là P.H.C (9 tuổi, tại tỉnh Vĩnh Phúc) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tối 14.3, do bị chó cắn.
Người nhà của bé cho biết, khoảng 17 ngày 14.3, khi sang hàng xóm chơi, bé không may bị chó của nhà hàng xóm (là chó mẹ vừa đẻ rất dữ) tấn công, gây vết thương nặng tại dương vật.
TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, tại bệnh viện, cháu C. đã được các bác sĩ kịp thời xử lý phần da lóc dương vật, cắt lọc bỏ phần da đen hoại tử và khâu tạo hình phần da dương vật. Sau mổ, tình trạng bệnh nhi đang ổn định.
Cháu bé cũng đã được đưa đi tiêm phòng theo nguyên tắc tiêm phòng trong 72 tiếng đầu sau khi bị chó cắn.
BS Vũ Hồng Tuân, phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, cho biết khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do vết thương chó cắn, nhưng bị cắn vào dương vật thì khá hiếm gặp. Cách đây 3 năm, các bác sĩ của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp cháu bé bị chó cắn cụt dương vật; cũng đã có trường hợp anh trai cầm dao nghịch, do bất cẩn đã cắt đứt dương vật của em.
Các bác sĩ khuyến cáo trong tình huống bị chó tấn công, hoặc tai nạn khiến trẻ bị vết thương tại dương vật, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín để cấp cứu kịp thời. Nếu không may, vết thương gây tổn thương vật hang, vật xốp và niệu đạo của cháu bé (là tổn thương nghiêm trọng), phẫu thuật phức tạp, có thể ảnh hưởng chức năng sinh sản sau này.
Theo Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, hằng năm, có nhiều trẻ em bị chó nuôi cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân, còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt, do phụ huynh không để ý khi trẻ ở nhà. Vì vậy, các gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em; chó phải có rọ mõm.
Bình luận (0)