“Mùa đông, tháng mười, vua ngự ra Bình Than đóng ở vụng Trần Xá”, chính sử chép về cuộc họp khẩn của nhà Trần năm 1282. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một cuộc “du ngoạn trên sông” như thám tử của quân địch báo về cho chủ tướng của chúng mà là cuộc “hội họp vương hầu và trăm quan”. Cuộc họp bàn hai nội dung quan trọng: kế sách công thủ và chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu. Bởi lúc đó, nước Đại Việt đang đứng trước âm mưu thôn tính lần hai của vua Nguyên Hốt Tất Liệt.
|
Các nhà khoa học phân tích cuộc họp quan trọng này không thể diễn ra tại Thăng Long, hay thậm chí ở hành cung Tức Mặc - Thiên Trường, trước tai mắt của địch, khi tình hình ngày càng căng thẳng. Hành tích cũng như nội dung “hội nghị cấp cao mở rộng” quan trọng của vua tôi nhà Trần cần bí mật. Thêm nữa, về họp tại Lục Đầu Giang còn là dịp cho các tướng lĩnh nhà Trần, vốn giỏi thủy chiến, khảo sát thực địa một vùng hiểm yếu để từ đó có kế sách chống giặc.
Nhưng muốn tái hiện sự kiện cách đây 730 năm ấy, thì một câu hỏi cần được giải đáp là hội nghị đã diễn ở đâu trong vùng Bình Than xưa, dưới thuyền hay trên bãi. Có hai thuyết về điều này. Một cho rằng cuộc họp diễn ra ở vụng Trần Xá (nay thuộc Hải Dương), một cho rằng diễn ra tại bãi Nguyệt Bàn (nay thuộc Bắc Ninh). “Cơ sở cho thuyết hội nghị diễn ra tại nơi là Hải Dương hiện nay căn cứ vào ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy nhiên, các khảo sát thực địa và thư tịch khác của các nhà khoa học gần đây lại cho rằng Hội nghị Bình Than được tổ chức trên bãi Nguyệt Bàn, nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh”, PGS-TS Nguyễn Minh Tường tóm lược.
Một trong những chứng cứ ủng hộ “Bắc Ninh” là tại đây có truyền thuyết dân gian về đền Tam Phủ, cùng nhiều địa danh gắn với di tích hiện còn như Bình Than, Đại Than, Phù Than, Văn Than... "Than", theo nghĩa Hán - Nôm, là bãi đất ven nước.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “...lúc đó thuyền vua đỗ ở bến Bình Than” khi mô tả sự kiện vua Trần sai người đuổi theo thuyền của Khánh Dư. Căn cứ vào đó TS Nguyễn Đình Hùng, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, cho rằng hội nghị hoặc họp ở trên thuyền hoặc trên hành trình dọc sông.
TS Trần Đình Luyện, Hội Di sản văn hóa Bắc Ninh, cũng căn cứ vào chi tiết Khánh Dư lên thuyền lạy tạ mà cho rằng hội nghị họp ở trên thuyền nơi gần cửa Đại Than và bến Bình Than.
PGS-TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, lại căn cứ vào quy mô hội nghị để xác định thể thức họp. Theo ông, không chỉ có thân vương quý tộc nhà Trần vốn cũng đã đông mà còn có nhiều quan lại cao cấp có thể tới hàng trăm người. Đội ngũ quân sĩ lo việc bảo vệ và hậu cần cũng khoảng vài trăm người nữa. Hội nghị lại diễn ra trong khoảng thời gian dài, chí ít cũng vài ngày vì bàn nhiều vấn đề và những nội dung quan trọng. Vì vậy, theo ông Tường, nhất thiết cuộc họp phải tiến hành trên một vùng đất (trên bãi, trên bờ) chứ không thể trên thuyền.
“Xét trên nhiều mặt và dựa trên những gì hiện nay còn quan sát được, bến Bình Than - bãi Nguyệt Bàn đáp ứng đủ các yêu cầu của cuộc hội nghị đó”, ông Tường nhấn mạnh.
Việc xác định rõ nơi họp hội nghị Bình Than tại Bắc Ninh sẽ giúp tỉnh định vị rõ hơn chiến lược đầu tư du lịch tại đây. “Khu vực bến Bình Than, bãi Nguyệt Bàn là điểm nhấn trong chuỗi các tài nguyên du lịch ở huyện Gia Bình để phát triển không gian du lịch phía đông tỉnh Bắc Ninh”, ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Ninh, khẳng định.
Ngữ Thiên
Bình luận (0)